Đâu là “bến đỗ” mới cho khí đốt của Nga?

Thứ Tư, 14/06/2023, 07:16

Trước cuộc xung đột tại Ukraine, Nga là nguồn cung năng lượng lớn nhất của châu Âu, cung cấp khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt của châu lục này. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đã giảm sút trầm trọng và Moscow cần tìm một thị trường khác cho xuất khẩu nguồn khí đốt khổng lồ của mình.

Trong một phát biểu gần đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov cho biết các quốc gia phương Tây vẫn không ngừng mua năng lượng của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Moscow. Theo đó, các nước phương Tây đều tìm phương thức “lách luật” để nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể về tuyến đường thay thế được sử dụng để cung cấp năng lượng của Nga cho các khách hàng phương Tây.

Hồi tháng 3, hãng tin Bloomberg cho biết một số quốc gia EU đã tích cực mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, với Tây Ban Nha đứng đầu danh sách vào đầu năm nay. Theo thống kê, khối lượng nhập khẩu sản phẩm này của Tây Ban Nha từ Nga đã tăng 84% kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Tây Ban Nha cũng là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga từ đầu năm đến nay, tiếp theo là Bỉ và Bulgaria.

Mặc dù các đường ống dẫn khí đốt của Nga không bị hạn chế, nhưng xuất khẩu khí đốt của Moscow sang EU đã giảm mạnh sau vụ phá hoại nhằm vào các đường dẫn dầu dưới biển Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) 1 và 2 hồi tháng 9/2022 khiến chúng không thể hoạt động. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là châu Á và Mỹ Latinh.

Theo nhận định của ông Sergei Vakulenko, nhà phân tích năng lượng độc lập người Đức với tờ Thời báo Moscow (themoscowtimes.com), sự thay thế quan trọng cho thị trường châu Âu với Điện Kremlin là Trung Quốc. Các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Bán đảo Yamal đến thị trường Trung Quốc đã được tiến hành trong hai thập kỷ, nhưng hiện nay khi Nga đang có xung đột với Ukraine, những cuộc đàm phán được tăng tốc và thậm chí đạt đến đỉnh điểm để đi đến ký kết một thỏa thuận.

Chính Nga cũng đã thực hiện bước đi đầu tiên trong việc cắt giảm khí đốt cho châu Âu: sau khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, nước này bắt đầu giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt cho EU với một số lý do kỹ thuật và thương mại. Ngược lại, EU cũng đã chuẩn bị để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga: vào mùa Hè năm 2021, Brussels đã công bố kế hoạch “Fit for 55”, dự kiến giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và theo đó, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có khí đốt của Nga.

khidot.jpg -0
Nga đã phê chuẩn một thỏa thuận liên chính phủ với Trung Quốc về hợp tác cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Do đó, ngay cả trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Nga đã xác định phải tìm các thị trường mới cho khí đốt của họ và Trung Quốc là ứng cử viên nổi bật. Một bản ghi nhớ về việc xây dựng một đường ống dẫn khí từ Yamal đến Trung Quốc đã được ký lại và trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3 năm nay, hai bên đã đạt thỏa thuận về đường ống dẫn khí Power of Siberia 2, nối Siberia với tây bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi Power of Siberia 2 được thực hiện thành công, nó khó có thể bù đắp hoàn toàn cho sự mất mát của thị trường châu Âu đối với Nga.

Năm 2019, Nga đã bán 165 tỷ mét khối (bcm) khí đốt qua đường ống cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, công suất tiềm năng của Power of Siberia 2 nhỏ hơn nhiều, chỉ 50 bcm. Về mặt lợi nhuận, nhà phân tích Vakulenko lưu ý dự án cũng sẽ thua xa so với thương mại khí đốt trước đây với châu Âu. Trong giai đoạn 2015 - 2019, Đức - thị trường trọng điểm của Moscow - đã trả trung bình 220 USD cho mỗi 1.000 mét khối khí đốt nhập khẩu của mình. Nhưng với các tính toán tương tự với Trung Quốc cho đường ống Power of Siberia 2, doanh thu trung bình ước tính khoảng 170 USD/1.000 mét khối.

