"Con bài chiến lược" trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung

Thứ Sáu, 07/07/2023, 10:05

Ngay khi Trung Quốc công bố áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất chip toàn cầu, Mỹ đã lập tức phản đối và tìm kiếm tham vấn từ đồng minh để giải quyết vấn đề này. Những con bài mới có thể sẽ được tung ra trong loạt động thái "ăn miếng trả miếng" giữa hai cường quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/7 cho biết nước này đã thông báo trước với Mỹ và châu Âu thông qua các kênh đối thoại về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến gali và germani. Tuyên bố này liên quan đến việc Bộ Thương mại (MOFCOM) và Tổng cục Hải quan (GAC) Trung Quốc hôm 4/7 thông báo, biện pháp kiểm soát xuất khẩu gali và germani sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia.

Biện pháp kiểm soát xuất khẩu gali và germani của Trung Quốc vấp phải sự phản đối của Mỹ. Ảnh: Nikkei    

Cụ thể, việc xuất khẩu gali và germani sẽ bắt buộc phải có giấy phép đi kèm, trong đó mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu phải được khai báo rõ ràng. Gali và germani là hai kim loại rất cần thiết cho chất bán dẫn, là thành phần thiết yếu trong nhiều vật dụng hàng ngày, chẳng hạn như điện thoại và ôtô thông minh, cũng như các thiết bị quân sự.

Số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng gali trên thế giới, được tìm thấy trong các mạch tích hợp, đèn LED và tấm quang điện, cũng như phần lớn sản lượng germani toàn cầu vốn cần thiết cho sợi quang và tia hồng ngoại. Theo Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đối với các mặt hàng liên quan đến gali và germanium không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào và việc thực hiện các hành động đó phù hợp với thông lệ được quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc đã vấp phải sự kiên quyết phản đối từ phía Mỹ, theo Reuters. "Quyết định của Trung Quốc cho thấy sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mỹ sẽ trao đổi với các đồng minh và đối tác để giải quyết vấn đề này và xây dựng khả năng phục hồi trong các chuỗi cung ứng quan trọng", Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố hôm 5/7.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về những hạn chế mà Trung Quốc sẽ áp đặt. Ủy ban châu Âu nhấn mạnh, gali và germali là hai trong số những nguyên liệu thô "chiến lược" cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh của Liên minh châu Âu và khôi này đang tìm cách tăng cường khai thác, tái chế và xử lý chúng trong lãnh thổ của mình. Châu Âu kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Khu vực này cũng cho biết, sẵn sàng xem xét "các hành động" nếu Trung Quốc không thay đổi. 

Reuters nhận định, biện pháp của Trung Quốc đánh dấu chương mới nhất của căng thẳng Mỹ-Trung đang leo thang trong những năm gần đây về các vấn đề như thuế quan thương mại, nguồn gốc của đại dịch COVID-19, an ninh mạng, cáo buộc gián điệp và cạnh tranh công nghệ. Cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo trong bài phỏng vấn với tờ China Daily dự báo, các quốc gia nên chuẩn bị nhiều hơn cho những gì có thể xảy ra nếu họ tiếp tục gây áp lực với Trung Quốc, mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc là "cú đấm nặng nề được cân nhắc kỹ lưỡng" và "chỉ là bước khởi đầu".

Còn các nhà nghiên cứu của công ty tư vấn Eurasia có trụ sở tại New York, Mỹ lại mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc là một "phát súng cảnh cáo" nhắm thẳng vào Mỹ và phương Tây. Dù Bắc Kinh không đề cập thẳng, nhưng giới chuyên gia xem đây là động thái đáp trả những hạn chế do Washington và một số đồng minh áp đặt lên hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc. Trước đó, tháng 10/2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố áp đặt một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu, theo đó buộc các công ty Trung Quốc phải xin phép trước khi mua chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Vì thế, giới phân tích cho rằng đây chính là biện pháp đối phó thứ hai và lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay trong cuộc chiến công nghệ kéo dài với Mỹ, sau khi nước này ra lệnh cấm sử dụng sản phẩm của Micron - một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 6/7 đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm bốn ngày dự kiến tập trung vào việc điều chỉnh lại mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vì thế, các chuyên gia của Jefferies nhận định việc Bắc Kinh thông báo hạn chế xuất khẩu hai vật liệu quan trọng ở thời điểm này "khó có thể là một quyết định ngẫu nhiên".

Theo nhà phân tích Jeff Pu thuộc Công ty chứng khoán Haitong Securities: "Việc kiểm soát xuất khẩu chủ yếu ảnh hưởng đến nguyên liệu thô của các chất bán dẫn điện này. Không rõ điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nhà phát triển chip. Nhưng một khi phía nguyên liệu thô có một số gián đoạn, điều đó chắc chắn sẽ đẩy giá của chuỗi cung ứng lên cao nếu có những hạn chế về nguồn cung". Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Bắc Kinh có thể leo thang căng thẳng với việc tiếp tục đưa ra các biện pháp trả đũa nữa hay không. Nếu như động thái với gallium và germani không thể khiến Mỹ lùi bước, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

An Nhiên
.
.
.