Bầu cử Quốc hội Pháp và những tác động tiềm tàng

Chủ Nhật, 30/06/2024, 10:32

Ngày 30/6, vòng đầu tiên của cuộc bầu cử trước thời hạn tại Pháp diễn ra với sự tham gia của 4.011 ứng cử viên, giảm mạnh so với tổng số 6.293 năm 2022. Nguyên nhân là do các nhóm chính trị không có đại diện trong Quốc hội không kịp thời gian để tìm chọn ứng cử viên.

Các chuyên gia đánh giá, cuộc bầu cử này có thể mang tính tàn phá nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh - không chỉ đối với Pháp mà còn đối với Liên minh châu Âu (EU), NATO và những gì còn sót lại của “trật tự thế giới tự do” thời hậu chiến.

29_6_2024_quocte_baucuphap-1719718363201.jpg
Những tấm áp-phích về cuộc bầu cử Quốc hội trên đường phố ở Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Theo kết quả thăm dò mới nhất, trong 3 nhóm chính trị chính đang cạnh tranh nhau, phe đa số của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ đứng ở vị trí thứ ba với 22% phiếu bầu, cách xa vị trí dẫn đầu của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia - RN (35%) và đứng sau cả liên minh Mặt trận Nhân dân mới (NFP) của cánh tả (28%). Kết quả thực tế tại vòng một có thể thay đổi khi có tới 17% số cử tri được hỏi vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào, hơn nữa còn phụ thuộc vào tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và những người có thể thay đổi ý định vào phút chót.

Hai kịch bản nổi bật nhất tại thời điểm hiện tại, đó là việc đảng RN sẽ giành được đại đa số tại Quốc hội hoặc sẽ không có bất kỳ đảng hay liên minh nào giành được thắng lợi hoàn toàn. Trong trường hợp thứ 2, việc Tổng thống chọn Thủ tướng sẽ rất phức tạp và cuộc khủng hoảng chính trị sẽ vô cùng nghiêm trọng tại Pháp. Tuy nhiên, với lợi thế xoáy sâu vào cảm giác bất an ngày càng gia tăng của người dân Pháp, đảng RN vẫn đang có được sự ủng hộ của đại đa số. Chủ tịch đảng RN Jordan Bardella tuyên bố: “Đồng bào của chúng tôi có cảm giác rằng, Nhà nước không còn thực thi luật pháp của mình, rằng Nhà nước yếu với kẻ mạnh và mạnh với kẻ yếu”.

Trước viễn cảnh ảm đạm như vậy, phe đa số của Tổng thống Emmanuel Macron, gồm các đảng Phục hưng (Renaissance), Phong trào Dân chủ (MoDem) và Những chân trời (Horizons), đã có nhiều cố gắng nhằm thay đổi cục diện. Nhưng trong thời gian quá ngắn ngủi, liên minh “Cùng nhau vì nền Cộng hòa” này đã không đưa ra đề xuất đột phá nào trong chương trình hành động, mà chỉ lặp lại hoặc mở rộng một số nội dung có trong chương trình tranh cử lập pháp năm 2022.

Đáng chú ý nhất là chủ đề cải thiện sức mua cho tầng lớp trung lưu, một điểm nhấn mà phe đa số muốn giới thiệu. Nhưng đây cũng là chủ đề hàng đầu trong chương trình hành động của các đối thủ RN và NPF, bởi trong điều kiện kinh tế - xã hội chồng chất khó khăn, đảng phái nào cũng phải đưa ra quan điểm về chủ đề này. Lãnh đạo NPF Olivier Faure trong một tuyên bố mới nhất đã đề xuất bổ nhiệm một nhân vật ôn hòa vào chức vụ Thủ tướng: “Ứng cử viên Thủ tướng sẽ là nhân tố giúp toàn bộ cánh tả và các nhà sinh thái học đoàn kết lại với nhau. Bởi vì chúng ta phải là một chỉnh thể trước khi có thể kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân”.

Nước Pháp đang trong tình trạng hỗn loạn tài chính. Nợ công lên tới 110% GDP và chính phủ đương nhiệm thâm hụt ngân sách ở mức 5,5% vào năm ngoái. Cả phe cực hữu và cực tả đều cam kết tăng chi tiêu lớn và cắt giảm thuế sẽ làm tăng nợ và thâm hụt, đồng thời vi phạm các quy định của EU. Bên cạnh đó, Pháp là một trong 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra nếu phần bù rủi ro đối với trái phiếu của Pháp tăng vọt? EU hiện có cơ chế can thiệp vào hoạt động mua trái phiếu.

Nhưng liệu Brussels hay Berlin có sẵn sàng đồng ý với một động thái như vậy không, nếu cuộc khủng hoảng bị kích động bởi những cam kết chi tiêu không được tài trợ của Paris? Cùng với đó, viễn cảnh phe cực hữu lên cầm quyền đang hiển hiện ngày một gần thêm, song song với đó là những lo ngại về nguy cơ nước Pháp rời khỏi EU. Những ngày gần đây, một bộ phận dư luận cũng như một số nhà chính trị ở Pháp đã cảnh báo nước Pháp sẽ bị đặt trước nguy cơ ra khỏi EU một khi đảng cực hữu RN lên cầm quyền sau kỳ bầu cử Quốc hội tới. Nhật báo Libération cho rằng, cử tri Pháp sẽ không chỉ đi bầu Quốc hội mới, mà họ còn có thể quyết định số phận của nước Pháp trong EU.

Một cam kết khác của phe cực hữu cũng có nguy cơ xung đột với EU: RN chủ trương hạn chế sự tự do đi lại trong khu vực Schengen, theo đó “chỉ dành cho công dân của các quốc gia thành viên”. Nhưng điều này cũng vi phạm luật pháp châu Âu vì tự do lưu thông dành cho người nước ngoài hợp pháp (bao gồm cả khách du lịch, mà Pháp là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới). Chưa kể việc thiết lập kiểm soát để phân biệt người trong với người ngoài khu vực Schengen có thể sẽ gây những rắc rối ngoại giao và Pháp phải chịu các biện pháp trả đũa.

Theo các chuyên gia nhận định, hiện chính trường Pháp đang bị phân cực sâu sắc và sẽ khó có thể tiến tới bất kỳ hình thức hợp tác nào giữa các đảng trong thời gian tới tại Quốc hội. Trong trường hợp khả quan nhất, một quốc hội bị các phe phái chính trị cực đoan thống trị sẽ đẩy nước Pháp vào thời kỳ bất ổn kéo dài. Tệ nhất, nó sẽ dẫn đến việc áp dụng các chính sách hoang phí và chủ nghĩa dân tộc, nhanh chóng gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ở Pháp. Một cuộc khủng hoảng ở Pháp sẽ nhanh chóng trở thành vấn đề của EU.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.