Bất ổn leo thang tại Kazakhstan

Thứ Sáu, 07/01/2022, 09:49

Kazakhstan đang trải qua tình trạng hỗn loạn tồi tệ nhất trong vòng 3 thập kỷ qua khi người biểu tình tràn xuống phố, đụng độ với cảnh sát và phóng hỏa nhiều tòa nhà chính quyền, khiến các nước láng giềng và trên thế giới quan ngại.

Nằm ở khu vực Trung Á, Kazakhstan là một đất nước rộng lớn và giàu tài nguyên, từ dầu mỏ, khí đốt đến uranium hay kim loại quý. Điều kiện tự nhiên ưu đãi đã "nuôi sống" tầng lớp trung lưu và cả một bộ phận các ông trùm siêu giàu của nước này. Tuy nhiên, Kazakhstan vẫn đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, tài chính. Mức lương trung bình của người dân trên toàn quốc chưa đến 600 USD/tháng, hệ thống ngân hàng khủng hoảng sâu do nợ xấu cũng như nạn tham nhũng vặt tràn lan, theo AP. 

2.jpg -0
Người biểu tình đứng bên ngoài Văn phòng Thị trưởng Almaty đang bốc cháy dữ dội ngày 5/1.Ảnh: Reuters.

Làn sóng biểu tình tại nước này khởi phát từ tình trạng giá nhiên liệu tăng đột biến tại một thị trấn vùng xa ở phía Tây đất nước có tên Zhanaozen. Sự tức giận của dư luận tại đây xuất phát từ việc mặc dù là khu vực giàu có về tài nguyên, tuy nhiên, người dân lại không được hưởng lợi công bằng từ sự ưu đãi của thiên nhiên. Đáng chú ý, với việc Chính phủ Kazakhstan chấm dứt chính sách trợ giá khí hóa lỏng (LPG), một nhiên liệu carbon thấp mà nhiều người Kazakhstan sử dụng cho ôtô thay xăng, giá của loại nhiên liệu này tăng gấp đôi hôm 1/1. Từ năm 2019, chính phủ nước này dần giảm trợ cấp cho LPG, với mục đích để thị trường tự điều tiết giá nhiên liệu này. Sự kiên nhẫn bị cơn tức giận thế chỗ. Cư dân ở nhiều thành phố lân cận cũng nhanh chóng tham gia vào các cuộc biểu tình, và chỉ trong vài ngày ngắn ngủi đầu năm 2022, làn sóng biểu tình lan ra khắp đất nước.

Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước ngày 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym Jomart Tokaiev cáo buộc các phần tử khủng bố được đào tạo ở nước ngoài đứng đằng sau tình trạng hỗn loạn. Trước đó, Tổng thống Kazakhstan đã thông báo giải tán chính phủ nhằm xoa dịu tình hình, đồng thời triển khai một loạt biện pháp bình ổn tình hình kinh tế xã hội, bao gồm ban hành quy định về giá nhiên liệu kéo dài trong 180 ngày, cấm tăng một số loại thuế và trợ cấp tiền thuê nhà cho một số đối tượng dễ bị tổn thương. Ông Tokaiev nhấn mạnh, chính quyền sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ lợi ích của người dân: "Tôi một lần nữa yêu cầu tất cả người dân Kazakhstan thể hiện sự lý trí trước những hành động khiêu khích cả từ bên trong lẫn bên ngoài đất nước, cũng như không tham gia các hành động vô pháp luật. Những lời kêu gọi tấn công chính phủ và các tòa nhà công quyền là hoàn toàn bất hợp pháp. Đây là một tội ác có thể bị trừng phạt. Chính ta cần sự tin tưởng và đối thoại hơn là xung đột".

Ngoài ra, ông Kassym-Jomart Tokayev kêu gọi người đứng đầu các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự gồm 6 nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Armenia và Kyrgyzstan, hỗ trợ Kazakhstan vượt qua "mối đe dọa khủng bố này". Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Kazakhstan, Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia, nước chủ tịch luân phiên của CSTO, cho biết liên minh đã thống nhất về việc triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình đến Kazakhstan "trong một thời gian nhất định". 

Đến ngày 6/1, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt". Bất chấp sự xuất hiện của lực lượng chức năng, rất đông người biểu tình vẫn tụ tập tại quảng trường tại Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan. Người phát ngôn Cảnh sát Kazakhstan, Saltanet Azirbek, cho biết cảnh sát nước này đã "vô hiệu hóa" hàng chục thành phần biểu tình quá khích cố gắng xâm phạm các tòa nhà chính phủ, theo Al Jazeera. Thậm chí, một số "đối tượng cực đoan" còn tấn công vào Sở Cảnh sát Almaty. Trước đó, nhiều người biểu tình đã đổ bộ và phóng hỏa tại Dinh Tổng thống và Văn phòng Thị trưởng Almaty, một nhóm người khác cũng xâm phạm sân bay của thành phố này khiến nhiều chuyến bay bị hủy. Bộ Nội vụ Kazakhstan ngày 6/1 thông báo ít nhất 8 sĩ quan cảnh sát và binh sĩ vệ binh quốc gia đã thiệt mạng, cùng với đó là hơn 300 người bị thương trong các cuộc biểu tình. Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga trích dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Kazakhstan đưa ra con số hơn 1.000 người bị thương trong các cuộc biểu tình, hơn 400 người phải nhập viện. 

Tình trạng bất ổn ở Kazakhstan khiến một số nước láng giềng và quốc tế "đứng ngồi không yên". Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn leo thang tại Kazakhstan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Liên hợp quốc đang theo dõi sát tình hình ở Kazakhstan. Điều rất quan trọng là tất cả các bên cần thể hiện sự kiềm chế và thúc đẩy đối thoại nhằm giải quyết mọi vấn đề". 

Chính phủ Nga ngày 5/1 cũng kêu gọi khôi phục ổn định tại Kazakhstan, đồng thời khẳng định, Nga ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề trong khuôn khổ luật pháp và hiến pháp cũng như thông qua đối thoại, chứ không phải thông qua bạo loạn đường phố và vi phạm pháp luật. Theo các chuyên gia, Nga luôn xem Kazakhstan là một đồng minh quan trọng và là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của quốc gia này tại Trung Á. Bởi vậy, Điện Kremlin có thể coi phong trào biểu tình là một thách thức với chế độ thân thiện ở quốc gia láng giềng. Bộ Ngoại giao Kyrgyztan cùng ngày cho rằng bạo lực đang diễn ra ở Kazakhstan không những không giải quyết được các vấn đề cấp bách của người dân mà còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Kyrgyztan sẵn sàng cung cấp "sự hỗ trợ toàn diện" cho Kazakhstan nếu cần thiết.

Tiến Dũng
.
.
.