Bước ngoặt lịch sử với Syria
Chỉ hơn một tuần sau khi nối lại các cuộc tấn công quân đội Syria, lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm dân quân chống chính phủ ở nước này đã khiến cả thế giới bất ngờ khi giành quyền kiểm soát Damascus hôm 8/12, đặt dấu chấm hết cho hơn nửa thế kỷ nắm quyền của gia đình al-Assad tại quốc gia Trung Đông. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới kêu gọi tất cả các bên ở Syria ưu tiên lợi ích tối cao của quốc gia, sớm thống nhất một giải pháp chính trị để ổn định đất nước. Diễn biến này sẽ cho phép hàng triệu người tị nạn Syria bị phân tán trong hơn một thập kỷ ở các trại tị nạn cuối cùng cũng được trở về nhà.
Reuters ngày 9/12 đưa tin, các quốc gia Trung Đông bao gồm Ai Cập, Jordan, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar đã kêu gọi duy trì ổn định và chấm dứt giao tranh ở Syria, sau khi chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ vào sáng sớm 8/12 (theo giờ địa phương) khi các lực lượng đối lập Syria giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus.
Các nước đều khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì sự thống nhất và an ninh của Syria, trong bối cảnh các sự kiện đang diễn biến nhanh chóng ở nước này. Thông cáo của phía Ai Cập nêu rõ: “Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi tất cả các bên ở Syria ưu tiên lợi ích tối cao của quốc gia bằng cách thống nhất các mục tiêu và ưu tiên mở đường cho một tiến trình chính trị toàn diện và bao trùm, nhằm thúc đẩy sự hòa hợp và hòa bình đất nước cũng như khôi phục vai trò khu vực và quốc tế của Syria”.
Trong khi đó, cố vấn ngoại giao của Tổng thống UAE Anwar bin Mohammed Gargash, kêu gọi không nên để các tác nhân phi nhà nước có cơ hội khai thác khoảng trống chính trị ở Syria. Ông Gargash nhấn mạnh, các sự kiện đang diễn ra ở Syria là một dấu hiệu rõ ràng về sự thất bại chính trị và bản chất hủy diệt của xung đột và hỗn loạn.
Về phía các quốc gia phương Tây, Mỹ gọi việc HTS giành quyền kiểm soát Damascus là một ngày lịch sử của Syria và khu vực Trung Đông. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố: "Đây là thời điểm mang lại cơ hội lịch sử để những người dân Syria xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước đáng tự hào của họ. Nhưng đó cũng là thời điểm đầy rủi ro và bất ổn".
Ông Biden nhấn mạnh rằng các lực lượng Mỹ hôm 8/12 đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công chính xác ở Syria nhắm vào các vị trí của ISIS để ngăn nhóm này trỗi dậy. Nhà Trắng sẽ theo dõi chặt chẽ các tuyên bố từ lực lượng phiến quân, đồng thời nỗ lực đảm bảo an toàn cho các kho vũ khí hóa học ở Syria.
Các nước khác như Đức, Italia và Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng ủng hộ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho một chính quyền trách nhiệm ở Syria thông qua một tiến trình bao trùm do người dân Syria đứng đầu. Trong quá trình chuyển giao này, người dân Syria có quyền được yêu cầu duy trì các cơ quan nhà nước, nối lại các dịch vụ thiết yếu và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương. "Hôm nay, chúng tôi mong đợi với hy vọng thận trọng về một chương mới, chương hòa bình, hòa giải, phẩm giá và hòa nhập mở ra cho tất cả người dân Syria", đặc phái viên Liên hợp quốc Geir Pedersen về Syria tuyên bố.
Theo lộ trình của Liên hợp quốc được thống nhất vào năm 2015, Ủy ban đàm phán Syria được cho là sẽ giám sát vai trò của phe đối lập trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria. Ủy ban này được giao nhiệm vụ giúp soạn thảo một hiến pháp mới, chuẩn bị cho cuộc bầu cử trong 18 tháng và hợp nhất nhiều lực lượng dân quân của Syria thành một đội quân gồm các nhóm dân tộc và tôn giáo của đất nước.
