Điều gì đang xảy ra tại Bangladesh?

Thứ Hai, 05/08/2024, 18:31

Chiếc trực thăng vội vã đưa Thủ tướng Sheikh Hasina rời Bangladesh ngay sau khi có thông tin bà từ chức, để lại đất nước đầy rối ren với làn sóng biểu tình lan rộng khiến hàng trăm người thiệt mạng. Một chính phủ lâm thời được thành lập liệu có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này?

Bạo lực kinh hoàng

Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh, Tướng Waker-Us-Zaman cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng Thủ tướng nước này Sheikh Hasina đã rời khỏi đất nước và một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập. Trong khi đó, truyền thông đưa tin bà Hasina đã lên trực thăng quân sự rời đất nước cùng với chị gái và đang đến Ấn Độ hôm 5/8.

Động thái từ chức của người đứng đầu chính phủ Bangladesh diễn ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình ngày càng leo thang dẫn tới đụng độ và bạo lực trong những ngày gần đây. Trong đó, cuộc đụng độ xảy ra hôm 4/8 giữa hàng chục nghìn người người biểu tình và những người ủng hộ chính phủ, đã khiến ít nhất 91 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Đây là con số thương vong cao nhất trong một ngày đối với bất kỳ cuộc biểu tình nào gần đây tại Bangladesh, biến đây trở thành ngày đẫm máu trong lịch sử quốc gia này.

Điều gì đang xảy ra tại Bangladesh? -0
Người biểu tình đập phá tại nơi công cộng ở Bangladesh. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các phe đối địch mang theo gậy gộc, dao đã đụng độ với lực lượng an ninh. Cảnh sát Bangladesh cho biết những người biểu tình đã tấn công các sĩ quan, bao gồm cả việc xông vào một đồn cảnh sát tại thị trấn Enayetpur ở vùng Đông Bắc nước này.

Chính phủ Bangladesh đã ban bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên phạm vi toàn quốc, bắt đầu từ 18h ngày 4/8 (giờ địa phương). Tình trạng bất ổn cũng đã khiến chính phủ phải tạm dừng các dịch vụ truy cập mạng Internet. 

"Những kẻ khủng bố đã tấn công đồn cảnh sát và giết chết 11 cảnh sát", ông Bijoy Basak, Phó Tổng thanh tra Bangladesh, cho biết. Truyền thông mô tả, tiếng súng nổ liên tục sau khi trời tối vào ngày 4/8, người biểu tình xuống đường bất chấp lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Đáng chú ý, các nhóm biểu tình tiếp tục lên kế hoạch xuống đường phản đối chính phủ trong ngày 5/8.

Nguồn cơn mâu thuẫn

Hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng Bangladesh đồng thời là người đứng đầu Liên đoàn Awami (AL) Sheikh Hasina đã tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 sau khi đảng của bà giành được hơn 50% ghế trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7/1.

Theo thống kê, chỉ khoảng 120 triệu người Bangladesh đã đi bỏ phiếu trong bối cảnh đảng Dân tộc chủ nghĩa Bangladesh (BNP) đối lập chính tẩy chay cuộc tổng tuyển cử này. Như vậy, chỉ 40% cử tri đủ điều kiện đã thực hiện quyền bầu cử của mình trong bối cảnh bạo lực lẻ tẻ xảy ra trên khắp cả nước.

Điều gì đang xảy ra tại Bangladesh? -0
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina được cho là đã từ chức. Ảnh: Sky News

Kể từ tháng 7, quốc gia này bắt đầu đối diện với xu hướng biểu tình lan rộng xoay quanh vấn đề hạn ngạch làm việc nhà nước, trong đó bao gồm việc dành 30% vị trí việc làm trong khu vực công cho các thành viên thuộc gia đình các cựu chiến binh. Chính sách này đã làm dấy lên sự tức giận trong giới sinh viên, những người phải đối mặt với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao.

Trên thực tế, kể từ khi nắm quyền vào năm 2009, Liên đoàn Awami của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã không thực hiện đầy đủ các cam kết về việc làm. Mặc dù khu vực công đã mở rộng và lương bổng có tăng lên, nhưng việc tiếp cận các công việc này trở thành vấn đề chính trị nghiêm trọng.

