EU sẽ "gậy ông đập lưng ông" nếu tiếp tục cấm vận Nga?
"Càng áp nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga, tình hình của chúng ta sẽ càng trở nên tồi tệ. Còn Moscow cũng hứng chịu tổn hại nhưng họ vẫn vượt qua. Và điều tồi tệ hơn là chúng ảnh hưởng tới cả Ukraine", nghị sĩ Quốc hội Hungary Balazs Orban nhận định.
Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 23/6 (giờ địa phương), ông Balazs Orban - quan chức cấp cao thân cận với Thủ tướng Hungary cho rằng, EU nên dừng các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến sự ở Ukraine.
Khác với nhiều quan chức EU cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ cần thời gian để có thể tác động đầy đủ lên nền kinh tế Nga, ông Balazs Orban nhấn mạnh "EU nên thay đổi chiến thuật".
Ông Balazs Orban nhận định với Reuters như sau: "Cuối cùng, châu Âu sẽ là bên thua thiệt trong cuộc chiến này do các vấn đề kinh tế. Đề xuất của chúng tôi là chúng ta nên ngăn chặn trừng phạt và bắt đầu thúc đẩy các lệnh ngừng bắn, đàm phán vì hoá bình. Đó là giải pháp của chúng tôi đưa ra".
Quan chức này phân tích rằng trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Vì thế, việc thay thế toàn bộ khí đốt Nga là bất khả thi trong thời gian ngắn và châu Âu sẽ không thể tìm đủ nguồn cung thay thế trước mùa Đông năm nay.
Được biết, Hungary là một trong những quốc gia EU phụ thuộc lớn vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Budapest từng kiên quyết phản đối gói trừng phạt mới nhất của khối nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ cho tới khi EU thông qua một giải pháp ngoại lệ cho nước này.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các nước phương Tây rất khó cho phép Ukraine quay lại bàn đàm phán với Nga.
“Tôi không thấy khả năng Ukraine có thể đưa ra bất kỳ đề xuất nào, nhưng chúng tôi cũng sẽ không đề xuất bất cứ điều gì. Chúng tôi đã đưa ra đề xuất của mình từ lâu. Bây giờ, quyền quyết định thuộc về họ”, ông Lavrov nói.
Khi được hỏi liệu Nga có đề xuất phiên bản thỏa thuận mới nào với Ukraine giống như các thỏa thuận Minsk hay không, ông Lavrov nói rằng làm việc theo các khuôn khổ hiện có là điều vô nghĩa.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, Chủ tịch Thượng viện Nga cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Ukraine để ký kết các thỏa thuận hướng tới hòa bình, nhưng “không nhận được phản ứng từ Kiev”.