Australia và thỏa thuận tàu ngầm AUKUS

Thứ Hai, 20/03/2023, 06:07

Hồi đầu tuần trước, lãnh đạo 3 nước thuộc liên minh AUKUS, gồm Mỹ, Anh, Australia ngày 13/3 đã chính thức công bố thỏa thuận cho phép Australia lần đầu tiên có thể sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tiến tới tự sản xuất loại khí tài tối tân này.

Theo thỏa thuận có tên gọi dự án AUKUS, Mỹ sẽ bán 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia cho Australia vào đầu thập niên tới và Canberra có thể mua thêm 2 chiếc nữa nếu cần thiết. Theo dự kiến, tàu ngầm Virginia đầu tiên sẽ được Mỹ chuyển giao cho Australia vào năm 2033, tàu thứ 2 chuyển giao vào năm 2036 và tàu thứ 3 chuyển giao vào năm 2039.

1.jpg -0
Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia chính thức công bố thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân. Ảnh: Independent.

Việc trang bị hạm đội tàu ngầm này đã góp phần hiện đại hóa và gia tăng năng lực cho lực lượng quốc phòng Australia. Tuy vậy đây là một dự án lớn nên trong dư luận Australia những ngày qua đã đặt ra câu hỏi rằng liệu nước này có thật sự cần trang bị tàu ngầm chạy bằng hạt nhân hay không? Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles ngày 19/3 cho biết, hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp đảm bảo sự an toàn cho khu vực nơi mà các tàu thương mại của Australia qua lại. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta là một quốc gia thương mại nhưng lại nằm trên đảo, cách xa những nơi mà chúng ta xuất khẩu hàng hóa, điều này có nghĩa là chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường thương mại trên biển… Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể ở dưới nước hàng tháng, hạn chế duy nhất là thực phẩm cho thủy thủ. Vì thế mà chúng ta cần sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai”.

Bên cạnh đó, ông Richard Marles cho biết thêm rằng, hơn 90% giá trị trao đổi thương mại của Australia đến từ các con tàu. Nếu vào những năm 1990 thương mại chiếm 32% GDP của Australia thì đến những năm 2020, thương mại chiếm tới 45% GDP. Cụ thể, đối với nhiên liệu hóa lỏng, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles, nếu như những năm 1990 Australia có 8 nhà máy lọc dầu ở trong nước thì hiện đã giảm xuống còn 2. Và hiện tại đa phần nhiên liệu lỏng của Australia đều phải nhập khẩu từ Singapore. Vì vậy, ông Richard Marles khẳng định, Hải quân Australia cần đủ năng lực để có thể ngăn chặn các yếu tố làm gián đoạn các tuyến đường thương mại cũng như sự kết nối của Australia đối với thế giới. Trong bối cảnh hiện tại, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là phương tiện cần thiết để giúp Australia đạt được các mục tiêu này.

Thỏa thuận nói trên được công bố trong bối cảnh Australia muốn thay thế hạm đội tàu ngầm lớp Collins chạy diesel bằng các tàu sử dụng năng lượng hạt nhân, có khả năng tàng hình và di chuyển xa hơn. Việc hợp tác với Mỹ và Anh trong khuôn khổ thỏa thuận sẽ giúp Australia thu hẹp khoảng cách khi các tàu ngầm lớp Collins ngừng hoạt động vào những năm 2030. Tuy nhiên, việc này lại đang đặt ra một số vấn đề khiến dư luận nước này lo ngại. Lo ngại đầu tiên đó là về vấn đề kinh phí. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết kế hoạch trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này có giá trị lên đến 368 tỷ AUD. Điều này có nghĩa là trong khoảng 3 thập niên tới, mỗi năm, nước này sẽ phải trích 0,15% GDP để chi cho dự án này bao gồm cả việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm và duy trì hoạt động của các tàu ngầm. Và đây là khoản tiền không nhỏ đối với Australia.

