Dư luận thế giới lên án vụ tấn công đoàn người chờ hàng viện trợ ở Dải Gaza

Thứ Bảy, 02/03/2024, 07:45

Sau nhiều lần mừng hụt, hy vọng về một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza lại một lần nữa thắp lên khi hồi đầu tuần này Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ Israel đã đồng ý sẽ tạm ngừng chiến dịch tấn công trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 10/3 tới, để đổi lấy việc phong trào Hamas trao trả một số con tin.

Tuy nhiên, như tiếng sét đánh ngang tai, khi niềm vui chưa kịp tới, ngày 28/2 (giờ địa phương), đã xảy ra một vụ tấn công đẫm máu ở khu vực Bắc Dải Gaza khiến khoảng 900 người thương vong.

Dư luận kịch liệt lên án

Cơ quan y tế Palestine cùng nhiều nguồn tin Arab ngày 29/2 khẳng định, ít nhất 112 người đã thiệt mạng và 760 người bị thương trong một vụ tấn công vào đám đông vây quanh xe viện trợ ở Gaza, một số nạn nhân tử vong do giẫm đạp hoặc bị xe tải cán qua. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, số người bị thương là hơn 280 người. Các hãng tin Mỹ dẫn lời các nhân chứng nói rằng, Quân đội Israel đã nổ súng vào đám đông người Palestine đói khát, tuyệt vọng đang giành nhau các hộp bột mì và thực phẩm đóng hộp ra khỏi xe viện trợ.

Một nhân chứng cho biết khi vừa dứt tiếng súng, người Palestine lại quay trở lại những chiếc xe viện trợ và binh lính lại nổ súng, khiến anh ta bị thương ở chân, sau đó bị một chiếc xe cán qua. Theo ban quản lý bệnh viện địa phương, hầu hết vết thương của các nạn nhân đều là vết đạn. Tuy nhiên, các nhân chứng khác người Palestine nói rằng, hầu hết những người thiệt mạng đều bị xe tải cán qua.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Antonio Guterres đã bị sốc trước tính chất nghiêm trọng và kịch liệt lên án vụ tấn công; nhấn mạnh đây là những hành vi bạo lực, theo một nghĩa nào đó, do cuộc xung đột này gây ra. LHQ một lần nữa kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức và trả tự do vô điều kiện cho tất cả các con tin.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington hiện đang khẩn trương tìm hiểu thêm thông tin về sự việc và đã liên lạc với Chính phủ Israel. Theo ông Matthew Miller, Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ cuộc điều tra của Chính phủ Israel và sẽ gây sức ép để có câu trả lời. Tổng thống Joe Biden cũng đã thảo luận sự việc trên với lãnh đạo các nước Ai Cập và Qatar cũng như cách thức đảm bảo việc thả tự do cho các con tin bị Hamas bắt giữ và một thỏa thuận ngừng bắn trong ít nhất 6 tuần nhằm gia tăng viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza.

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly trong một tuyên bố đã gọi vụ tấn công là cơn ác mộng, đồng thời kêu gọi chấm dứt xung đột. Saudi Arabia, Ai Cập và Jordan cáo buộc Israel nhắm mục tiêu vào dân thường. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza...

Palestine cáo buộc lực lượng Israel đã thực hiện một vụ “thảm sát”, nổ súng vào đám đông đang chờ nhận hàng viện trợ. Còn Phong trào Hamas thì cho rằng vụ tấn công trên có thể dẫn đến sự đổ vỡ cuộc đàm phán hiện nay nhằm đạt được thoả thuận ngừng bắn và trả tự do cho các con tin ở Gaza. Quân đội Israel đã lên tiếng phủ nhận tiến hành vụ tấn công. Họ thông báo ngắn gọn rằng lực lượng của họ chỉ nổ súng để đe dọa đám đông sau khi đoàn xe viện trợ di chuyển.

Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari nói: “Chúng tôi không tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào đoàn xe viện trợ. Ngược lại, chúng tôi đã ở đó tiến hành hoạt động nhân đạo để đảm bảo hành lang nhân đạo và cho phép đoàn xe viện trợ đến được địa điểm được chỉ định”. Giới chức Israel cho rằng, hầu hết thương vong trước đó là do giẫm đạp hoặc người dân xô đẩy nhau, đè lên nhau, đồng thời bày tỏ hoài nghi về số người thiệt mạng từ chính quyền Palestine.

