Cần xóa bỏ bất bình đẳng giàu - nghèo trong tiêm vaccine ngừa COVID-19

Thứ Bảy, 25/12/2021, 09:38

Một năm sau mũi tiêm ngừa COVID-19 đầu tiên tại châu Âu, cho đến nay mới chỉ có 8% dân số các nước nghèo nhất nhận được liều đầu tiên. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 65%.

Các chính sách mới nhằm gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine

Giới chuyên gia lưu ý rằng không phải ngẫu nhiên mà biến thể Omicron mới đang gây lo lắng xuất hiện tại Nam Phi, nơi tỉ lệ tiêm chủng mới là khoảng 25%. Xác suất cao cho việc virus lan truyền mạnh, dẫn đến các biến thể mới, là ở nơi dân cư ít được tiêm chủng. “Sự ích kỷ” của một số nước giàu và tập đoàn dược phẩm có thể dẫn đến hệ quả là trong tương lai xuất hiện một biến thể “kháng được tất cả các loại vaccine”.

Các nước nghèo không có đủ vaccine vì rào cản bằng sáng chế. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề “Chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt cho các sai lầm của chúng ta trong nhiều năm”, Chủ tịch tổ chức Bác sĩ không biên giới Carine Rolland kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức quy định bảo vệ bằng sáng chế với vaccine ngừa COVID-19 để thế giới có thể thoát được cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Bà Carine Rolland cũng chỉ rõ lý do dẫn tới thế bế tắc này. Ví dụ cụ thể là công ty BioNtech (Đức) sở hữu vaccine của Pfizer chống lại việc dỡ bỏ bằng sáng chế, bởi họ sẽ thu được nhiều lời lãi nhất do việc bán được vaccine cho các nước giàu với giá cao, hơn là bán vaccine với giá thấp cho các nước nghèo.

COVAX - một sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm giảm sự chênh lệch vaccine giữa các nước giàu và nghèo - ban đầu đặt mục tiêu phân bổ 2,2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước không thể tự mua được vaccine, bắt đầu từ năm 2022. Tuy nhiên, tham vọng quá lớn này đã được điều chỉnh xuống còn 1,4 tỷ liều, chủ yếu do các vấn đề về cung ứng. WHO hiện lo ngại rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ khiến các nước giàu hơn tích trữ thêm nhiều vaccine hơn, từ đó càng làm gia tăng sự bất bình đẳng trong phân bổ vaccine.

Xét về mặt tích cực, bộ công cụ để đối phó với COVID-19 đang liên tục gia tăng, và điều này là rất tốt cho các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các phương pháp điều trị bằng kháng thể, bao gồm thuốc Xevudy từ hãng GSK vừa được Anh phê duyệt, cho thấy đã giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong tới gần 80% ở nhóm người trưởng thành có nguy cơ cao. Loại thuốc uống kháng virus molnupiravir cũng đã chứng tỏ công dụng giảm nguy cơ biến chứng nặng ít nhất là 1/3 lần.

Trong một thế giới lý tưởng, tất cả những ai có thể tiếp cận với một loại vaccine an toàn giúp bảo vệ họ trước đại dịch COVID-19 và giúp giảm thiểu sự lây lan của loại virus đều sẽ chấp nhận tiêm chủng. Nhưng trong thế giới thực tế, nơi nhiều người vẫn còn lo ngại về vaccine và hàng ngày bị tin giả đầu độc, việc thuyết phục tất cả chấp nhận tiêm chủng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Trước thực tế này, chính phủ các nước đang đưa ra các chính sách mới nhằm gia tăng tỷ lệ tiêm vaccine tại các nước mình.

Phương án mang tính chính trị có thể chấp nhận được là yêu cầu người dân phải có hộ chiếu vaccine thì mới tham gia một số sự kiện tập thể hoặc các cửa hàng, khiến cho những người chưa tiêm chủng bị hạn chế hoạt động, đã được áp dụng một cách rộng rãi trên khắp châu Âu, bất chấp việc nó đã kích động những làn sóng phản ứng lớn tại nhiều nước, trong đó có Italy, Croatia và Hà Lan. Riêng tại Austria, một nước nhỏ trong Liên minh châu Âu (EU), nơi tỷ lệ ca nhiễm hàng ngày tăng lên đến gần 15.000 ca vào giữa tháng 11/2021, phải đi đến lựa chọn quan trọng: không chỉ tái áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần mà còn ra lệnh tiêm chủng bắt buộc đối với người lớn kể từ tháng 2/2022 trong một nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng quốc gia mà hiện mới chỉ đạt 66%.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia có thể sẽ mạo hiểm noi theo Austria để áp dụng các chính sách bắt buộc tiêm chủng trong tương lai gần nhằm giảm tỉ lệ nhập viện và tránh phải đưa ra những quy định hạn chế gây tổn hại về kinh tế. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã kêu gọi tiến hành một cuộc thảo luận về việc bắt buộc tiêm vaccine và tân Thủ tướng Đức Olaf Schulz cũng đã lên tiếng ủng hộ phương án này.

