COVID-19 "tấn công" cảng biển Trung Quốc, đe dọa chuỗi cung ứng
Dãy tàu container xếp hàng bên ngoài các cảng lớn Trung Quốc đang kéo dài thêm mỗi ngày, trong khi dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát ở các đầu tàu kinh tế trong nước. Không chỉ kinh tế Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có thể bị tác động nếu tình trạng này kéo dài thêm.
Trung Quốc đang trải qua làn sóng COVID-19 mới nhất với số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng đột biến theo cấp số nhân, kể từ sau khi ổ dịch Vũ Hán được xử lý hồi đầu năm 2020.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron trong những tuần qua đã buộc chính phủ Trung Quốc phải đưa ra các lệnh phong tỏa và lệnh cấm chặt chẽ tại các trung tâm sản xuất như Thâm Quyết hay Đông Quan, làm tê liệt hoạt động của các nhà máy sản xuất hàng hóa từ thiết bị điện tử đến phụ tùng xe hơi.
Reuters trích dẫn lời các chủ tàu container, nhà phân tích và nhà quản lý chuỗi cung ứng đánh giá, trong khi các cảng chính của Trung Quốc vẫn mở cửa và các tàu tiếp tục cập cảng, tình trạng tắc nghẽn đang gia tăng và một số tàu container đang định tuyến lại để tránh sự chậm trễ dự kiến.
Khủng hoảng chuỗi cung ứng
Jasmine Wall, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương công ty SEKO Logistics, cho biết lượng hàng container đang “giảm ồ ạt” tại cảng Yantian của Thâm Quyến, cảng container lớn thứ tư thế giới, do công nhân cảng, tài xế xe tải và công nhân nhà máy không được ra khỏi nhà.
“Điều này cho thấy việc vận chuyển hàng hóa đến và đi từ các cảng sẽ trở nên khó khăn. Lâu dài, điều đó sẽ làm gián đoạn đến chuỗi cung ứng, từ đó kéo dài cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện tại”, Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Vespucci Maritime - đơn vị cố vấn vận tải container, nhận định.
Theo dữ liệu của Refinitiv, hiện có 34 tàu ngoài khơi Thâm Quyến đang chờ cập cảng, gấp 5 lần so với mức trung bình 7 chiếc cách đây một năm. Trong khi đó, giá thuê tàu cho mỗi container 40 feet vẫn ở gần mức cao nhất mọi thời đại trên các tuyến vận tải toàn cầu chính.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, khoảng 72 tàu đã được phát hiện ngoài khơi cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 14/3, gần gấp đôi số lượng vào cuối tháng 2/2022.
Mặc dù các chuyên gia chuỗi cung ứng nói rằng các cảng của Trung Quốc hiện có khả năng chống chọi tốt với tình trạng thiếu nhân viên và gián đoạn vận tải, nhưng vẫn còn lo ngại rằng cảng Yantian có thể phải đóng cửa nếu tình trạng dịch bệnh lan rộng, kéo theo các hạn chế ngày một khắt khe hơn.
Nỗi lo về giá
Jasmine Wall, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại SEKO Logistics, cho biết ngay cả khi các bến cảng vận chuyển hàng hóa vẫn mở cửa, việc thiếu tài xế xe tải và nhà điều hành kho bãi sẽ đồng nghĩa với việc chậm trễ trong đóng hàng và vận chuyển container.
Bên cạnh Thâm Quyến các trung tâm xuất khẩu lân cận khác cũng đang gặp phải tình trạng tắc nghẽn, bao gồm Hong Kong và Thượng Hải, khiến các tàu có thể phải đợi cho đến khi tắc nghẽn giảm bớt để tải hàng hóa, dẫn đến sự gián đoạn trên diện rộng hơn và có tác động đến lạm phát toàn cầu vốn đã gia tăng.
Cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc đối với chính sách "Zero COVID" đã dẫn đến việc đóng cửa một phần cảng trong năm qua, làm thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự gia tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, căng thẳng Nga và Ukraine đang khiến giá dầu và khí đốt tăng cao, làm tăng thêm rủi ro lạm phát.
"Xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc sẽ làm trầm trọng thêm sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và giảm lượng hàng tồn kho do các doanh nghiệp nắm giữ, điều này có thể khiến giá tăng thêm", Niels Rasmussen, Giám đốc Phân tích Vận chuyển tại BIMCO, một hiệp hội chủ tàu, cho biết.