Căng thẳng gia tăng giữa Ukraine với Slovakia và Hungary

Thứ Sáu, 26/07/2024, 08:21

“Hành động của Ukraine không hề có lợi cho người dân nước này”, Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini đưa ra cảnh báo cứng rắn với Kiev, thậm chí đe dọa có thể thực hiện các biện pháp trả đũa nếu Ukraine tiếp tục ngăn chặn việc vận chuyển dầu của Nga qua đường ống Druzhba.

Căng thẳng giữa Slovakia với Ukraine leo thang sau khi Kiev có động thái khóa van đường ống dầu thô Druzhba chạy qua lãnh thổ nước này tới các nước láng giềng Hungary và Slovakia vào tuần trước. Phía Ukraine lý lẽ rằng họ có động thái như vậy nhằm áp các lệnh trừng phạt đối với công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Nga, Lukoil.

1.jpg -0
Căng thẳng nổ ra sau khi Ukraine khóa van đường ống nhiên liệu quan trọng đến Slovakia và Hungary. Ảnh minh họa: Getty Images

Ukraine giải thích, việc đóng băng dòng chảy này là bởi Kiev nhận thấy doanh thu của Lukoil có thể được sử dụng để hỗ trợ quân đội Nga. Druzhba là một trong những mạng lưới đường ống dẫn dầu dài nhất và lớn nhất thế giới, với công suất vận chuyển khoảng 66,5 triệu tấn dầu mỗi năm. Mạng lưới phân nhánh ở miền Nam Belarus, thành tuyến phía Bắc chạy qua Ba Lan đến miền Đông nước Đức và tuyến phía Nam chạy qua Tây Nam Ukraine đến biên giới Hungary và Slovakia.

Trong khi đó, Lukoil cung cấp khoảng 50% lượng dầu được vận chuyển qua nhánh phía Nam của Druzhba. Hành động của Ukraine làm mất đi nguồn cung dầu lớn của hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gây ảnh hưởng lớn tới an ninh năng lượng của Hungary và Slovakia. Sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, EU vào tháng 12/2022 đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào khối bằng đường biển, nhưng vẫn cho phép các quốc gia không giáp biển như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech tiếp tục mua dầu thông qua đường ống Druzhba từ Nga sang châu Âu để có nguồn cung dầu ổn định cho đến khi họ tìm được giải pháp thay thế.

Phát biểu hôm 24/7 (giờ địa phương), Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini mô tả hành động của Kiev là “sự can thiệp tiêu cực vào mối quan hệ tốt đẹp của hai nước”. “Tôi tin chắc rằng Ukraine sẽ có thể giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt, bởi vì Slovakia, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, cuối cùng sẽ phải thực hiện một số biện pháp trả đũa”, Tổng thống Slovakia nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo rằng những động thái trên sẽ “không có lợi cho Ukraine và người dân nước này” trong khi Slovakia đã giúp Ukraine trong vấn đề khí đốt và cũng đã cung cấp điện cho phía Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Robert Kalinak đồng tình với lời chỉ trích của Tổng thống và cảnh báo Kiev đang “mạo hiểm rất nhiều với những hành động vô trách nhiệm của mình”. Trước đó, Thủ tướng Slovakia Robert Fico phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal hôm 23/7: “Slovakia không muốn trở thành con tin của mối quan hệ Ukraine - Nga. Lệnh cấm có nghĩa là Nhà máy Lọc dầu Slovnaft của Slovakia sẽ nhận được ít hơn 40% lượng dầu so với nhu cầu. Và điều này cũng sẽ làm giảm lượng nhiên liệu xuất khẩu của Slovakia sang Ukraine, vốn chiếm 1/10 lượng tiêu thụ của Kiev”.

Hungary hồi đầu tuần cũng cảnh báo đáp trả Kiev vì khóa van đường ống dẫn dầu từ Nga. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh rằng Budapest sẽ chặn khoản ngân sách 6,5 tỷ euro (khoảng 7 tỷ USD) mà EU đã dành cho Ukraine cho đến khi Kiev nối lại việc trung chuyển dầu qua lãnh thổ tới châu Âu. Theo Ngoại trưởng Hungary, hành động của Ukraine là “mối đe dọa cơ bản đối với an ninh năng lượng của Hungary và Slovakia”.

Phát biểu tại một cuộc họp của các đại diện EU ở Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Peter Szijjarto nêu rõ: “Chừng nào vấn đề này không được Kiev giải quyết, mọi người nên quên khoản thanh toán 6,5 tỷ euro của Quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu dành cho việc chuyển giao vũ khí sang Ukraine”. Đặc biệt, ông Peter Szijjarto cũng khẳng định rằng Hungary cùng với Slovakia và Ba Lan đã viện trợ Ukraine vào đầu tháng 7, nhằm cung cấp đủ nguồn điện giúp ổn định hệ thống năng lượng của Kiev. Hungary nhận được 2 triệu tấn dầu từ các tập đoàn của Nga hằng năm, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này.

Theo giới chuyên gia, dòng dầu và khí đốt của Nga tới châu Âu đã giảm đáng kể do cấm vận từ phương Tây sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Sự suy giảm dòng năng lượng của Nga về phía Tây đã thúc đẩy Moscow điều chỉnh lại một phần thương mại năng lượng của mình sang các đối tác BRICS, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy các nước EU và Anh khởi động một cuộc tranh giành toàn cầu nhằm đảm bảo năng lượng cần thiết cho nền kinh tế của họ.

Những nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt Nga thông qua cắt giảm mua năng lượng cho đến nay đã xuất hiện hiệu ứng ngược, làm tăng giá và suy yếu khả năng cạnh tranh công nghiệp toàn cầu của châu Âu trước Trung Quốc và Mỹ. Một ví dụ điển hình là Đức, cường quốc công nghiệp lớn nhất của châu Âu, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, phải đối mặt với sự rút lui của các nhà sản xuất lớn đang tìm kiếm những “đồng cỏ xanh” hơn và chi phí năng lượng rẻ hơn ở nước ngoài.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.