G7 chi 600 tỷ USD cho hạ tầng chiến lược toàn cầu
Sáng kiến với tên gọi “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu” có trị giá lên tới 600 tỷ USD sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, trong đó có cả người dân Mỹ. Đây là tuyên bố của ông Joe Biden trong khuôn khổ Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khai mạc hôm 26/6 (giờ địa phương) tại Bayern, Đức. Dù không hề nhắc tới Bắc Kinh nhưng giới chuyên gia nhận định, việc thực thi chiến lược này của G7 là nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai, con đường” và sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7, hiệp định “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu” đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh gồm Canada, Đức, Italia, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) công bố. Đây không phải là một dự án mới hoàn toàn mà được sửa đổi từ chiến lược “Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) được đưa ra ở kỳ thượng đỉnh hồi năm ngoái. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Biden cho biết sáng kiến được xây dựng dựa trên các kinh nghiệm tốt nhất toàn cầu về minh bạch, đối tác, bảo vệ người lao động và môi trường.
Cụ thể, sáng kiến tập trung vào bốn trụ cột bao gồm ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư cho năng lượng sạch; xây dựng hệ thống Internet, thông tin an toàn và mở; thúc đẩy bình đẳng và công bằng giới; nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế.
Theo ông Biden, nhóm G7 sẽ tìm cách huy động 600 tỷ USD cho sáng kiến này tới năm 2027 và Mỹ sẽ đóng góp 200 tỷ USD trong lĩnh vực tài chính công và tư để thúc đẩy, lấp vào khoảng trống cơ sở hạ tầng trị giá 40.000 tỷ USD ở các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình.
Ông Biden nhấn mạnh: “Đây không phải là câu chuyện viện trợ hay từ thiện. Sáng kiến sẽ góp phần mang lại lợi ích đến với tất cả mọi người, trong đó có cả người dân Mỹ. Đây chỉ là bước khởi đầu. Mỹ cùng các đối tác G7 sẽ tìm cách huy động thêm hàng trăm tỷ USD vốn từ các đối tác cùng chí hướng khác, các ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ tài sản có chủ quyền và hơn thế nữa”.
Bình luận về sáng kiến nêu trên, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá: “Thế giới đang cần rất nhiều động lực trong lĩnh vực đầu tư và chúng tôi sẽ mang tới điều đó một cách tích cực và mạnh mẽ. Đối tác ở các nước đang phát triển sẽ thấy rằng họ có quyền lựa chọn”. Bà Ursula von der Leyen đồng thời cam kết châu Âu sẽ huy động khoảng 317 tỷ USD cho sáng kiến chiến lược này.
Giới chuyên gia nhận định, dù không hề nhắc tới Bắc Kinh nhưng việc thực thi chiến lược này của G7 là nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc công bố hồi năm 2013 với mục đích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở hơn 100 quốc gia.
Cựu Ngoại trưởng Đức Heiko Maas năm 2021 từng thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc sử dụng các phương tiện kinh tế và tài chính để gia tăng ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Việc than phiền về điều này là vô nghĩa và châu Âu cần phải đưa ra được các đề xuất thay thế. Điều quan trọng nữa là châu Âu cũng cần phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong chiến lược này”.
Khác với các dự án trong sáng kiến của Trung Quốc, chủ yếu lấy nguồn vốn từ ngân sách, những khoản tài trợ trong kế hoạch của G7 được đề xuất sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc các công ty tư nhân sẵn sàng cam kết đầu tư hay không và do đó không được đảm bảo hoàn toàn. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng đây vẫn là một tín hiệu tốt khi các nước tiếp nhận hỗ trợ có thể tránh được “bẫy nợ”.
Thủ tướng Italia Mario Draghi nói với tờ Corriere della Sera như sau: “Các nước sẽ không phải lăn tăn về việc G7 quan tâm tới vị thế kinh tế và địa chiến lược hơn là mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Chúng tôi đến với bạn bằng đề nghị đầu tư để giúp đất nước bạn được cải thiện về hạ tầng, kinh tế và nó sẽ tác động tích cực, lâu dài đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dân số của các bạn”.
CNN dẫn phân tích của một quan chức Mỹ cho biết: “Rõ ràng là sáng kiến “Vành đai, con đường” ra đời trước và nó đã thực hiện rất nhiều khoản giải ngân, đầu tư bằng tiền mặt. Nhưng tôi tin rằng sáng kiến của G7 vì các đối tác vẫn chưa hề muộn. Chính quyền Tổng thống Biden thường xuyên tham vấn các đồng minh và đã tới nhiều quốc gia trong vòng 1 năm qua để tìm hiểu xem sáng kiến này liệu có thể đáp ứng nhu cầu của họ, đồng thời nhằm cải thiện sự phối hợp giữa các nước thành viên G7 hay không”.
Được biết, sáng kiến này hiện đã hỗ trợ tài chính cho một số dự án bao gồm một dự án điện mặt trời ở Angola, một cơ sở sản xuất vaccine ở Senegal, một lò phản ứng năng lượng mô-đun ở Romania và một tuyến cáp viễn thông ngầm dài hơn 1.600 mét nối Singapore tới Pháp qua Ai Cập và vùng Sừng châu Phi.
Quan chức Mỹ nêu trên cũng tiết lộ với CNN rằng, dù các mục tiêu rõ ràng của sáng kiến do Mỹ dẫn đầu là ở châu Phi, Nam Mỹ và phần lớn châu Á, nhưng hệ quả từ cuộc xung đột Nga – Ukraine có khả năng sẽ đưa “ngay cả những nước ở Đông Âu” vào danh sách.