Chiến sự Nga-Ukraine bước sang năm thứ ba: Chọn đối mặt hay tiếp tục đối đầu?
Hai năm từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, giao tranh dọc chiến tuyến hơn 1.000km chưa một ngày ngơi nghỉ. Tuy vậy, mọi nỗ lực hòa giải các bên chưa mang lại kết quả, khi Ukraine đặt trọn hi vọng vào sự hậu thuẫn của phương Tây, còn Nga quyết tâm phá thế bế tắc trên chiến trường và vượt sức ép trừng phạt.
Cục diện chiến trường đảo chiều
Vài tuần sau khi phương Tây bác bỏ đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh châu Âu, sáng 24/2/2022, Nga viện dẫn lý do bảo vệ hai vùng ly khai Donbass để phát động chiến dịch quân sự nhắm mục tiêu “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” Ukraine, khơi mào cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu từ Thế chiến II. Chỉ sau vài tuần giao tranh đầu tiên, Nga tiến công mạnh mẽ, liên tiếp giành kiểm soát nhiều khu vực ở phía Bắc và phía Nam Ukraine, bao gồm phần lớn tỉnh Kharkov, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Tuy nhiên, sức phản kháng cộng sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phương Tây về chính trị và quân sự đã giúp Ukraine nhanh chóng ổn định tình hình. Những tháng tiếp theo, Ukraine quyết liệt phản công. Kết thúc năm đầu chiến sự, họ giành lại phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Đông Bắc (Kharkov) và phía Nam (Kherson); còn Nga phải rút khỏi một loạt vị trí. Giới chuyên gia quân sự tin rằng, Ukraine dần chiếm ưu thế trên chiến trường.
Bước sang năm thứ hai, Ukraine được Mỹ và đồng minh chuyển giao lượng lớn vũ khí và thiết giáp, bao gồm những chiếc xe tăng hiện đại nhất thế giới như Leopard hay Challenger, khiến họ đặt kì vọng vào chiến dịch phản công vô cùng tham vọng nhằm cắt đứt tuyến hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea và lục địa Nga. Nhưng Nga đã chứng minh họ có một quân đội đáng gờm. Từ tháng 6 đến tháng 12/2023, Ukraine nhiều lần cố gắng chọc thủng phòng tuyến Nga và đều thất bại. Nga thống kê Ukraine đã mất khoảng 160.000 binh sĩ cùng 766 xe tăng và 2.348 xe bọc thép mà không giành được bất cứ vị trí chiến lược nào dọc chiến tuyến.
Ishaan Tharoor, bình luận viên của Washington Post, nhận định, những diễn biến trên chiến trường khiến niềm tin vào chiến thắng chóng vánh trước Nga nhanh chóng phai nhạt ở Ukraine và cả phương Tây. Đánh mất ưu thế trên chiến trường, Ukraine phải chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ, còn Nga duy trì gây sức ép. Quân đội Nga đã tiến công chậm rãi và giành được một số khu vực phía Đông Bắc Ukraine và thành phố Bakhmut chiến lược ở tỉnh Donetsk (tháng 5/2023), nhờ ưu thế pháo binh và không quân vượt trội.
Trong nửa năm tiếp theo, chiến trường ít thay đổi, nhưng đến ngày 19/2/2024, Nga đã giành kiểm soát thành phố Avdiivka, được mô tả là pháo đài kiên cố nhất của Kiev ở tỉnh Donetsk. Ukraine và một loạt chuyên gia phương Tây trấn an rằng, chiến dịch công phá Avdeevka không đủ để tạo ra bước ngoặt chiến lược. Tuy nhiên, theo New York Times, khoảng 850-1.000 binh sĩ Ukraine hoặc đã mất tích hoặc bị Nga bắt giữ chỉ trong chiến dịch ở Avdiivka, cho thấy mức độ thiệt hại khổng lồ mà Kiev hứng chịu. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, người từng giữ chức Giám đốc cơ quan tình báo trung ương CIA của Mỹ, nhận định, Nga đã phá được thế bế tắc và sẽ nhanh chóng tấn công trên toàn tiền tuyến sau chiến thắng ở Avdiivka.
Ít triển vọng sớm tái lập hòa bình
Trong khi Ukraine gửi trọn hi vọng vào sự hậu thuẫn của phương Tây và từ chối đàm phán với Nga; thì Moscow khẳng định họ chỉ tiến đến một thỏa thuận với Kiev khi các yêu cầu về an ninh và lãnh thổ được đáp ứng. Sự cương quyết trong thái độ và thế đối đầu gay gắt trên chiến trường khiến nỗ lực đưa các nhà đàm phán của Nga-Ukraine “mặt đối mặt” để thương lượng khó đạt được trong tương lai gần.
