Cuộc bầu cử định hình tương lai nước Đức

Thứ Hai, 27/09/2021, 07:47

Sáng 26/9 (giờ địa phương), các điểm bỏ phiếu tại 299 khu vực bầu cử trên toàn nước Đức đã đồng loạt mở cửa đón cử tri đi bầu Quốc hội liên bang khóa 20 nhiệm kỳ 2021-2025. Bên cạnh việc chọn ra liên minh cầm quyền mới, cuộc tổng tuyển cử này còn tìm ra gương mặt kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel - người lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu của châu Âu trong 16 năm liên tục.

Gay cấn cuộc đua "tam mã"

Theo kết quả các cuộc thăm dò trong vài ngày qua, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của ứng cử viên thủ tướng Olaf Scholz hiện đang đứng ở vị trí đầu tiên. Với khẩu hiệu "Sứ mệnh tương lai cho đất nước của chúng ta", trọng tâm chiến dịch tranh cử của SPD được đánh giá là đặt ra những mục tiêu cụ thể trong hàng loạt lĩnh vực, từ chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế, tăng cường đầu tư công, tăng thu nhập tối thiểu đến tập trung đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn nước Đức... Không những thế, ứng cử viên của SPD còn đưa ra cam kết đạt tiến bộ lớn trong vấn đề môi trường như thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải carbon muộn nhất vào năm 2045.

baucuduc.jpg -0
Ba ứng cử viên thủ tướng hàng đầu của Đức gồm ông Olaf Scholz, bà Annalena Baerbock và ông Armin Laschet. Ảnh: DW.

Mặc dù tỷ lệ ủng hộ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của ứng cử viên thủ tướng Armin Laschet đã tăng lên so với các cuộc thăm dò sau hai cuộc tranh luận đầu tiên, song với 21-22%, liên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Merkel chỉ đứng ở vị trí thứ hai. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong các cuộc thăm dò đối với liên minh hai đảng này trong suốt hơn 50 năm cầm quyền kể từ năm 1949. Dù thời gian qua, CDU/CSU đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện vị trí, song ông Laschet, ứng cử viên đại diện cho liên minh này, cũng buộc phải thừa nhận đây là chiến dịch tranh cử khó khăn nhất của CDU/CSU kể từ năm 1998.

Hiện CDU/CSU đang nỗ lực thu hút sự chú ý của cử tri thông qua chương trình "Cùng nhau vì một nước Đức hiện đại". Liên minh hai đảng bảo thủ muốn tạo lập một thập niên hiện đại hóa và đưa Đức trở thành nước công nghiệp trung hòa về khí thải, nơi mà những vấn đề về bảo vệ môi trường, người lao động và việc làm trong tương lai đều được bảo đảm. Nếu tiếp tục giành thắng lợi, vấn đề người nhập cư cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài những nội dung trên, CDU/CSU cam kết không tăng thuế, tăng giới hạn mức lương cho công việc làm thêm từ 450 euro lên 550-600 euro...

Đảng Xanh của ứng cử viên thủ tướng Annalena Baerbock đứng ở vị trí thứ ba trong hầu hết các cuộc thăm dò, với 17-18% số phiếu ủng hộ. Với cương lĩnh tranh cử có tên gọi "Nhiệm vụ thế kỷ", đảng Xanh đặc biệt ưu tiên các vấn đề liên quan tới môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Theo ứng cử viên Annalena Baerbock, nếu được đề nghị tham gia liên minh cầm quyền nhiệm kỳ mới, đảng Xanh sẽ thành lập một "siêu bộ" mới phụ trách vấn đề bảo vệ khí hậu. Nhanh chóng mở rộng chương trình năng lượng gió, Mặt Trời và loại bỏ than đá vào năm 2030... cũng sẽ là những cam kết trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền. Các đảng nhỏ khác gồm Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Cánh tả lần lượt giành được 11% và 6% tỷ lệ ủng hộ. Các kết quả thăm dò này hầu như được giữ nguyên trong một tuần qua. Mặc dù chiến dịch vận động tranh cử về cơ bản đã khép lại sau 3 cuộc tranh luận trực tiếp, nhưng đại diện của các đảng vẫn đang tận dụng những giây phút cuối cùng để giành thêm sự ủng hộ của cử tri.