Giới chuyên gia nhận định, chiến thắng nhanh chóng của phe đối lập ở Syria có thể làm thay đổi mọi tính toán của các bên ở Trung Đông. Mặc dù ông Assad có nhiều đối thủ cả trong và ngoài khu vực, nhưng không phải tất cả các bên đều mong muốnchính quyền của ông sụp đổ. Các quốc gia phương Tây, Arab Saudi và UAE cũng như Israel, muốn hạn chế ảnh hưởng của Iran ở Syria, nhưng không bên nào muốn một chế độ Hồi giáo cực đoan thay thế chính quyền ông Assad. Đối với Nga, sự sụp đổ của Syria sẽ đồng nghĩa với việc mất đi đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông. Đối với Iran, điều này có thể làm sụp đổ cái mà họ gọi là “trục kháng chiến”, gồm các quốc gia và các nhóm vũ trang đồng minh.
Trong bài phát biểu chiến thắng tại Nhà thờ Hồi giáo Umayyadở Damascus, lãnh đạo HTS Ahmed al-Sharaa, hay còn được gọi là Abu Mohammed al-Jolani (42 tuổi) tuyên bố: “Những người anh em, trang sử mới đang được viết lên trong toàn bộ khu vực sau chiến thắng vĩ đại này. Syria đang được thanh lọc". Lãnh đạo HTS Abu Mohammed al-Jolani đồng thời cam kết, Syria sẽ trở thành ngọn hải đăng cho các quốc gia Hồi giáo. Trước đó, lực lượng nổi dậy đã kêu gọi cảnh sát và các cơ quan công quyền tiếp tục giữ nguyên vị trí của họ trong khi chờ đợi thông báo về một chính phủ thống nhất.
Lực lượng nổi dậy cũng áp đặt lệnh giới nghiêm, mà đến ngày 9/12, lệnh này dường như đã ngăn chặn được hầu hết tình trạng cướp bóc ở Thủ đô. Hiện tại, ông al-Jolani cũng được coi là ứng viên tiềm năng nhất để lãnh đạo Syria. Tuy nhiên, quá khứ của ông với tư cách là thủ lĩnh al-Qaeda tại Syria và việc ông trấn áp mạnh mẽ các đối thủ khiến nhiều người cảnh giác. Để những phiến quân khác chấp nhận sự lãnh đạo của ông sẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với Jolani.
Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Điện Kremlin thông báo ông Bashar al-Assad và các thành viên trong gia đình đã đến Moscow. Cho tới khi đặt chân tới Thủ đô của nước Nga để tị nạn sau khi chính quyền sụp đổ, ông Bashar al-Assad đã giữ cương vị tổng thống Syria trong 24 năm, ít hơn 5 năm so với thời gian nắm quyền của cha ông là cố Tổng thống Hafez al-Assad.
Trước khi bước vào con đường chính trị, ông Bashar al-Assad được biết tới là bác sĩ nhãn khoa ở London (Anh) và chức vụ duy nhất của ông ở quê nhà là người đứng đầu Hiệp hội máy tính Syria. Trong nhiều năm, ông al-Assad đã phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ về quân sự, chính trị và ngoại giao từ các đồng minh chủ chốt là Nga và Iran. Nếu không có họ, chế độ của ông gần như đã sụp đổ sớm hơn nhiều trong cuộc chiến.
Theo giới phân tích chính trị quốc tế, trong bối cảnh Nga được cho là đang dồn lực ở chiến trường Ukraine, Iran gặp khó khăn về kinh tế và Hezbollah phải rút về nước khi Israel tấn công, phiến quân đã chớp thời cơ đánh bại 150.000 binh sĩ chính phủ Syria.