Hệ thống hạn ngạch việc làm, được áp dụng từ năm 1972 và trải qua nhiều thay đổi, gây ra sự bất mãn lớn trong xã hội. Đặc biệt, việc khôi phục hệ thống này vào tháng 6 năm nay đã làm bùng phát các cuộc biểu tình trên toàn quốc, với các sinh viên yêu cầu cải cách và loại bỏ hạn ngạch dành cho con cháu của những người từng tham gia đấu tranh giành độc lập.

Dữ liệu cho thấy tình trạng thất nghiệp ở thanh niên và phụ nữ Bangladesh đang gia tăng. Hơn một phần ba số sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp trong vòng một hoặc hai năm sau khi ra trường, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ thành thị cao. Gần 32 triệu thanh niên Bangladesh không có việc làm hoặc không được đi học trong tổng dân số 170 triệu người.

"Cái cớ" cho bạo lực leo thang

Vào ngày 21/7, Tòa án Tối cao Bangladesh đã lật ngược phán quyết trước đó về hệ thống hạn ngạch, theo đó cho phép các sinh viên có thành tích học tập tốt sau khi tốt nghiệp có thể nộp hồ sơ ứng tuyển vào 93% việc làm nhà nước mà không bị giới hạn bởi chế độ hạn ngạch. Điều này đã phần nào giảm bớt sự bất ổn ngay lập tức, nhưng không lâu dài.

Điều gì đang xảy ra tại Bangladesh? -0
Biểu tình tại Bangladesh dần trở thành bạo lực đẫm máu. Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình đã dừng lại sau khi Tòa án Tối cao Bangladesh ra phán quyết. Tuy nhiên, hoạt động trấn áp bạo lực và thiếu vắng một sự ủy nhiệm thực sự từ công chúng đã khiến tình hình chính trị trở nên căng thẳng hơn. Sinh viên tiếp tục trở lại đường phố trong các cuộc biểu tình lẻ tẻ vào tuần trước. 

Theo Reuters, những người biểu tình đổ lỗi cho chính phủ của bà Hasina về tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình vào tháng 7. Nhóm biểu tình đã cáo buộc chính phủ của bà sử dụng vũ lực quá mức đối với những người biểu tình, với con số thống kê rằng ít nhất 300 người đã thiệt mạng sau một tháng biểu tình.

Chính phủ của bà Hasina phủ nhận cáo buộc này và cho rằng "những kẻ thực hiện bạo lực không phải là sinh viên mà là những kẻ khủng bố đang tìm cách gây bất ổn cho quốc gia". Điều này đã dấy lên làn sóng phản đối ngày càng mạnh mẽ hơn trong sinh viên. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng nguồn cơn sâu xa của tình trạng bất ổn hiện nay ở Bangladesh là do sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân, khiến các công việc trong khu vực công, cùng với việc tăng lương thường xuyên và các đặc quyền đi kèm, trở nên rất hấp dẫn. 

Theo nhận định mới đây của ông M. Niaz Asadullah, Trưởng nhóm Đông Nam Á của Tổ chức Lao động Toàn cầu, Giáo sư thỉnh giảng về kinh tế tại Đại học Reading và là nghiên cứu viên tại Đại học North South ở Bangladesh,phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao nước này đã phần nào làm giảm căng thẳng, nhưng các vấn đề cơ bản như tham nhũng vẫn chưa được giải quyết.

Giáo sư Asadullah dự báo, trong khi tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng tiếp tục gia tăng, tương lai chính trị của Bangladesh có thể chứng kiến sự mở rộng của phong trào chống chính phủ, với tác động tiềm tàng đến khu vực và nền dân chủ của quốc gia này.

Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Volker Turk đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gần đây ở Bangladesh, đồng thời kêu gọi đối thoại giữa chính phủ và những người biểu tình. Trong một tuyên bố hôm 4/8, ông Turk kêu gọi hạn chế phát tán thông tin sai lệch và kích động bạo lực, đồng thời tạo điều kiện cho cuộc đối thoại có ý nghĩa.

Bảo Hân
.
.
.