Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Gay cấn đến lá phiếu cuối cùng được kiểm
Một tuần trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 chính thức, hơn 50 triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đã hoàn tất việc bỏ phiếu sớm, một chỉ dấu cho thấy sức nóng của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay, trong bối cảnh hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đang bám đuổi sít sao về tỷ lệ ủng hộ.
Báo The Hill ngày 30/10 trích dẫn dữ liệu theo dõi bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 của Đại học Florida cho thấy, 51 triệu cử tri trên khắp nước Mỹ đã hoàn tất bỏ phiếu sớm, trong đó 27 triệu lá phiếu được bỏ trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu, 24 triệu lá phiếu bầu qua thư.
Một tuần trước ngày bầu cử chính thức (5/11), lượng cử tri bỏ phiếu sớm năm nay thấp hơn con số năm 2020, thời điểm nhiều người ở nhà và bỏ phiếu qua thư vì dịch COVID-19, nhưng đã vượt các năm 2016 và 2012. Một số hãng tin dự báo tổng số cử tri Mỹ tham gia bầu cử có thể tương đương hoặc cao hơn con số năm 2020, vốn được xem là cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu (66%) cao nhất từ năm 1900.
Truyền thông Mỹ cho hay, rất khó dự đoán kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử chỉ dựa trên dữ liệu khảo sát số phiếu bầu sớm, bởi nó có sai số và phụ thuộc vào chính sách vận động cử tri của từng đảng. Tuy nhiên, nó cho thấy sơ bộ bức tranh tỷ lệ ủng hộ dành cho các ứng viên. The Hill nói rằng, đảng Dân chủ đang có lợi thế khi khoảng 39,5% số phiếu được bỏ sớm đến từ những người ủng hộ đảng này.
Đội ngũ tranh cử của ứng viên Kamala Harris rất tập trung vận động bỏ phiếu sớm vì họ cho rằng, các nhóm nhân khẩu học quan trọng như người trẻ tuổi có thể vì lí do gì đó mà không đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử chính thức. Ở chiều ngược lại, khoảng 36,1% số phiếu được bỏ sớm thuộc về đảng Cộng hòa. Trong các cuộc bầu cử diễn ra trong quá khứ, ứng viên Donald Trump và đảng Cộng hòa của ông thường kêu gọi cử tri thực hiện "làn sóng đỏ" vào ngày bầu cử chính thức, dù quan điểm đó thay đổi ít nhiều trong cuộc bầu cử này. The Hill thông tin thêm, số phiếu của cử tri các đảng nhỏ, ít liên kết chiếm khoảng 24,4%.
Mỹ áp dụng cơ chế đại cử tri đoàn dựa theo dân số từng bang trong bầu cử Tổng thống thay vì phiếu phổ thông. Các bang đông dân được phân bổ nhiều đại cử tri hơn. Có tổng cộng 535 đại cử tri chia cho 50 bang theo quy mô dân số và 3 đại cử tri cho thủ đô Washington. Hầu hết các bang và thủ đô Washington phân bổ đại cử tri theo cách thức "người thắng lấy hết", tức ứng viên nào thắng phiếu phổ thông trong bầu cử sẽ nhận được tất cả đại cử tri của bang đó, người còn lại không có phiếu đại cử tri nào, dù nhận được bao nhiêu phiếu phổ thông đi chăng nữa. Để chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng, ứng viên Tổng thống Mỹ phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri.
Theo kết quả khảo sát của New York Times, tại 7 bang chiến trường quan trọng, nơi chưa rõ xu hướng ủng hộ ứng viên nào, bà Harris và ông Trump đang bám đuổi sít sao, cho thấy kết quả cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ gay cấn đến khi lá phiếu cuối cùng được kiểm. Tại Wisconsin và Michigan, bà Haris có tỷ lệ ủng hộ cao hơn ông Trump chỉ 1%. Trong khi đó, tại bang Pennsylvania, Georgia và Arizona, ông Trump dẫn trước với tỷ lệ ủng hộ cao hơn lần lượt là 1%, 2% và 3%. Tại bang Nevada và Bắc Carolina, tỷ lệ ủng hộ tương đương nhau. Dựa trên số liệu ủng hộ hiện nay, New York Times nhận định bà Harris thu thập được 226 phiếu đại cử tri, ông Trump được 219 phiếu.
Cả ông Trump và bà Harris đều đã tranh thủ những giờ áp chót để vận động thêm phiếu bầu. Trong bài phát biểu kết thúc chiến dịch tranh cử tại thủ đô Washington, nơi đảng Dân chủ ước tính có hơn 75.000 người tham gia, bà Harris ngày 29/10 dành phần lớn thời lượng chỉ trích ông Trump, cho biết sự lựa chọn giữa bà và đối thủ là lựa chọn giữa "tự do và hỗn loạn". Nữ Phó Tổng thống Mỹ gọi mình là "người có bản năng bảo vệ", đồng thời tái khẳng định các cam kết về biên giới, chăm sóc sức khỏe.
Phản hồi các chỉ trích của bà Harris từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (bang Florida), ông Trump ngày 29/10 phàn nàn đối thủ đang vận hành "một chiến dịch thù hận". "Còn tôi thì đang theo đuổi một kế hoạch cứu nước Mỹ", ông Trump nói. "Chúng ta không có lựa chọn nào khác và chúng ta sẽ cứu lấy nó". Đáng chú ý, ông Trump đã nêu đề xuất bất ngờ về việc, nếu ông đắc cử, chính quyền Mỹ sẽ tịch thu tài sản của các băng đảng tội phạm, băng đảng ma túy và dùng số tiền đó để lập ra quỹ bồi thường cho những người Mỹ là nạn nhân của tội phạm nhập cư trái phép.
ABCNews cho biết, ông Trump dự kiến sẽ tới Pennsylvania để tìm kiếm sự ủng hộ của các cử tri là người nhập cư hợp pháp, điểm đến then chốt cuối cùng trước ngày bầu cử. "Tôi sẽ mang lại tương lai tốt đẹp nhất cho người dân Puerto Rico và người Mỹ gốc Tây Ban Nha", ông Trump phát biểu.