Liên quan đến vụ phá hoại các đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt của Nga qua biển Baltic, các nhà điều tra Đức đang xem xét bằng chứng cho thấy nhóm nghi phạm đã sử dụng Ba Lan làm căn cứ điều hành để cho nổ tung các đường ống nêu trên. Cụ thể, cuộc điều tra của Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức đang xem xét lý do tại sao chiếc du thuyền mà họ tin rằng được sử dụng để thực hiện chiến dịch phá hoại đường ống Nord Stream lại đi vào vùng biển Ba Lan. Các phát hiện khác cho thấy Ba Lan đã là một trung tâm hậu cần và hỗ trợ cho cuộc tấn công phá hoại dưới biển vào tháng 9 năm ngoái, cắt đứt mối ràng buộc mạnh mẽ nhất giữa Berlin với Moscow.

Các nhà điều tra Đức đã dựng lại đầy đủ toàn bộ hành trình kéo dài hai tuần của Andromeda - chiếc du thuyền màu trắng dài 15m bị nghi ngờ có liên quan đến một trong những hành động phá hoại lớn nhất tại Âu châu kể từ Thế chiến II và xác định chính xác rằng nó đã đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu để mạo hiểm đi vào vùng biển Ba Lan. Những phát hiện chưa được báo cáo trước đây đã được ghép nối với dữ liệu từ thiết bị định vị và vô tuyến của du thuyền Andromeda, cũng như vệ tinh, điện thoại di động, tài khoản Gmail mà thủ phạm sử dụng, và các mẫu DNA để lại trên tàu.

Tổng hợp lại, các chi tiết cho thấy chiếc du thuyền đã đi vòng quanh từng địa điểm mà sau đó xảy ra vụ nổ - một bằng chứng củng cố niềm tin của các nhà điều tra rằng tàu Andromeda là công cụ được sử dụng để phá hủy đường ống vào năm ngoái. Các nhà điều tra đã kết luận rằng, một chất nổ được sử dụng trong chiến dịch này là HMX, còn được gọi là octogen, một chất không màu rất phù hợp để phá hủy cơ sở hạ tầng dưới nước.

Nhóm điều tra Đức cho biết họ cũng đang tìm hiểu lý do tại sao chiếc du thuyền được thuê với sự giúp đỡ của một công ty du lịch có trụ sở tại Warsaw, dường như là một phần của mạng lưới các công ty bình phong do Ukraine sở hữu có liên hệ tình nghi với tình báo Ukraine, theo những người quen thuộc với cuộc điều tra. Và trong khi những phát hiện gần đây dường như đã củng cố quan điểm của các nhà điều tra rằng người Ukraine đã dàn dựng âm mưu, họ cũng đang xem xét liệu lãnh thổ Ba Lan có thể đã được sử dụng phục vụ cho vụ tấn công hay không. Cuộc điều tra của Berlin cũng phát hiện ra rằng một chiếc xe tải màu trắng - được camera an ninh và nhân chứng nhìn thấy ở cảng Đức - mang biển số Ba Lan và được sử dụng để tiếp tế cho thủy thủ đoàn.

Sau khi thông tin về con thuyền bị phanh phui, nhà chức trách Ba Lan đã yêu cầu phía Đức cung cấp thêm thông tin. Vào giữa tháng 5 - năm tháng sau khi Berlin xác định được Andromeda - hai bên đã có một cuộc họp làm việc chung. Các quan chức Ba Lan đã thừa nhận rằng, đường bờ biển Baltic dài của đất nước, cùng biên giới dài hơn 500km với Ukraine, mang lại những lợi thế rõ ràng cho các cá nhân dàn dựng một chiến dịch như vậy. Nhưng các quan chức này cho biết chính phủ không đóng vai trò gì trong cuộc tấn công đường ống Nord Stream.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.