8.jpg -0
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Vienna, Austria. Ảnh: THX.

Các loại vaccine mới được lên kế hoạch cho năm 2022

Kể từ tháng 3/2021 và sau việc cấp phép cho vaccine của Johnson & Johnson, danh sách các loại vaccine ngừa COVID-19 có sẵn ở châu Âu vẫn dừng ở con số 4. Tình hình này có thể sớm thay đổi. Các loại vaccine ban đầu dự kiến cho năm 2021 sắp ra mắt. Bắt đầu với Novavax. Công ty công nghệ sinh học Mỹ đã nộp đơn xin cấp phép vào ngày 17/11 vừa qua.

Dự kiến EMA sẽ phản hồi trong những tuần tới. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là vaccine protein tái tổ hợp ngừa COVID-19 đầu tiên được tung ra thị trường châu Âu. Công nghệ đã được chứng minh bao gồm việc tiêm trực tiếp protein gai vào cơ thể bệnh nhân, cùng với chất bổ trợ, để tăng phản ứng miễn dịch. Ủy ban châu Âu (EC) đã mua 100 triệu liều, với lựa chọn bổ sung 100 triệu liều nữa. Bỉ đang tham gia nhóm này và đã đặt hàng 510.000 liều.

Một loại vaccine protein tái tổ hợp khác có thể được giới thiệu trên thị trường trong nửa đầu năm 2022 là của tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp (được phát triển với sự hợp tác của GSK). Ban đầu, vaccine này dự kiến ra mắt vào quý 1/2021 nhưng dự án đã bị trì hoãn do kết quả lâm sàng không đạt chuẩn do lỗi kỹ thuật. Sanofi dự kiến cuối cùng sẽ công bố kết quả của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba trong tháng này, và sau đó nộp đơn xin phép thương mại hóa nếu kết quả khả quan.

Loại vaccine thứ ba xuất hiện trên bản đồ của các nhà chức trách châu Âu là sản phẩm của hãng công nghệ sinh học Pháp - Austria Valneva. Sau một thời gian dài chần chừ, ngày 10/11, hãng đã ký với EC một hợp đồng mua trước 27 triệu liều vào năm 2022 và 33 triệu liều vào năm 2023. Các đợt giao hàng đầu tiên được lên lịch vào tháng 4/2022 nếu EMA bật đèn xanh. Điểm đặc biệt của loại vaccine này là “vaccine bất hoạt”. Đây là công nghệ lâu đời nhất và đơn giản nhất để sản xuất vaccine, nhưng nó vẫn chưa có mặt trong danh mục vaccine của châu Âu, vốn chỉ bao gồm vaccine RNA thông tin và vaccine vector virus.

Trong một nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba, vaccine này đã chứng minh mức độ kháng thể cao hơn so với vaccine của AstraZeneca và ít tác dụng phụ hơn. Ngày 2/12 vừa qua, EMA đã bắt đầu đánh giá tổng hợp dữ liệu cho loại vaccine này. Hiện vẫn còn hai loại vaccine khác trong kho công cụ của châu Âu: Sputnik của Nga và Sinovac của Trung Quốc. Hai nhà sản xuất này đã gửi dữ liệu của họ lên EMA từ mùa Xuân năm ngoái như một phần của quá trình phân tích liên tục nhưng EMA không đưa ra câu trả lời.

Nguyên nhân là do hồ sơ của họ được coi là không đầy đủ với dữ liệu không đáp ứng tiêu chuẩn của EMA. Theo Reuters, dự kiến sẽ không có bất kỳ sự cho phép nào lưu hành trên thị trường đối với Sputnik cho đến quý I/2022. EC cũng không mua các loại vaccine này.

Liệu chúng ta có nên mong đợi thấy vaccine thích nghi đặc biệt với biến thể Omicron mới sẽ ra mắt vào năm 2022? Cả Pfizer, Moderna và AstraZeneca đều cho biết họ đang làm việc về vấn đề này nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ đi vào sản xuất. Các hãng dược phẩm này từng đưa ra các tuyên bố giống nhau đối với biến thể Alpha và Delta mà không có bất kỳ loại vaccine cụ thể nào được sản xuất.

Ông Jean-Michel Dogné giải thích: “Trước khi phát triển một loại vaccine phù hợp với một biến thể, trước tiên cần phải xác minh xem liệu vaccine hiện tại có tiếp tục bảo vệ hay không và trong trường hợp nó mất tác dụng, có cần phải phát triển một loại vaccine mới hay không”. Việc ngừng sản xuất một loại vaccine và thay thế nó bằng một loại vaccine khác không phải là một việc đơn giản theo quan điểm công nghiệp. Điều này có thể dẫn đến tình trạng vô tổ chức, gián đoạn nguồn cung. Thêm vào đó là những tác động xấu về sức khỏe cộng đồng. Một số người có thể cố gắng bỏ qua liều thứ ba để chờ cho đến khi có liều dành riêng cho biến thể.

Khổng Hà
.
.
.