Còn nhiều dư địa để phát triển mối quan hệ song phương Việt Nam – Australia

Thứ Hai, 27/02/2023, 08:50

Ngày 26/2 đánh dấu tròn 50 năm Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao (26/2/1973 - 26/2/2023). Có thể nói, chưa có thời điểm nào trong lịch sử mà mối quan hệ giữa hai nước lại bền chặt và phát triển tốt đẹp như hiện nay.

Mối quan hệ song phương được xây dựng dựa trên sự tin cậy mạnh mẽ lẫn nhau cũng như sự hợp tác thiết thực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Mặc dù những gì mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua là rất ấn tượng, song vẫn còn dư địa để phát triển hơn nữa.

Còn nhiều dư địa để phát triển mối quan hệ song phương Việt Nam – Australia -0
Trong suốt 50 năm qua, quan hệ Việt Nam - Australia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thiết thực trên mọi lĩnh vực, gặt hái được những thành công lớn.

Quan hệ Việt Nam - Australia đang ở thời điểm phát triển tốt đẹp nhất cả về tầm chiến lược và mức độ sâu rộng của mối quan hệ. Kinh tế và thương mại được xem là lĩnh vực ưu tiên trong phát triển quan hệ giữa hai nước. Sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, hợp tác thương mại và đầu tư song phương đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam và Australia cùng tham gia rất nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiệp định này đang bổ trợ mạnh mẽ cho quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Ngoài ra, Việt Nam và Australia là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do, điển hình là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai nước đặt mục tiêu sớm trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và mục tiêu này đã trở thành hiện thực năm 2022 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hai năm trước đó. Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia và ngược lại, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam.

Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục và đào tạo, Australia là một trong những thị trường giáo dục nước ngoài thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng trở thành điểm đến ngày càng phổ biến của sinh viên Australia tham gia các khóa học ngắn hạn và trao đổi sinh viên theo chương trình "Kế hoạch Colombo Mới". Hợp tác trong lĩnh vực chính trị, an ninh và quốc phòng thể hiện mức độ tin cậy ngày càng cao giữa hai nước theo khuôn khổ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược, trong đó nổi bật là việc Việt Nam và Australia thường xuyên thực hiện trao đổi đoàn cấp cao. Điểm đáng lưu ý là hai nước tuyên bố không chỉ tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau mà còn tôn trọng "hệ thống chính trị của nhau.

Việt Nam và Australia cũng thiết lập cơ chế họp thường niên cấp bộ trưởng ngoại giao để tăng cường hợp tác chính trị trong các vấn đề đối ngoại và khu vực. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu quốc phòng giữa Việt Nam và Australia diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm thăm hữu nghị của các tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia đến TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Hai bên cũng tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin và hợp tác an ninh. Đây là những hoạt động chỉ diễn ra giữa các đối tác chiến lược có sự tin cậy chính trị cao.

Về tiềm năng hợp tác, Việt Nam và Australia đã cam kết sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau để góp phần định hình tương lai của khu vực và thế giới thông qua các cơ chế đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Hai nước có quan điểm tương đồng và nhất trí về sự cần thiết phải đảm bảo tự do và an ninh hàng hải, hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế tại Biển Đông, trong đó có Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hai bên cũng nhất trí rằng mọi tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực.

Hợp tác cùng chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế xanh và năng lượng sạch là những lĩnh vực được nêu trong Tuyên bố chung giữa hai nước về Cam kết hành động thiết thực về khí hậu bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26) năm 2021 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Scott Morrison, thể hiện cách tiếp cận tập trung vào kết quả của hai nước đối với COP26 và sự chú trọng của Việt Nam và Australia đối với những nỗ lực thiết thực nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu. Cả hai nước đều cam kết đưa lượng phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Australia đang chuyển dần sang xuất khẩu năng lượng tái tạo bao gồm cả khí xanh và đặt mục tiêu trở thành cường quốc về năng lượng xanh. Australia có thể cung cấp và hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu giảm khí thải, phát triển kinh tế xanh, kinh tế sạch để góp phần vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, mà trước hết là chống biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Việt Nam và Australia hiện duy trì mối quan hệ chiến lược và sắp tới có thể nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, vì vậy, hai nước có thể đặt trọng tâm hợp tác chiến lược vào các lĩnh vực chủ chốt như đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ số; quốc phòng và an ninh; hợp tác văn hóa, đẩy mạnh giao lưu nhân dân.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.