Vấn đề mà các đảng phái chính trị và người dân nước quan tâm là chính phủ sẽ phải thu xếp thế nào để có đủ nguồn tài chính cho dự án này và những dự án nào sẽ phải cắt giảm để dành tiền cho dự án này. Hiện tại dư luận Australia cho rằng chính phủ nước này có thể sẽ phải lấy tiền từ các dự khác quốc phòng khác, cắt giảm trợ cấp cho người khuyết tật và có thể là cắt giảm cả kinh phí cho ngành y tế, nhà ở và một số dịch vụ khác nữa. Bên cạnh đó, cựu Thủ tướng Australia Malcom Turnbull cũng cho biết, nhiều khả năng, chi phí cho dự án này trên thực tế sẽ cao hơn nhiều so với con số ước tính vì thế không loại trừ khả năng số tiền chi cho dự án này sẽ nhiều hơn con số 368 tỷ AUD.

Lo ngại thứ hai đang tồn tại ở Australia chính là vấn đề an toàn hạt nhân và xử lý rác thải hạt nhân. Trong thỏa thuận trang bị tàu ngầm vừa đạt được với Australia, “Anh và Mỹ cam kết cung cấp toàn bộ vật liệu hạt nhân đồng thời cho biết các tổ máy điện hạt nhân không cần tiếp nhiên liệu trong suốt thời gian sử dụng tàu ngầm”. Cam kết này cho thấy có thể Australia không tham gia vào quá trình chế tạo các tổ máy điện hạt nhân nên dường như không cần lo ngại quá nhiều về vấn đề an toàn hạt nhân trong quá trình này. Tuy vậy rủi ro vẫn có thể xuất hiện trong quá trình lắp đặt, sử dụng tại Australia cũng như việc xỷ lý nhiên liệu hạt nhân khi tàu ngầm hết hạn sử dụng. Trong thỏa thuận Australia cũng đã cam kết “quản lý tất cả chất thải phóng xạ được tạo ra trong chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, bao gồm cả nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng” tại nước này. Điều này có nghĩa là Australia sẽ cần có cơ sở để xử lý các chất thải này cũng như nhiên liệu hạt nhân trên các tàu đã hết hạn sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo các bang Victoria, Queensland, Nam Australia đã gửi đi tín hiệu về việc không muốn xây dựng cơ sở xử lý rác thải hạt nhân tại bang của mình. Thủ hiến bang Tây Australia Mark Gowan thẳng thừng từ chối khả năng xây dựng cơ sở xử lý rác thải hạt nhân tại bang này và cho rằng, khu vực đất quốc phòng rộng lớn nằm ở Woomera thuộc phía Tây Bắc bang Nam Australia là địa điểm thích hợp nhất cho các cơ sở này.

Trong thỏa thuận trang bị tàu ngầm mà Australia vừa đạt được với Anh và Mỹ, ban đầu, nước này sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ và tàu đầu tiên có thể được chuyển giao vào năm 2033 để kịp thay thế tàu ngầm lớp Collins hết hạn sử dụng vào cùng thời điểm. Trong lúc này, Australia cũng chuẩn bị để có thể tự chế tạo 8 tàu ngầm thế hệ mới SSN AUKUS do Anh thiết kế và sử dụng công nghệ Mỹ.

Australia, Mỹ và Anh chỉ mới công bố một số vấn đề cơ bản về thỏa thuận trang bị tàu ngầm cho Australia và hiện còn rất nhiều chi tiết cụ thể về thỏa thuận chưa được công bố và cần được các bên tiếp tục thảo luận. Về phía nội bộ Australia, nước này cũng đang trong quá trình chuẩn bị về mặt nhân sự và cơ sở hạ tầng liên quan vì thế nhiều chi tiết cũng chưa có giải pháp hoặc chưa được công bố. Dư luận Australia kỳ vọng, trong thời gian tới, khi chính phủ công bố bản đánh giá tổng thể lực lượng quốc phòng cũng như kế hoạch ngân sách cho năm tài chính 2023-2024, một số khúc mắc trong số này sẽ được dần được sáng tỏ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.