Căng thẳng Nga - phương Tây tiếp tục leo thang

Thứ Tư, 22/12/2021, 09:12

Việc Nga thông báo trục xuất trả đũa hai nhà ngoại giao Đức và tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở đã khiến căng thẳng giữa Moscow và phương Tây chưa thể hạ nhiệt trong những ngày cuối năm 2021.

Điều dư luận đang chờ đợi

Bộ Ngoại giao Đức ngày 20/12 (giờ địa phương) tuyên bố, việc Nga trục xuất hai nhà ngoại giao Đức có thể làm căng thẳng mối quan hệ song phương. Moscow trước đó cũng lên án quyết định của Berlin hôm 15/12 khi trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga với tuyên bố sẽ có hành động đáp trả. Cùng với các căng thẳng ngoại giao, Nga trong tuần này cũng chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở, vốn giúp các quốc gia thực hiện chuyến bay giám sát không phận của nhau.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, sau khi Mỹ và Liên bang Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, hiệu quả của thỏa thuận sẽ giảm mạnh: diện tích quan sát sẽ giảm khoảng 80%, giảm số lượng thực hiện nhiệm vụ bầu trời mở được lên kế hoạch cho năm 2022, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ - nước khởi xướng việc “hủy bỏ” Hiệp ước Bầu trời mở, chịu mọi trách nhiệm về sự đổ vỡ thương lượng.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu liên tục đưa ra các cảnh báo nếu Nga có các hành động quân sự tại Ukraine. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Nga giảm căng thẳng, kiềm chế bất cứ hành động nào gây căng thẳng. Châu Âu muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Nga nhưng điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của Nga. Nếu Nga có hành động chống lại Ukraine, Liên minh châu Âu sẽ sẵn sàng thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn”.

Căng thẳng Nga - phương Tây tiếp tục leo thang -0
Hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ tại cuộc họp trực tuyến hôm 7/12.

Với tình hình căng thẳng hiện nay, dư luận đang chờ đợi phản ứng mới nhất của các bên liên quan về đề xuất đảm bảo an ninh 8 điểm của Nga đưa ra gần đây nhằm hạ nhiệt mối quan hệ với phương Tây, trong đó có yêu cầu không mở rộng về phía đông như kết nạp Ukraine, loại bỏ vũ khí hạt nhân ở châu Âu, rút lực lượng khỏi Ba Lan và các nước vùng Baltic…

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tới nay Nga vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ phương Tây, tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên sẵn sàng thảo luận về đề xuất này: “Quá sớm để đánh giá phản ứng của phương Tây. Tuy nhiên, tôi nghe một số nguồn tin về việc các nước sẵn sàng thảo luận đề xuất của Nga và đây là một dấu hiệu tích cực. Hiện, chúng tôi chưa có một câu trả lời rõ ràng nên còn quá sớm để đánh giá phản ứng”. Với việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng thảo luận đề xuất của Nga, giới quan sát nhận định rất nhiều yêu cầu của Nga được phía Mỹ cho là không thể chấp nhận được. Mỹ tuyên bố sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của các nước châu Âu và đang chuẩn bị một danh sách riêng các đề xuất cho quá trình đàm phán.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 20/12 khẳng định lập trường: “Nga hiện đã đặt lên bàn cân mối quan tâm của mình với các hoạt động của Mỹ và NATO. Chúng tôi cũng sẽ đặt lên bàn cân mối lo ngại của mình với các hoạt động của Nga, gây tổn hại đến lợi ích và giá trị của chúng tôi. Đó là cơ sở của sự có đi có lại nếu theo đuổi bất kỳ hình thức đối thoại nào”. Ông cũng nhấn mạnh bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa Mỹ và Nga cũng cần dựa trên cơ sở có đi có lại và giải quyết những mối quan ngại của Washington.

Đề xuất đảm bảo an ninh được Nga khẳng định là giúp hạ nhiệt căng thẳng quan hệ với phương Tây, nhưng cũng có nhiều lo ngại nếu các cuộc đối thoại thất bại, có thể mở đường cho một hành động quân sự làm leo thang cuộc chiến giữa các bên. Vì vậy, bước đi thận trọng của các nhà ngoại giao Mỹ cũng như NATO cũng cho thấy thiện chí của các bên nhằm tránh một cuộc leo thang căng thẳng.

Và “quả bóng” thỏa thuận Minsk trong quan hệ Nga - Mỹ

Tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến mới đây với người đồng cấp Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn chuyển việc thực hiện thỏa thuận Minsk từ phía châu Âu và Ukraine sang cho Mỹ. Trước đó, hồi tháng 10, ông Dmitry Peskov nói rằng nhằm giúp giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine, Mỹ không nhất thiết phải trở thành một phần của định dạng Normandy (gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức) bởi vì định dạng này có thể đứng độc lập. Phát biểu này có nghĩa là Moscow không cần châu Âu trong các cuộc hội đàm nghiêm túc về vấn đề Ukraine và rằng các cuộc đối thoại như vậy cần phải diễn ra trực tiếp giữa Nga và Mỹ.

