Ba "ông lớn" châu Âu mang thông điệp gì đến Ukraine?

Thứ Sáu, 17/06/2022, 09:29

Ukraine đang liên tục gửi đi yêu cầu viện trợ tới châu Âu, tại thời điểm cuộc chiến với Nga bước vào giai đoan then chốt. Trong khi đó, dòng chảy khí tài từ phương Tây đến Ukraine có nguy cơ cạn kiệt. Chuyến thăm Kiev của ba "ông lớn" châu Âu ngày 16/6, nhiều khả năng, sẽ hé lộ "sự lựa chọn" của châu Âu đối với chiến sự Nga-Ukraine hiện nay.

Reuter ngày 16/6 đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italia Mario Draghi đã đến Kiev trong chuyến công du chung đầu tiên kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022 tại Ukraine.

Tại sân ga ở Thủ đô Ukraine, khi được hỏi về lý do đến thăm Kiev, Tổng thống Pháp Macron trả lời: "Vì thông điệp về sự đoàn kết của châu Âu". Trước chuyến đi, ông Macron cũng từng tuyên bố: "Chúng ta - châu Âu - đang ở thời điểm cần gửi đi những tín hiệu chính trị rõ ràng đến Ukraine và người dân nước này vào thời điểm Ukraine đang chống cự một cách anh dũng". Trên thực tế, Đức, Pháp và Italia đang hứng chịu nhiều chỉ trích của Ukraine vì sự hỗ trợ "cầm chừng" và vẫn chưa viện trợ vũ khí hạng nặng với số lượng lớn cho chính quyền Kiev.

Ba
Ba nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italia trên tàu đến Kiev, Ukraine. Ảnh: La Repubblica.

Chuyến thăm của 3 nhà lãnh đạo tại châu Âu cũng diễn ra vào thời điểm chiến sự tại Ukraine có những diễn biến bước ngoặt. AP dẫn lời quan chức Ukraine ngày 15/6 thừa nhận, phía Nga đạt bước tiến đáng kể trong kế hoạch bao vây, giành quyền kiểm soát thành phố Severodonetsk - một nhân tố quan trọng giúp Moscow tiến thêm một bước nữa trong mục tiêu kiểm soát vùng Donbass. Theo CNN, đây chính là giai đoạn then chốt trong chiến sự tại Ukraine, và cục diện chiến sự ở Ukraine sắp trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. "Tôi nghĩ rằng chúng ta sắp đạt đến điểm mà một trong hai bên sẽ gặt hái thành công", một quan chức NATO giấu tên nói trên CNN. "Đó có thể là Nga đạt bước tiến tới Slovyansk và Kramatorsk ở tỉnh Donetsk, hoặc quân đội Ukraine chặn được bước tiến của Nga", CNN nhận định. Đà tiến trên chiến trường là minh chứng mới nhất cho thấy phía Nga đang áp đảo về vũ khí, hỏa lực trước Ukraine. Các chiến thuật của Ukraine trong giai đoạn đầu cuộc chiến gần như không hiệu quả khi cuộc xung đột đã chuyển sang khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine, nơi Nga đang dựa vào lợi thế về pháo tầm xa.

Thực tế này cũng giải thích cho việc Ukraine ngày một lớn tiếng kêu gọi phương Tây viện trợ pháo và vũ khí hiện đại tầm xa, nhằm nhanh chóng chiếm lại ưu thế trên chiến trường. Reuters nhận định, khả năng chiến đấu của Ukraine trong xung đột với Nga hiện nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ chuyển giao và số lượng vũ khí hạng nặng được cung cấp từ phương Tây. Đây là lúc Ukraine cần viện trợ của châu Âu hơn bao giờ hết!

Đáp lại đề nghị từ phía Ukraine, tại phiên họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 15/6 tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nước NATO đã thống nhất sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả các loại vũ khí hạng nặng lẫn các hệ thống tấn công tầm xa, và gói viện trợ cụ thể sẽ được thông báo khi các nước NATO nhóm họp Thượng đỉnh vào cuối tháng này tại Tây Ban Nha. Trong khi NATO chưa công bố cụ thể các loại vũ khí sẽ viện trợ cho Ukraine thì trong chiều 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ thêm cho Ukraine một gói thiết bị quân sự tiếp theo trị giá 1 tỷ USD, trong đó bao gồm nhiều loại pháo tầm trung cũng như tên lửa chống hạm. Hiện tại, Mỹ vẫn là nước đang viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine.

Tuy nhiên, trước khi cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra tại Brussels, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar ngày 14/6 cho biết, nước này mới nhận được 10% số vũ khí mà họ yêu cầu phương Tây cung cấp để chống lại chiến dịch quân sự của Nga. Phía Ukraine cũng chỉ trích mạnh các nước châu Âu về việc hứa hẹn cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng đến nay vẫn chưa chuyển giao. Các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá, hiện tại các nước phương Tây đang ngày càng khó đáp ứng yêu cầu từ phía Ukraine do nguồn vũ khí dự trữ tại các nước đều đã sắp cạn kiệt. Trong khi đó, về mặt chính trị, cuộc chiến tại Ukraine hiện đang bắt đầu gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ các nước châu Âu.

Theo một cuộc khảo sát được Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR) tiến hành mới đây với gần 10 nghìn người tại 9 quốc gia châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, hiện số người dân châu Âu lo lắng vì giá cả leo thang, kinh tế khó khăn đã nhiều hơn số người muốn châu Âu giúp đỡ Ukraine đến cùng trong cuộc chiến với Nga. Đây là lúc, các nhà lãnh đạo phương Tây cần phải quyết định xem có nên tăng gấp đôi việc trang bị vũ khí cho Ukraine hay gây sức ép mạnh hơn đối với các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh. Vì lẽ đó, chuyến đi tới Kiev của ba nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italia được kỳ vọng sẽ vượt lên ý nghĩa biểu tượng đơn thuần và đưa ra hành động rõ ràng hơn.

An Nhiên
.
.
.