8.jpg -0
Khung cảnh tan hoang sau cuộc tấn công đẫm máu hôm 28/2 ở phía Bắc Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Cần nhiều hơn một lệnh ngừng bắn tạm thời

Thông tin của Tổng thống Mỹ về việc Israel đã đồng ý sẽ tạm ngừng chiến dịch tấn công trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đã khiến truyền thông quốc tế “dậy sóng” dự đoán về một thỏa thuận ngừng bắn đã cận kề. Vốn được xem như là “nhà bảo trợ chính” cho cuộc tấn công của Israel tại Gaza, tiếng nói của Mỹ đương nhiên có độ tin cậy cao. Trên thực tế, sau nhiều lần đổ vỡ, đây là vòng đàm phán mà Israel và Hamas đều tỏ ra nghiêm túc và có sự thay đổi trong lập trường.

Ngày 20/2, Hamas từ bỏ yêu cầu ngừng bắn vĩnh viễn và trao trả toàn bộ tù nhân, thay vào đó chấp nhận tạm ngừng giao tranh để trao đổi tù nhân và con tin, cũng như tăng thêm viện trợ nhân đạo vào Gaza. Phía Israel không còn nói đề xuất của Hamas là “ảo tưởng”, chấp nhận thả một số tù nhân quan trọng của phong trào này, cử một phái đoàn đàm phán mới tới Qatar. Đồng thời, Nội các Israel cũng tăng thẩm quyền quyết định cho đoàn đàm phán, bao gồm giám đốc Cơ quan tình báo Mosad và giám đốc Cơ quan An ninh nội địa Shin Bet...

Giới quan sát cho rằng, các cuộc tấn công dữ dội liên tục ở miền Nam Dải Gaza đang gia tăng sức ép đối với ban lãnh đạo của Phong trào Hamas, khiến tổ chức này phải chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nhằm đảm bảo mục tiêu cuối cùng là tồn tại và tiếp tục nắm quyền tại Gaza. Ngoài ra, so với lần ngừng bắn cuối tháng 11 năm ngoái có tỷ lệ 1 con tin đổi 3 tù nhân, tỷ lệ trao đổi 1/10 lần này là một thắng lợi cho Hamas.

Trong khi đó, về phía Israel, đối mặt với một cuộc chiến kéo dài và số phận mong manh của 130 con tin đang bị giam giữ, dư luận và Nội các chiến tranh nước này đang có sự đồng thuận cao về một đợt ngừng bắn hạn chế, đổi lại sẽ có thêm vài chục con tin được giải thoát. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ thông báo triển vọng tích cực, các đại diện của cả Israel lẫn Hamas đều nói rằng chưa có tiến triển trong các cuộc đàm phán.

Ngay cả Qatar, một đối tác trung gian chủ chốt kết nối giữa các bên cũng tỏ ra thận trọng, cho hay “không có bước đột phá nào để công bố” và hiện tại chỉ đang “tích cực thúc đẩy” các bên. Những diễn biến này cho thấy một thỏa thuận ngừng bắn dù rất tích cực nhưng vẫn còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán đang tiếp tục diễn ra.

Nếu đàm phán đổ vỡ, một điều chắc chắn là Israel sẽ tiếp tục tăng cường cuộc tấn công tại miền Nam Dải Gaza, bao gồm cuộc đổ bộ vào Rafah. Trong một bài phát biểu dài trước toàn dân tối 29/2, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu một lần nữa khẳng định “phản đối mọi sức ép quốc tế yêu cầu chấm dứt cuộc chiến trước khi chúng ta đạt được mọi mục tiêu chiến tranh”. Chính phủ Israel lo ngại chấp nhận thỏa thuận bằng mọi giá đồng nghĩa với việc Hamas sẽ tiếp tục nắm quyền, gây dựng lại cơ sở hạ tầng và xốc lại lực lượng để tiếp tục các cuộc tấn công mới nhằm vào Israel.

Cuộc chiến bất đối xứng có thể dự báo một thất bại trước mắt của Hamas trên chiến trường. Tuy nhiên, cho dù năng lực quân sự của Israel có mạnh đến đâu, mục tiêu “xóa sổ” Hamas như tuyên bố ban đầu của các nhà lãnh đạo Israel dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Hamas không phải là một lực lượng vũ trang đơn thuần mà là một phong trào chính trị nhận được sự ủng hộ của người dân Palestine ở cả Dải Gaza và Bờ Tây.

Vì vậy, một lệnh ngừng bắn, nếu có, vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Thế giới đang kêu gọi thúc đẩy giải pháp “hai nhà nước”, một hành trình vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng cũng phải thực hiện để có được nền hòa bình bền vững cho tất cả các bên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.