Động lực mới cho giải quyết xung đột tại Gaza

Thứ Năm, 23/05/2024, 07:44

Ba nước gồm Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha ngày 22/5 đưa ra động thái mang tính lịch sử khi tuyên bố sẽ công nhận một Nhà nước Palestine, cho rằng đây là động lực giải quyết xung đột tại Gaza, tuy nhiên, lại khiến Israel lên án và ngay lập tức ra lệnh triệu hồi các Đại sứ của mình từ Na Uy và Ireland về nước.

Đầu tiên là Na Uy, khi Thủ tướng Jonas Gahr Støre ngày 22/5 nhấn mạnh rằng "không thể có hòa bình ở Trung Đông nếu không có sự công nhận đối với Nhà nước Palestine" và nói thêm rằng quốc gia Scandinavia này sẽ chính thức công nhận một Nhà nước Palestine kể từ ngày 28/5. "Bằng việc công nhận một Nhà nước Palestine, Na Uy ủng hộ Sáng kiến hòa bình của Arab Saudi", ông nói.

Trong những tuần qua, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã lần lượt công bố kế hoạch công nhận Nhà nước Palestine, cho rằng giải pháp hai nhà nước là điều cần thiết cho hòa bình lâu dài trong khu vực. Quyết định này có thể tạo động lực cho việc các nước EU khác công nhận một Nhà nước Palestine và có thể thúc đẩy các bước tiếp theo tại Liên hợp quốc. Na Uy, không phải là thành viên của EU, là nước ủng hộ nhiệt tình giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine.

Lãnh đạo chính phủ Na Uy khẳng định: "Các hành vi khủng bố đã được thực hiện bởi Hamas và các nhóm chiến binh không ủng hộ giải pháp hai nhà nước và Nhà nước Israel. Palestine có quyền cơ bản là có một quốc gia độc lập". Thủ tướng Na Uy khẳng định "sẽ coi Palestine là một quốc gia độc lập với tất cả các quyền và nghĩa vụ đi kèm".

Chính phủ Na Uy cũng cho biết, động thái này diễn ra hơn 30 năm sau khi thỏa thuận Oslo đầu tiên được ký kết vào năm 1993. Kể từ đó, "phía Palestine đã thực hiện những bước đi quan trọng hướng tới giải pháp hai nhà nước". Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới xác định rằng một Nhà nước Palestine đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng để hoạt động như "một nhà nước thực sự" vào năm 2011, cũng như các thể chế quốc gia đã được xây dựng để cung cấp cho người dân những dịch vụ quan trọng. Chính phủ Na Uy nhấn mạnh: "Chiến tranh ở Gaza và việc mở rộng liên tục các khu định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây vẫn đồng nghĩa với việc tình hình ở Palestine trở nên khó khăn hơn so với nhiều thập kỷ qua".

Động thái này diễn ra trong bối cảnh lực lượng Israel đã và đang tiến hành các cuộc tấn công vào rìa phía Bắc và phía Nam của Dải Gaza trong tháng 5, gây ra một cuộc di cư mới của hàng trăm nghìn người và hạn chế nghiêm trọng dòng viện trợ, làm tăng nguy cơ nạn đói.

1.jpg -0
Người biểu tình mang theo biểu ngữ "Ireland ủng hộ Palestine" tại Dublin, Ireland đầu năm 2024. Ảnh Shutterstock.

Cũng trong ngày 22/5, Thủ tướng Ireland Simon Harris đã đưa ra thông báo về một động thái tương tự với Na Uy, "một ngày lịch sử và quan trọng đối với Ireland và Palestine". Ông cho biết động thái này nhằm giúp giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine thông qua giải pháp hai nhà nước. Thủ tướng Harris bày tỏ hy vọng các quốc gia khác sẽ cùng với Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland công nhận Nhà nước Palestine "trong những tuần tới".

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cũng thông báo đất nước của ông sẽ công nhận một Nhà nước Palestine vào ngày 28/5. Đáng chú ý, ông Sánchez đã dành nhiều tháng đi công du các nước châu Âu và Trung Đông để kêu gọi sự ủng hộ cho việc công nhận một Nhà nước Palestine, cũng như khả năng ngừng bắn ở Gaza. "Chúng tôi biết rằng sáng kiến này sẽ không thay đổi được quá khứ hay đền bù những sinh mạng đã mất ở Palestine, nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ mang lại cho người Palestine hai điều rất quan trọng đối với hiện tại và tương lai của họ: phẩm giá và hy vọng", Thủ tướng Tây Ban Nha nhấn mạnh. "Sự công nhận này không chống lại bất kỳ ai, không chống lại người dân Israel", mà "là một hành động ủng hộ hòa bình, công lý và nhất quán về mặt đạo đức".

Bên cạnh đó, ông Sánchez không loại trừ khả năng căng thẳng ngoại giao với Tel Aviv có thể gia tăng. Theo ông Sánchez, việc công nhận này là cần thiết để hỗ trợ khả năng tồn tại của giải pháp hai nhà nước mà ông cho là "đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng" do cuộc chiến ở Gaza. "Tôi đã dành hàng tuần, hàng tháng để nói chuyện với các nhà lãnh đạo trong và ngoài khu vực. Có một điều rõ ràng là Thủ tướng Benjamin Netanyahu không có một kế hoạch hòa bình cho Palestine", nhà lãnh đạo Tây Ban Nha nói.

Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Tây Ban Nha José Albares cho biết ông đã thông báo cho người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về ý định của chính phủ Tây Ban Nha trong việc công nhận một Nhà nước Palestine.

Những diễn biến này đã nhanh chóng thu hút sự phản đối từ Israel. Ngoại trưởng Israel Katz đã ra lệnh cho các Đại sứ nước này từ Ireland và Na Uy tức tốc trở về Israel, ngay khi hai nước này đưa ra tuyên bố công nhận một Nhà nước Palestine. Theo Ngoại trưởng Israel, những động thái từ các nước nói trên có thể cản trở nỗ lực trao trả các con tin của Israel đang bị giam giữ ở Gaza và khiến việc ngừng bắn ít có khả năng xảy ra hơn, vì đây không khác gì hành động "thưởng cho các chiến binh thánh chiến của Hamas và Iran". Ông cũng đe dọa sẽ triệu hồi Đại sứ Israel tại Tây Ban Nha nếu nước này có quan điểm tương tự.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hoan nghênh việc Na Uy công nhận Nhà nước Palestine và kêu gọi các nước khác có động thái tương tự. Trong một tuyên bố được hãng thông tấn chính thức Wafa đăng tải, ông Abbas cho biết quyết định của Na Uy sẽ bảo vệ "quyền tự quyết của người dân Palestine" và ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được giải pháp hai nhà nước với Israel.

Duy Tiến
.
.
.