Đó cũng là ẩn ý đằng sau vụ việc gây tranh cãi khi Bộ Ngoại giao Nga công bố một số tài liệu trao đổi ngoại giao về vấn đề Ukraine giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với những người đồng cấp Pháp và Đức: Moscow đang thể hiện rằng họ không có gì để trao đổi với những người bênh vực cho Ukraine và rằng các cuộc đàm phán cần được tổ chức trực tiếp với “người bảo trợ” cho Kiev là Washington. Và đó cũng là lý do giải thích cho những lời phàn nàn của ông Sergei Lavrov rằng Nga đã đề xuất mời Mỹ tham gia vào định dạng Normandy, nhưng Đức và Pháp đã bác bỏ, cũng như giải thích cho những lời kêu gọi của Tổng thống Vladimir Putin về việc cần có những đảm bảo vững chắc rằng NATO sẽ không mở rộng về phía Đông - điều mà chỉ Mỹ mới có thể hứa hẹn.

Từ thông cáo của Nga về cuộc hội đàm trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, cũng như các cuộc họp báo của ông Jake Sullivan, Mỹ thực sự chuẩn bị thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. Dù vậy, ông Joe Biden không thể nhận trách nhiệm thực thi các thoả thuận Minsk chỉ đơn giản bởi vì Điện Kremlin đã thất vọng về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và châu Âu. Làm như vậy sẽ có nghĩa rằng ông đang thực hiện những mong muốn của người đồng cấp Nga, trong khi ông đã cam kết sẽ không nhượng bộ nhà lãnh đạo Nga. Để có thể xác nhận với Putin rằng Mỹ cam kết tham gia giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, người đứng đầu Nhà Trắng cần có thứ gì đó để trao đổi - chẳng hạn như cho cả thế giới thấy rằng ông đã cố gắng ngăn chặn ông Vladimir Putin và ngăn chặn một cuộc chiến tranh. Đó sẽ là một chiến công lớn và là lời biện hộ có sức nặng trước những người đã chỉ trích ông vì đã ngồi vào bàn đàm phán với người đồng cấp Nga.

Vì lý do này, cùng với những lý do khác, những suy đoán về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra ngày càng trở nên phổ biến ngay cả trước khi hội nghị thượng đỉnh trên diễn ra và có nhiều tác động đến hành vi của các bên liên quan. Nguồn gốc của những đồn đoán này là từ truyền thông, các chính trị gia và các chuyên gia phương Tây, chứ không phải từ Điện Kremlin, vốn thích triển khai các chiến dịch bí mật để đạt được mục tiêu của mình thay vì công khai điều động quân đội, cách giúp tăng vị thế đàm phán của Nga lên rất nhiều.

Tổng thống Mỹ đã xuất hiện với tư cách là một nhà lãnh đạo ngăn chặn được một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, ngay sau cuộc hội đàm trực tuyến vừa qua không nhất thiết các bên sẽ có các động thái giảm leo thang và binh lính Nga được rút về doanh trại, như những gì đã từng xảy ra sau khi các bên đạt được nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh Geneva. Lần này, một sự xuống thang mạnh mẽ ngay lập tức có thể không diễn ra. Ông Joe Biden sẽ là nhà lãnh đạo ngăn chặn được chiến tranh nhưng không ngăn chặn được nguy cơ chiến tranh, cho đến khi Moscow nhìn thấy những bước đi tiếp theo của Washington trong vấn đề Ukraine và những dấu hiệu rõ ràng về việc đáp ứng những lo ngại về an ninh của Nga. Chúng ta đang chứng kiến một số chuyển động về vấn đề này khi Tổng thống Joe Biden đề xuất một cuộc họp riêng để giải quyết những lo ngại an ninh của Nga giữa Moscow và 5 nước quan trọng trong NATO - một định dạng bất thường có thể phù hợp với mong muốn của nhà lãnh đạo Nga, không có các thành viên NATO ở Đông Âu vốn là những nước có quan điểm cứng rắn nhất đối với Nga.

Thực tế là, Ukraine muốn tin rằng Mỹ cũng nhận thấy các thỏa thuận Minsk là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, dù ủng hộ Kiev, Washington vẫn nhiều lần nói rằng các thỏa thuận Minsk là quan trọng nhất và thực sự là cách duy nhất để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Đối với Moskva, tiến triển trong việc thực hiện các phần mà Kiev không hài lòng nhất trong các thỏa thuận Minsk, cùng với cuộc thảo luận về việc mở rộng NATO, sẽ cho thấy mối quan tâm của họ đang được xem xét nghiêm túc thay vì bị phớt lờ với mong đợi chúng sẽ dần bị quên lãng. Giao trách nhiệm thực thi các thỏa thuận Minsk cho Mỹ là nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Vladimir Putin nhằm giải quyết vấn đề Ukraine trước năm 2024 - khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc - trong khuôn khổ pháp lý hiện hành.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.