“Chảo lửa” Trung Đông và “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ

Thứ Tư, 07/08/2024, 08:07

Chảo lửa Trung Đông đang sục sôi hơn bao giờ hết khi Iran và đồng minh thông báo sẽ tấn công Israel để đáp trả vụ ám sát lãnh đạo phe “Trục kháng chiến” là thủ lĩnh chính trị của Hamas - ông Ismail Haniyeh, và chỉ huy cấp cao của Hezbollah - ông Fuad Shukr. Nếu kịch bản này xảy ra, căng thẳng sẽ lan rộng ra thị trường toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Mỹ.

Mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng xảy ra xung đột giữa Israel và “Trục kháng chiến” - liên minh giữa Iran với Syria cùng các nhóm vũ trang đồng minh ở Trung Đông, bao gồm Hamas, Hezbollah, Lực lượng Tổng động viên (PMU) tại Iraq và Houthi – đã thúc đẩy nỗi lo về suy thoái kinh tế ở Mỹ sau báo cáo việc làm yếu hơn dự đoán, ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, khiến cổ phiếu ở châu Á và châu Âu lao dốc.

Theo đó, tình trạng hỗn loạn trên thị trường chứng khoán lan rộng khắp thế giới, bắt đầu từ Nhật Bản, nơi chỉ số Nikkei sụt giảm hơn 12%. Đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi thị trường toàn cầu sụp đổ năm 1987. Sau đó, xu hướng giảm đã lan từ Nhật Bản sang châu Âu và Mỹ, nơi các chỉ số chứng khoán lớn giảm hơn 2%. Sự thay đổi này là đáng ngạc nhiên. Chỉ vài tuần trước, các nhà kinh tế và nhà dự báo đã lạc quan khi lạm phát giảm dần và tăng trưởng bền vững ở Mỹ.

“Chảo lửa” Trung Đông và “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ -0
Iran đã thông báo với Israel về quyết định sẽ tấn công trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Ismail Haniyeh ở Tehran.

Ông Paul Goncharoff, nhà phân tích tài chính kỳ cựu và là đồng sở hữu dự án Pivot to Asia của Nga, nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến sự mất lòng tin nghiêm trọng trong cộng đồng quốc tế về ý định và mục tiêu thực sự của Chính phủ Mỹ, điều này chỉ làm tăng thêm sự biến động và bất ổn”. Trong bối cảnh đó, sự leo thang tiềm tàng của căng thẳng Iran - Israel có thể trở thành giọt nước tràn ly, làm gãy xương sống của nền kinh tế toàn cầu.

Nhà phân tích Paul Goncharoff cho rằng, về cơ bản, khu vực này sẽ là vùng cấm, buộc phải tăng giá cước vận tải vốn đã cao. Hơn nữa, giá dầu rất có thể sẽ tăng vì Mỹ sẽ mất một thời gian để khởi động lại các chương trình khoan và bơm dầu đã bị đóng cửa. Mặc dù đồng USD có thể ổn định trong thời gian ngắn, nhưng các nhà đầu cơ nên đặt cược vào “giá trị của vàng, bạc và các loại tiền điện tử quan trọng để tìm đường đến sự ổn định của nơi trú ẩn an toàn”. Ông nhấn mạnh các lệnh trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga cùng với một cuộc xung đột tiềm tàng với Iran - nhà sản xuất dầu khác kiểm soát Eo biển Hormuz có tầm quan trọng chiến lược - sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tiềm năng sản xuất của Nhóm G7.

Chuyên gia này kết luận, thế giới đang tiến vào vùng lãnh thổ nguy hiểm chưa được khám phá, do các chính sách vô trách nhiệm mà Washington gây ra. Tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã chậm lại đáng kể vào tháng 7, khi các nhà tuyển dụng chỉ tuyển 114.000 nhân viên mới, ít hơn nhiều so với dự kiến của các nhà kinh tế. Hồi tháng 6, 179.000 việc làm đã được tạo ra và con số cho tháng 7 được dự báo là 175.000 việc làm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng từ 4,1% hồi tháng 6 lên mức 4,3% vào tháng 7, mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Mức tăng này đã nhảy vọt từ 3,4% vào tháng 4 năm ngoái - mức thấp nhất trong năm thập niên. Những con số đáng thất vọng này ám chỉ nguy cơ suy thoái kinh tế mạnh hơn trong tương lai, tạo tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (FED) vào tháng 9 tới.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs và Citigroup, cùng những chuyên gia khác, đã điều chỉnh dự báo rằng FED sẽ cắt giảm nửa điểm lãi suất vào tháng 9, tháng 11 và 1/4 điểm lãi suất vào tháng 12. Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý với kịch bản này. Ông Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế học hàng đầu tại Oxford Economics, cho rằng ông không nhận thấy dấu hiệu suy thoái mặc dù thị trường chứng khoán hiện nay đang hoạt động như thể nó dự đoán một cuộc suy thoái.

Trong khi đó, ông Matt Colyar, trợ lý Giám đốc tại Moody's Analytics, đây chỉ là bằng chứng cho thấy những gì mà FED muốn thực hiện - làm chậm nền kinh tế, làm chậm thị trường việc làm để mọi người không tiếp tục chuyển việc và tăng lương 8-10%. Đây là thực trạng đang diễn ra. Điều này không báo hiệu suy thoái.

Và nền kinh tế Mỹ thực tế vẫn có vẻ ổn: Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,3%, chỉ cao hơn khi so sánh với mức 3,4% vào đầu năm 2023. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chính được tuyển dụng cao nhất kể từ năm 2001. Tỷ lệ thất nghiệp tăng phần lớn chỉ là do có nhiều người đang tìm việc làm hơn, bao gồm cả người nhập cư. GDP của Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,8% trong quý 2 năm nay, nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là khi lãi suất đang ở mức cao.

Bà Claudia Sahm, người tạo ra Quy tắc Sahm, nói rằng bà nghĩ kinh tế Mỹ không suy thoái và lần này quy tắc của bà có thể không đúng. Nhưng có một điều có vẻ rõ ràng: Nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Câu hỏi là chậm lại ở mức nào và với tốc độ như thế nào. Đó là một lời chỉ trích mà FED đang đối mặt.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren nói rằng, FED đã sai lầm nghiêm trọng khi không quyết định hạ lãi suất. Nhưng nếu tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên hoặc thậm chí giảm trong tháng 8, điều đó có thể làm dịu đi nỗi lo sợ rằng, các điều kiện kinh tế ở Mỹ đang xấu đi nhanh chóng. FED dự kiến cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 và các quan chức FED có thể quyết định giảm lãi suất với mức lớn hơn 1/4 điểm phần trăm tại cuộc họp đó. Tuy nhiên, hiện tại, FED dường như không hoảng sợ.

Chủ tịch FED chi nhánh Chicago là ông Austan Goolsbee đã nhận định rằng, có vẻ như nền kinh tế không đang suy thoái và nói rằng FED nên thận trọng khi đưa ra quá nhiều kết luận từ một điểm dữ liệu. Nhưng ông cũng đưa ra lời đảm bảo rằng, FED đang chú ý: “Tôi thực sự nghĩ rằng các bạn muốn hướng tới tương lai xem nền kinh tế sẽ hướng tới đâu để đưa ra quyết định”.

Khổng Hà (tổng hợp)

.
.
.