Biến thể Delta đẩy thế giới vào giai đoạn nguy hiểm mới

Chủ Nhật, 01/08/2021, 15:00

Biến thể Delta đang đe dọa những thành tựu chống dịch COVID-19 mà thế giới đã rất khó khăn đạt được và nếu thế giới không hành động nhanh sẽ lại có thêm các biến thể nguy hiểm hơn. Các biến thể này có khả năng kháng vaccine và lây lan nhanh hơn.

Trong buổi họp báo hôm 30/7 (giờ địa phương), Tổng Thư ký Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng 8% và số ca tử vong tăng 12%. Phần lớn mức tăng này là do biến thể Delta có khả năng lây lan cao, với trung bình 540.000 ca mắc/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần. Hiện biến thể này đã được phát hiện ở ít nhất 132 quốc gia.

“Các thành tựu mà thế giới khó khăn mới đạt được đang bị đe dọa hoặc đã bị mất. Hệ thống y tế tại nhiều quốc gia đang bị quá tải”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. Trong khi đó, theo bà Maria van Kerkhove, chuyên gia của WHO về COVID-19, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% so với các biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2.

Chuyên gia này lưu ý, một số nước đã ghi nhận tỷ lệ nhập viện cao hơn nhưng chưa có số liệu cho thấy biến thể Delta gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn ở các ca nhiễm. Trong khi đó, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan nhấn mạnh, Delta chính là một lời cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 vẫn đang thay đổi. Vì vậy thế giới cần phải hành động nhanh chóng, trước khi các biến thể nguy hiểm hơn xuất hiện.

Các nhà khoa họa của WHO cũng cho biết virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến thể nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn. Cho đến nay, theo phân loại của WHO, những biến thể đáng lo ngại được đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp là Alpha, Beta, Gamma và Delta, đều xuất hiện vào nửa cuối năm 2020, mặc dù phải mất một thời gian để lây lan rộng hơn.

Danh sách những biến thể cần quan tâm tiếp theo, được cho là có khả năng lây lan hoặc kháng vaccine cao hơn gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda… Một nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Áo công bố hôm 30/7 cũng cho thấy, ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vaccine có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi hơn 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Nghiên cứu cho biết việc hình thành một biến thể kháng vaccine vào thời điểm đó có thể dẫn đến các vòng tiến hóa của biến chủng đó. Dẫu vậy, theo WHO và giới y khoa quốc tế, các loại vaccine được WHO cấp phép hiện nay vẫn có hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người, giúp ngăn chặn nguy cơ mắc COVID-19, cũng như các trường hợp mắc bệnh nặng và tử vong.

Biến thể Delta đẩy thế giới vào giai đoạn nguy hiểm mới -0
Các nhà khoa học trên thế giới đang bước vào cuộc đua phát triển các loại thuốc chữa COVID-19. Ảnh minh họa.  

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ được công bố hôm 30-7, biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Với kết quả này, giới chức y tế Liên bang Mỹ điều chỉnh khuyến nghị rằng những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín.

Theo các chuyên gia, vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nếu một người đã tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh thì nguy cơ họ lây cho người khác vẫn cao như ở những người chưa được tiêm vaccine. Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết việc phát hiện ra rằng biến thể Delta sinh ra lượng virus tương tự ở người đã tiêm đầy đủ vaccine và người chưa tiêm vaccine “là một phát hiện quan trọng khiến CDC Mỹ phải điều chỉnh khuyến nghị về việc đeo khẩu trang”.

Bà nói: “Khuyến cáo về việc đeo khẩu trang đã được cập nhật nhằm đảm bảo người dân không vô tình truyền virus cho người khác, bao gồm cả những người thân của họ chưa được tiêm vaccine hoặc bị suy giảm miễn dịch”. Nghiên cứu cho thấy ngay cả với biến thể Delta, vaccine phòng COVID-19 vẫn phát huy tác dụng, làm giảm sự lây lan của virus. Hơn nữa, khả năng những người đã được tiêm chủng phải nhập viện điều trị cũng thấp hơn?

Không chỉ dừng lại ở vaccine, hiện các nhà khoa học trên thế giới đang bước vào cuộc đua phát triển các loại thuốc chữa COVID-19 nhằm gia tăng công cụ đối phó với virus SARS-CoV-2 và giúp những người mắc bệnh có thể điều trị ở nhà. Công ty dược phẩm Shionogi của Nhật Bản vừa thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 thuốc điều trị COVID-19.

Trong cuộc thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, những người tham gia thử nghiệm đã sử dụng liều đầu tiên và không có bất cứ quan ngại nào về vấn đề an toàn. Công ty dược phẩm Shionogi cho biết, loại thuốc này có thể nhanh chóng giảm số lượng virus trong cơ thể người bệnh và ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng lâm sàng như sốt hay khó thở, nếu người bệnh được kê đơn ngay sau khi phát hiện mắc COVID-19.

Trước Nhật Bản, hai công ty Pfizer và Merch đã bắt đầu bước vào các cuộc thử nghiệm giai đoạn sau của thuốc chữa COVID-19. Pfizer cho biết loại thuốc dùng 2 lần/ngày mà công ty này phát triển sẽ ra thị trường sớm nhất vào năm nay. Công ty này cũng đang chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm thuốc chống virus trên hơn 2.000 bệnh nhân.

Thuốc chữa COVID-19 của Pfizer và Shionogi có thể ngăn chặn các ca mắc bằng cách ngăn chặn một loại enzyme gọi là protease mà virus cần để tự sao chép trong tế bào con người. Chất ức chế protease từng được sử dụng rộng rãi nhằm chống lại các virus khác như HIV, virus gây nên bệnh AIDS, nhưng khả năng chống chịu của virus cũng là một thách thức tiềm ẩn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.