Với Nga, họ có cơ sở để tin vào sự ủng hộ của nhiều yếu tố. Ngay sau khi xung đột nổ ra, phương Tây áp đặt hàng trăm lệnh trừng phạt chống Moscow, mô tả chúng sẽ gây “những hậu quả khủng khiếp và nghiêm trọng” lên kinh tế Nga. Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi chiến sự nổ ra, điều duy nhất các nhà kinh tế học đều đồng ý, là kinh tế Nga không sụp đổ như dự báo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao gấp gần 3 lần mức 0,9% của Liên minh châu Âu (EU). Tương tự, thâm hụt ngân sách của Nga duy trì ở mức dưới 1% GDP, so với 5,1% ở Anh và 2,8% ở EU.
Bên cạnh đó, Nga chứng minh năng lực duy trì nguồn cung vũ khí mạnh mẽ. 24 tháng giao tranh, Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái gần như hàng ngày. Hôm 15/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, sản lượng xe tăng xuất xưởng của Nga tăng 5 lần, nhiều loại thiết giáp tăng 3,5 lần so với trước chiến sự. Theo Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, khi Ukraine bắn một quả pháo trên chiến trường, Nga đáp lại bằng 10 quả. Moscow được cho là có thể sản xuất đến 4 triệu quả đạn pháo một năm. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tuần trước đánh giá, Nga hiện có ít nhất 12 căn cứ dự trữ pháo, 10 căn cứ xe tăng và 37 kho chứa thiết bị quân sự.
Về phía Ukraine, họ phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí cũng như hỗ trợ tài chính từ châu Âu và Mỹ do hạ tầng quốc phòng gần như bị xóa sổ vì hỏa lực Nga. Sau nhiều tháng thảo luận, gói viện trợ 60 tỷ USD dành cho Kiev mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua, khiến dòng chảy vũ khí cho Ukraine bị thu hẹp nghiêm trọng.
Lo ngại về hậu quả đối với an ninh khu vực nếu Mỹ rút lui và Ukraine thất bại, các nước châu Âu gần đây đã tăng cường viện trợ, bao gồm gói hỗ trợ tài chính 54 tỷ USD mới phê duyệt; đồng thời cam kết cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Kiev. Điều này đánh dấu thay đổi đáng kể trong thái độ của châu Âu so với những ngày đầu xung đột, nhưng chưa đủ giúp Ukraine lật ngược tình thế, bởi Mỹ là bên cung cấp lớn nhất, với tổng giá trị các gói hỗ trợ an ninh lên đến 44 tỷ USD.
Ngoài vũ khí, Ukraine còn gặp khó trong việc duy trì lực lượng chiến đấu ở tiền tuyến. Với dân số chưa bằng 1/3 của Nga, nỗ lực tuyển quân sẽ ngày càng phức tạp hơn, khi sĩ khí và tinh thần của người dân xuống thấp vì thất bại ở Avdiivka.
Chưa rõ liệu sự hậu thuẫn của phương Tây dành cho Ukraine được duy trì ra sao trong tương lai. Bước sang năm chiến sự thứ ba, tình trạng chia rẽ và mệt mỏi vì chiến sự ở phương Tây dường như bộc lộ ngày một rõ hơn, trong bối cảnh Mỹ và cả các nước châu Âu đều đối mặt với nhiều áp lực từ việc nền kinh tế toàn cầu giảm tốc tăng trưởng. Đó là chưa kể tác động của các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm 2024, bao gồm bầu cử Tổng thống Mỹ. Trên tờ Washington Post, chuyên gia Yaroslav Trofimov đánh giá, ngay cả khi phương Tây vượt qua các rào cản để tiếp tục viện trợ Ukraine, thì vào thời điểm Kiev nhận vũ khí tầm xa hiện đại hơn, lực lượng Nga đã xây dựng xong hệ thống phòng tuyến vững chắc, huy động thêm quân và chuyển ngành công nghiệp quốc phòng sang chế độ thời chiến. “Cơ hội chiến thắng rõ ràng và nhanh chóng của Ukraine đã tan biến”, Trofimov nhận định.
Trong tuyên bố gây tranh cãi liên quan, được tờ Financial Times ngày 23/2 trích dẫn, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bất ngờ cho biết, Ukraine có quyền tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp. Giới quan sát lo ngại khả năng tên lửa NATO tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga sẽ khiến cuộc xung đột diễn biến phức tạp hơn, thậm chí có nguy cơ lan rộng, khiến mọi nỗ lực tìm kiếm hòa bình thêm khó khăn.