Ẩn số chuyến công du dài ngày của ngoại trưởng Trung Quốc tới 5 nước ASEAN

Thứ Ba, 05/07/2022, 07:21

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây đã đến Myanmar để tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng về cơ chế Hợp tác Lan Thương - Mekong, bắt đầu chuyến công du dài ngày đến 5 quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gay gắt.

Tờ nhật báo Nhân dân của Trung Quốc trích dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao nước này cho biết, chuyến thăm 5 nước Đông Nam Á của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ kéo dài 12 ngày từ ngày 3-14/7 với một lịch trình dày đặc. Ông Vương Nghị ngày 3/7 đã đến Bagan, Myanmar, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du. Được biết, ông là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến Myanmar kể từ sau cuộc chính biến tại đất nước Đông Nam Á này hồi tháng 2/2021. Tại đây, ông sẽ đồng chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 7 cơ chế Hợp tác Lan Thương - Mekong, với sự tham dự của Ngoại trưởng các nước hạ lưu sông Mekong, gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh vấn đề quản lý nguồn nước và xây dựng đập thủy điện trên con sông quan trọng này.

8.jpg -0
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh Getty Images.

Điểm đến tiếp theo của Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ là Thái Lan, nước chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2022. Trong chuyến thăm Thái Lan kéo dài 2 ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị dự kiến sẽ tới chào xã giao Thủ tướng nước chủ nhà Prayut Chan-o-cha và có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai. Theo các quan chức ngoại giao Bangkok, nội dung thảo luận giữa hai bên sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ Thái Lan - Trung Quốc nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong năm nay. Hai bên cũng thảo luận về thúc đẩy hợp tác thương mại hậu đại dịch COVID-19, bao gồm việc tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc, đầu tư và kết nối như việc liên kết tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào với hệ thống đường sắt của Thái Lan.

Tiếp đến, ông Vương sẽ thăm Philippines và Malaysia, trước khi đến Indonesia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Ngoại trưởng G20. Tại Philippines, ông Vương dự kiến gặp người đồng cấp Enrique Manalo, người mới được Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. bổ nhiệm hôm 1/7. Tân Ngoại trưởng Philippines, từng giữ chức vụ Đại sứ nước này tại Liên hợp quốc, được cho là người có quan điểm ôn hòa, ủng hộ cách tiếp cận cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc của Tổng thống Marcos. Trước đó không lâu, hôm 30/6, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng vừa dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Philippines. Như vậy, hai quan chức cấp cao của Trung Quốc đã liên tiếp đến thăm quốc gia này không lâu sau khi Philippines có Tổng thống mới, một động thái mà theo giới chuyên gia cho thấy sự chủ động cũng như quyết tâm ổn định và củng cố mối quan hệ với Manila, tích cực tác động và định hình mối quan hệ giữa hai nước trong những năm tới của Bắc Kinh.

Không chỉ Philippines, theo giới quan sát, Trung Quốc dường như đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ và gia tăng ảnh hưởng với các nước khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt. Chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Hứa Lợi Bình cho biết, quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines hay hầu hết các nước khác trong khu vực sẽ ổn định trong tương lai gần. Bất chấp những nỗ lực và cam kết gần đây của Mỹ, Washington vẫn đang phân tâm bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và ưu tiên hàng đầu của họ trong khu vực vẫn là đảm bảo sự ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đây không phải chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á của ông Vương Nghị trong năm nay. Đáng chú ý, chuyến thăm mới nhất này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á hồi tháng 5 và ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đối đầu với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Thêm nữa, chỉ trong vài tuần qua, ông Vương Nghị cũng đã công du đến khu vực Nam Thái Bình Dương và Trung Á trong bối cảnh Washington cũng thúc đẩy các nỗ lực để gia tăng vị thế và ảnh hưởng tại các khu vực này.

Trong một tuyên bố hồi cuối tuần trước khi thông báo về chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, nước này gửi gắm nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này. Ông nhấn mạnh, các quốc gia Đông Nam Á là “đối tác quan trọng chia sẻ lợi ích chung và tìm kiếm sự phát triển chung” với Trung Quốc. Ông cho rằng chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đứng trước những “bất ổn và thay đổi”, do vậy ông kêu gọi hai bên cùng nhau đối mặt với khó khăn, mạnh mẽ duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cùng nhau tạo dựng một điểm cao phát triển năng động và tiềm năng nhất.

Cũng theo ông Triệu, Bắc Kinh hy vọng sẽ làm sâu sắc hơn liên lạc chiến lược, cùng xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao với các nước đến thăm, đồng thời cho biết, Trung Quốc sẽ cùng các nước này thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu, cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì ổn định và trị an, đóng góp lớn hơn cho sự phát triển hòa bình của khu vực và trên thế giới.

Tiến Anh
.
.
.