EU chưa đạt đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga

Thứ Tư, 18/05/2022, 08:45

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là một trong những nội dung chính tại Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), diễn ra ngày 16/5 (giờ địa phương), tại Thủ đô Brussels (Bỉ).

Tuy nhiên, EU đã không đạt được sự đồng thuận do Hungary cùng các quốc gia Đông Âu khác, những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, không ủng hộ gói trừng phạt này.

Chưa đạt đồng thuận

Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc cuộc họp, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, liên minh này đã không đạt được sự đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga do những khó khăn mà một số quốc gia thành viên không giáp biển hiện đang gặp phải. Theo ông, cần phải tái cấu trúc các nhà máy lọc dầu và điều này phải có thời gian và chi phí thích ứng.

Ông nhấn mạnh “sẽ mất thời gian” và vấn đề sẽ tiếp tục được bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh EU bất thường dự kiến diễn ra vào ngày 30-31/5 tới. Ủy ban châu Âu (EC) đã được yêu cầu chỉnh sửa đề xuất về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga đưa ra cách đây 12 ngày và phải đệ trình các giải pháp cụ thể cho các vấn đề mà Hungary và các quốc gia thành viên khác phải đối mặt.

Ban đầu, EC có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022, nhưng riêng Hungary và Slovakia được hoãn đến cuối năm 2023. Theo một quan chức EU, các nước Slovakia, CH Séc, Bulgaria và thậm chí cả Croatia rất dè dặt về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga. Ngày 16/5, Bulgaria đã chính thức yêu cầu khoảng thời gian hai năm để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga.

Cùng ngày, EU cho biết các công ty có thể tiếp tục mua khí đốt từ Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt. EC đã gửi một bản hướng dẫn mới được đưa ra cho các nước thành viên ngày 13/5, người phát ngôn của cơ quan này cho biết ngày 16/5. Trong một khuyến cáo được cập nhật, cơ quan này cho biết các công ty nên đưa ra tuyên bố rõ ràng về những nghĩa vụ của họ khi thanh toán bằng đồng euro hoặc USD. 

Trong hướng dẫn mới về thanh toán khí đốt, EC cho rằng các công ty nên coi nghĩa vụ của mình đã hoàn thành sau khi thanh toán bằng đồng euro hoặc USD theo các hợp đồng hiện có. Hướng dẫn này không ngăn cản các công ty mở tài khoản tại Gazprombank - ngân hàng quốc doanh của Nga theo yêu cầu của phía Moscow.

Lệnh trừng phạt của EU “không ngăn cản các nhà điều hành kinh tế mở tài khoản ngân hàng ở một ngân hàng được chỉ định để thanh toán các hợp đồng khí tự nhiên”, thông báo của EC cho hay. Tuy nhiên, EC không cho biết việc sở hữu tài khoản bằng đồng ruble được đề cập trong sắc lệnh của Nga có phù hợp với các quy định của EU hay không. Trước đây, giới chức EU từng cho rằng việc mở một tài khoản như vậy sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt.

Hiện các công ty châu Âu đang bắt đầu tuân thủ các yêu cầu của Nga để khí đốt tiếp tục được vận chuyển. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy là người tiên phong khi cho biết đã sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu của Nga và mở tài khoản ngân hàng bằng đồng ruble, sau khi EU giảm bớt lập trường cứng rắn trong bất đồng với Điện Kremlin về các nguồn cung cấp khí đốt quan trọng.

Theo đó, Eni sẽ chuyển sang mở tài khoản bằng đồng ruble và đồng euro với ngân hàng Gazprombank vào ngày 18/5 để có thể thanh toán đúng hạn trong tháng này và tránh mọi rủi ro đối với nguồn cung cấp khí đốt. Trước đó, Chính phủ Italy cho biết không còn phản đối việc các công ty châu Âu thanh toán tiền khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng ruble.

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tuần trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết EU không có “tuyên bố chính thức” nào về việc liệu sử dụng đồng ruble có vi phạm các lệnh trừng phạt Nga của liên minh này hay không. Tiếp sau, Eni, Tập đoàn năng lượng Uniper SE của Đức và OMV AG của Austria cũng cho biết sẽ tiếp tục mua khí đốt Nga.

EU chưa đạt đồng thuận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga -0
Một cơ sở lọc dầu của Nga.

Nhiều nước không ủng hộ lệnh cấm

Lý do chính khiến EU sẽ không thể cấm dầu Nga một cách hiệu quả vì lệnh cấm này đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 nước thành viên. Hungary và Slovakia nói rõ rằng họ sẽ không bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Hungary đã nhập khẩu 70.000 thùng/ngày, tương đương 58% tổng lượng dầu nhập khẩu vào năm 2021 từ Nga, trong khi con số của Slovakia thậm chí còn cao hơn, ở mức 105.000 thùng/ngày, tương đương 96% nhập khẩu dầu vào năm ngoái.

Các nước EU khác phụ thuộc nhiều vào đường ống Nam Druzhba của Nga chạy qua Ukraine và Belarus cũng đã nói rõ rằng không sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm dầu Nga. Trong đó, nước phản đối mạnh nhất là CH Séc - nước nhập 68.000 thùng/ngày, tương đương 50% tổng nhập khẩu - và Bulgaria – nước gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ tập đoàn dầu khí quốc doanh Gapzrom của Nga. Bulgaria còn có nhà máy lọc dầu duy nhất thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga là Lukoil, cung cấp hơn 60% tổng nhu cầu nhiên liệu.

Các quốc gia thành viên EU cũng đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu dầu của Nga là Litva (185.000 thùng/ngày, tương đương 83% tổng lượng dầu nhập khẩu năm 2021) và Phần Lan (185.000 thùng/ngày, tương đương 80% tổng lượng dầu nhập khẩu). Ngay cả các đề xuất thỏa hiệp mà EU đưa ra để cho phép Hungary và Slovakia tiếp tục sử dụng dầu Nga cho đến cuối năm 2024 và cho CH Séc đến tháng 6/2024 cũng không đủ để khiến hai nước này ngừng phản đối đề xuất cấm dầu Nga của EU.

Một số quốc gia thành viên EU đã nói rõ rằng họ sẽ phủ quyết mọi đề xuất cấm nhập khẩu dầu (hoặc khí đốt) của Nga. Không chỉ các nước này và bản thân cơ quan hành pháp của EU là EC cũng đã tìm cách tốt nhất để tiếp tục thanh toán tiền nhập khẩu dầu và khí đốt Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt, trong đó có lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.

Ngoài ra, bản thân quốc gia “đầu tàu” EU là Đức không chắc chắn về vấn đề cấm dầu Nga. Đức cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu cấm dầu và khí đốt Nga vì Đức nhập nhiều dầu thô nhất từ Nga vào năm 2021 so với các quốc gia EU khác: trung bình là 555.000 thùng/ngày, tương đương 34% tổng lượng dầu nhập khẩu trong năm đó.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.