Chuyến thăm đặc biệt của Nhà lãnh đạo Triều Tiên tới nước Nga

Thứ Tư, 13/09/2023, 04:34

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov sử dụng cụm từ này để miêu tả chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Nga và gặp Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại Triều Tiên có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Moscow để sử dụng trong xung đột Ukraine. Bình Nhưỡng phủ nhận và cho biết, không có kế hoạch làm điều này.

Chiều 12/9, người phát ngôn Dmitry Peskov xác nhận đoàn tàu bọc thép chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đi vào lãnh thổ Nga. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, tháp tùng ông Kim Jong-un trong chuyến thăm Nga lần này có các quan chức chính phủ quân nhân, bao gồm cả các quân nhân.

putin_kim_jong-un.jpg -0
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Vladimir Putin tại Vladivostok (Nga) tháng 4/2019.

Phái đoàn được cho là bao gồm Ngoại trưởng Choe Sun-hui, các quan chức phụ trách công nghiệp quốc phòng và các vấn đề quân sự, trong đó có giám đốc bộ phận công nghiệp đạn dược Jo Chun-ryong. Bình luận về chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên, ông không nêu rõ các cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở đâu tại vùng Viễn Đông mà chỉ cho biết rằng, các cuộc đàm phán sẽ có mặt cả phái đoàn hai nước và diễn ra theo hình thức trực tiếp. Ngoài ra, sẽ có một bữa tiệc chính thức để tiếp đãi nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Thư ký báo chí Điện Kremlin đồng thời thông báo sẽ không có cuộc họp báo nào được lên kế hoạch sau cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo ông, Moscow sẵn sàng thảo luận với Bình Nhưỡng về tình hình các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, đồng thời lưu ý thêm rằng, Nga đang phối hợp hành động với tư cách là láng giềng và đối tác của Triều Tiên.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn đang thực hiện mối quan hệ với các nước láng giềng, bao gồm cả Triều Tiên. Lợi ích của hai nước là quan trọng đối với chúng tôi chứ không phải những cảnh báo từ Mỹ. Trước hết, các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, hợp tác song phương, quan hệ kinh tế thương mại và trao đổi văn hóa sẽ được thảo luận”. Người phát ngôn Điện Kremlin thông báo thêm rằng cũng sẽ có “sự trao đổi quan điểm phong phú về tình hình trong khu vực, cũng như về các vấn đề quốc tế nói chung”.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết, Moscow sẵn sàng thông báo cho Hàn Quốc về kết quả chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nếu Seoul đưa ra đề nghị như vậy. Ông khẳng định: “Chúng tôi có Đại sứ quán Hàn Quốc ở Moscow, nếu họ muốn, chúng tôi có thể cung cấp thông tin sẵn có”.

Ông cũng lưu ý rằng, các liên hệ với Hàn Quốc vẫn được duy trì: “Mặc dù thực tế là Hàn Quốc đã tham gia các lệnh trừng phạt nhưng đây là đối tác thương mại của chúng tôi. Nga và Hàn Quốc có lợi ích chung trong việc ổn định tình hình ở Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên. Các liên hệ sẽ tiếp tục”.

Liên quan đến chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên, theo Thứ trưởng Andrei Rudenko, không loại trừ khả năng người đứng đầu Điện Kremlin và ông Kim Jong-un sẽ thảo luận về chủ đề nối lại dự án Hasan-Rajin: “Chủ đề này có thể cũng sẽ được thảo luận khi cuộc gặp diễn ra”.

Dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm tới chuyến thăm Nga lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Thông tin từ khi ông lên tàu hỏa rời Triều Tiên, đi qua những địa điểm nào, tới Nga khi nào… đều được nhiều tờ báo lớn liên tục cập nhật.

Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong-un tới Nga kể từ tháng 4/2019, khi ông đến Vladivostok gặp Tổng thống Vladimir Putin sau các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa bất thành với Mỹ. Sau cuộc hội đàm 4 năm trước, Tổng thống Nga mô tả nhà lãnh đạo Triều Tiên là “người đối thoại thú vị”, đồng thời thông báo nội dung thảo luận cho Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

So với năm 2019, lần này ông Kim Jong-un tới Nga với một vị thế khác trong bối cảnh Moscow đang tìm cách củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trên cả mặt trận ngoại giao và quân sự nhằm chống lại áp lực ngày càng tăng từ phương Tây liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo nhận định của giới chuyên gia, Nga và Triều Tiên đang mong muốn xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Triều Tiên đang dần mở cửa lại sau khoảng ba năm đóng biên chống COVID-19 và cũng muốn tìm kiếm những công nghệ mới nhằm phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa. Trong khi đó, Nga đang tìm cách tập hợp mọi nguồn cung cấp quân sự và hỗ trợ quốc tế có thể, khi chiến sự Ukraine kéo dài và tiêu hao đáng kể nguồn lực của nước này.

“Nhu cầu của phía Nga rất lớn. Nga cần thị trường mới cho năng lượng, cần vũ khí và cần những cách thức mới nhằm thoát khỏi áp lực ngày càng tăng từ lệnh trừng phạt của phương Tây”, ông Michael Kimmage, học giả tại Đại học Công giáo Mỹ, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét.

Về phía Triều Tiên, họ đang tìm kiếm hỗ trợ của Nga trong nhiều lĩnh vực, từ ngoại giao đến quân sự. Theo các chuyên gia, Bình Nhưỡng có thể yêu cầu Moscow viện trợ lương thực, y tế và kinh tế, thứ mà Triều Tiên đang rất cần sau quãng thời gian đóng cửa ngăn đại dịch, khiến những khó khăn về kinh tế và an ninh lương thực của đất nước trở nên trầm trọng.

Thứ hai, Triều Tiên có thể tận dụng việc xích lại gần hơn với Nga để một lần nữa nâng vị thế của nước này trong mắt Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết, dù Bắc Kinh vẫn ủng hộ Bình Nhưỡng, mối quan hệ giữa hai nước gần đây không được như kỳ vọng.

Hợp tác thương mại giữa hai nước giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch và chưa được khôi phục, dù Bình Nhưỡng đang đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế. Ông Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên với Nga có thể thúc đẩy Bắc Kinh mở rộng quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng nhằm tránh bị mất ảnh hưởng trước Moscow.

Nhà phân tích quân sự Rebekah Koffler từng làm việc tại Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định rằng, mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Triều Tiên sẽ “mang ngụ ý chiến lược đối với an ninh Mỹ”. Ông tin rằng, cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Triều Tiên sẽ gửi một thông điệp rõ ràng về thách thức đối với phương Tây.

Ông nhấn mạnh: “Hai đối thủ hàng đầu của chúng ta hợp lực, mở rộng hợp tác công nghiệp quân sự. Nga sở hữu một trong những kiến thức bao quát nhất thế giới về công nghệ vũ trụ và vũ khí hạt nhân. Việc Nga chia sẻ kiến thức này với Triều Tiên không phải là tin tốt với Mỹ. Thực tế rằng hai nước này còn có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc khiến vấn đề càng nghiêm trọng”.

Theo nhà phân tích này, hợp tác giữa Triều Tiên và Nga sẽ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia với việc Moscow cung cấp cho Bình Nhưỡng thực phẩm và vaccine COVID-19. Đổi lại, Triều Tiên có thể gửi vũ khí đạn dược cho Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể giúp đỡ nhiều cho quân đội Triều Tiên.

Hồi tháng trước, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby cho biết cơ quan này nhận được thông tin rằng trong những tháng tới có thể diễn ra nhiều đàm phán, thảo luận cấp cao với Nga sẽ nhận được vũ khí từ Triều Tiên. Tuy nhiên, phát ngôn viên NSC Adrienne Watson lại nhấn mạnh rằng, mặc trong quá khứ, Triều Tiên từng bày tỏ không sẵn sàng bán vũ khí cho Nga.

Ông John Everard, cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên, lại có quan điểm rằng nếu chỉ vì thỏa thuận vũ khí thì chưa đến mức cần phải tổ chức cuộc gặp ở cấp nguyên thủ quốc gia. Hơn nữa, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 7. Theo ông, nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh sẽ mang nhiều tín hiệu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.