Áp lực quốc tế gia tăng khi Israel rải bom khắp Gaza

Thứ Ba, 14/05/2024, 07:01

Xe tăng của Israel, dưới sự yểm trợ của hỏa lực lớn từ trên không và trên bộ, đã tiến sâu hơn vào Jabalia ở phía Bắc Dải Gaza ngày 13/5, trong khi các cuộc không kích tại Rafah ở phía Nam vẫn tiếp tục, gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Ngày 12/5, xe tăng của bắt đầu Israel tiến vào Jabalia ở phía Bắc Dải Gaza sau một đêm rải bom dữ dội trên không và trên bộ, khiến 19 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Đây là khu vực bị cô lập nhiều tháng qua sau các vụ tấn công của Israel, đồng thời là nơi mà Liên hợp quốc (LHQ) nhận định là đang xảy ra “nạn đói toàn diện”. Các cuộc tấn công của Israel vào Rafah cũng khiến những người dân tị nạn, vốn phải chạy trốn khỏi chiến sự ở phía Bắc, tiếp tục phải di dời. Cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết, gần 360.000 người hiện đã chạy trốn khỏi Rafah kể từ khi Israel ban hành lệnh sơ tán vào ngày 6/5. “Không có nơi nào để đi cả. Sẽ không có sự an toàn nếu không có lệnh ngừng bắn”, cơ quan này cho biết trên mạng xã hội X.

Áp lực quốc tế gia tăng  khi Israel rải bom khắp Gaza -0
Israel dội bom trại tị nạn ở Jabalia, phía Bắc Dải Gaza. Ảnh Reuters.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thay mặt chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra những lời chỉ trích công khai mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về cách thức Israel tiến hành cuộc chiến ở Gaza, cho rằng các chiến thuật của Israel đi kèm với “sự mất mát khủng khiếp về sinh mạng của thường dân vô tội” mà không thể vô hiệu hóa các thủ lĩnh và chiến binh Hamas. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, ông Blinken nhấn mạnh, Hamas đã tái xuất hiện ở một số khu vực của Gaza, với nguy cơ kéo dài cuộc chiến nếu Israel không có kế hoạch tránh sa lầy ở Gaza và kế hoạch quản trị thời hậu chiến. Ông nói thêm rằng Mỹ đã làm việc với các nước Arab và các nước khác trong nhiều tuần qua để phát triển “các kế hoạch đáng tin cậy về an ninh, quản trị và tái thiết” ở Gaza, nhưng không có bất cứ sáng kiến nào từ Israel. Trong cuộc điện đàm mới đây với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, ông Blinken tái khẳng định sự phản đối của Mỹ đối với cuộc tấn công ngày càng leo thang của Israel ở Rafah, kêu gọi tạo điều kiện hơn nữa cho hàng viện trợ vào Gaza.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong điện đàm với người đồng cấp Israel, Tzachi Hanegbi, cũng nêu lên mối lo ngại về một chiến dịch trên bộ ở Rafah và thảo luận về “các phương án hành động thay thế” nhằm đảm bảo Hamas bị đánh bại. Ông Sullivan bảo vệ quyết định của Tổng thống Mỹ về việc tạm dừng vận chuyển bom cực mạnh tới Israel, cho rằng “sẽ có thương vong dân sự lớn” nếu số bom đó được thả xuống Rafah. Ông nói thêm rằng hoạt động hiện nay của Israel khó có thể đánh bại Hamas mà ngược lại còn gây ra tổn hại nghiêm trọng.

Những chỉ trích công khai của các quan chức cấp cao Mỹ được đưa ra sau những căng thẳng ngày càng tăng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cách thức tiến hành chiến tranh. Chính quyền Mỹ muốn tạo áp lực lên Israel trong bối cảnh phải đối mặt với những áp lực trong nước về việc hỗ trợ đồng minh, thể hiện rõ nhất ở các cuộc biểu tình tại các trường đại học Mỹ. Làn sóng phản đối của công chúng Mỹ có thể tạo ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Các quốc gia Arab khác cũng đang tạo sức ép ngoại giao buộc Israel dừng kế hoạch tấn công Rafah. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 12/5 cho rằng cần có “ý chí chính trị” để tạo ra kết quả trong cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Ai Cập cũng mới thông báo ý định chính thức tham gia vụ kiện cùng Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế với cáo buộc Israel “phạm tội diệt chủng ở Gaza”. Ai Cập cũng phát tín hiệu với Mỹ và các chính phủ châu Âu rằng cuộc tấn công đã đe dọa hiệp ước hòa bình kéo dài hàng thập kỷ với Israel - nền tảng của sự ổn định khu vực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng lên tiếng cho rằng Mỹ và các nước châu Âu “chưa làm đủ để gây áp lực buộc Israel đồng ý ngừng bắn ở Gaza”. “Hamas đã thực hiện một bước rất quan trọng trên con đường hướng tới lệnh ngừng bắn lâu dài. Phản ứng của chính phủ Israel vẫn không thay đổi, tiếp tục tấn công ở Rafah. Liệu Thủ tướng Netanyahu có thấy những hậu quả nghiêm trọng nào đối với hành vi của mình hay không? Không. Cả châu Âu và Mỹ đều chưa thể hiện phản ứng đáng kể nào để buộc Israel phải ngừng bắn”, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng. Trong một diễn biến khác, thêm một quốc gia là Slovenia tuyên bố đang khởi xướng thủ tục công nhận Nhà nước Palestine như một hình thức đòn bẩy nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza. Phía Slovenia cho rằng, sự công nhận sẽ là “động lực để các cuộc đàm phán này tiến hành nhanh hơn”.

Tại Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế diễn ra ở Kuwait mới đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng kêu gọi ngừng bắn “ngay lập tức” trong cuộc chiến Israel-Hamas. Trong khi đó, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah đi ngược lại với “luật nhân đạo quốc tế”. Các quan chức LHQ cảnh báo rằng một cuộc tấn công toàn diện có thể cản trở hoạt động nhân đạo và khiến ngày càng nhiều dân thường thiệt mạng.

Bất chấp sự phản đối của quốc tế, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong bài phát biểu Ngày Tưởng niệm tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành chiến thắng để “tưởng nhớ những người thiệt mạng trong chiến tranh”. Ông Netanyahu đã bác bỏ các kế hoạch thời hậu chiến do Mỹ đề xuất cho chính quyền Palestine. Tại Tel Aviv, hàng trăm người biểu tình đã đứng bên ngoài trụ sở quân đội và thắp nến trong tiếng còi báo động kéo dài một phút, yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức để trả lại con tin. Vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 đã giết chết khoảng 1.200 người, hơn 200 người bị bắt cóc. Trong khi đó, theo Cơ quan Y tế Gaza, cuộc tấn công của Israel đã giết chết hơn 35.000 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.