Cuộc bầu cử Quốc hội liên bang lần này là lần đầu tiên thủ tướng đương nhiệm không tham gia tái tranh cử sau 16 năm liên tiếp nắm giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ Đức. Sau khi có kết quả bầu cử, đảng giành được nhiều phiếu nhất có quyền đứng ra thành lập chính phủ với việc tìm kiếm liên minh cầm quyền với các đảng khác để giành quá bán ở Quốc hội. Giới phân tích cho rằng, với cục diện khó đoán như hiện nay, gần 40% cử tri chưa quyết định ủng hộ đảng nào có thể gây bất ngờ ở phút chót. Vì vậy rất khó để có thể dự đoán liên minh cầm quyền nào sẽ được thành lập sau bầu cử.

Do vậy, không loại trừ khả năng các cuộc mặc cả có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, giống như cuộc tổng tuyển cử năm 2017 khi các đảng phải cần tới 171 ngày mới có thể thành lập được liên minh cầm quyền. Dù tiến trình thành lập chính phủ có kéo dài, bà Angela Merkel cùng Nội các Đức sẽ vẫn tại nhiệm cho tới khi một thủ tướng mới được bầu.

Cái bóng khó vượt qua

Dù bất cứ đảng phái nào lên nắm quyền thì trọng trách mà họ phải gánh vác không hề nhỏ, trong đó có việc điều hành một đất nước ngày càng đa dạng về sắc tộc, giảm bớt mối lo ngại của người dân về sức khỏe tài chính và kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 và đáp ứng mong muốn thay đổi của người dân. Khác với giai đoạn mà bà Angela Merkel cầm quyền, Đức hiện nay đứng trước nhu cầu cải cách lớn hơn bao giờ hết, cả ở trong nước và trên trường quốc tế.

Ông Ralf Stegner - chính trị gia thuộc SPD cho rằng, các cử tri Đức muốn có một thủ tướng mới có thể lấp đầy chỗ đứng của bà Angela Merkel. Các cử tri Đức đánh giá ứng cử viên của họ ở cách đối phó với những thách thức quốc tế và cách họ đứng trên sân khấu cùng với các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ hay Trung Quốc. Ông Ralf Stegner lưu ý, những yếu tố này có thể mang lại lợi thế cho ứng cử viên Olaf Scholz của SDP - người từng giữ các vị trí cấp cao như Bộ trưởng Tài chính và Phó Thủ tướng Đức. Trong khi đó, theo Giám đốc khu vực châu Âu của Tập đoàn Eurasia, ông Naz Masraff, cơ hội giành được chức thủ tướng của ứng cử viên Olaf Scholz là 60%, còn ứng cử viên Armin Laschet là 40%.

Trong 16 năm lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel đã gây dựng được tầm ảnh hưởng lớn vì không chỉ dẫn dắt nước Đức mà còn cả Liên minh châu Âu (EU) vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn. Đức hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới và là hình mẫu trong việc cung cấp mạng lưới an ninh xã hội, chào đón người tị nạn và theo đuổi tham vọng chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel, nước Đức cũng đã kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt hơn so với nhiều nước châu Âu khác. Bà cũng trở thành người đại diện thực tế cho châu Âu trên trường quốc tế và là nhà trung gian đầy quyền lực của EU thông qua vô số các cuộc đàm phán khó khăn.

Cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này thu hút sự quan tâm của toàn thế giới vì đây là thời điểm quan trọng khi Berlin và phần còn lại của châu Âu bước vào thời kỳ hậu Angela Merkel. Cuộc bầu cử cũng sẽ có ảnh hưởng lớn vì Đức là một lực lượng mạnh mẽ trong nền chính trị châu Âu, có xu hướng định hình các chính sách của EU.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.