Ấn Độ nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong lòng G20

Thứ Sáu, 03/03/2023, 07:05

Hội nghị Ngoại trưởng (FMM) Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chính thức khai mạc tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 2/3, với sự tham gia của hơn 40 nhà ngoại giao hàng đầu đến từ các nước khác nhau và đại diện 13 tổ chức quốc tế.

Trong bài phát biểu trực tuyến gửi tới phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã nhắc lại phương châm và chủ đề của Chủ tịch G20 Ấn Độ: "Một Trái đất. Một gia đình. Một tương lai". Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi các nước không để những căng thẳng hiện nay phá hủy các thỏa thuận có thể đạt được về an ninh, lượng thực hay biến đổi khí hậu. "Chúng ta có cuộc họp hôm nay trong bối cảnh có sự chia rẽ toàn cầu sâu sắc. Tất cả chúng ta đều có lập trường và quan điểm của mình về cách giải quyết căng thẳng này".

Ấn Độ nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong lòng G20 -0
Hội nghị FMM G20 khai mạc tại New Delhi ngày 2/3. Ảnh Getty Images

Ông nhấn mạnh "quản trị toàn cầu đã thất bại", cho rằng các nước nên thừa nhận rằng chủ nghĩa đa phương hiện đang "khủng hoảng", không ứng phó được những thách thức cấp bách nhất của thế giới trong vài năm qua như tình trạng khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và chiến tranh. "Chúng ta không nên để những vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết cùng nhau cản trở những vấn đề chúng ta có thể", ông Modi nói thêm. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới nguy cơ thụt lùi trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và việc các nước giàu "đồng lõa" góp phần đáng kể vào sự nóng lên toàn cầu.

Hội nghị FMM G20 lần này diễn ra trong bối cảnh các nước đối mặt với những rạn nứt ngày càng sâu sắc, đặc biệt là về vấn đề chiến sự Ukraine. Là nước giữ ghế chủ tịch G20 năm nay nhưng mối quan hệ an ninh lâu dài giữa New Delhi với Moscow đã đặt nước chủ nhà vào một tình thế khó xử. Ấn Độ, một khách hàng mua lượng lớn vũ khí và năng lượng của Nga, đã không trực tiếp lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước sang năm thứ hai. New Delhi mong muốn hướng các cuộc đàm phán tới các vấn đề ảnh hưởng đến Nam bán cầu, chẳng hạn như xóa đói giảm nghèo và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các đại biểu từ châu Âu và Mỹ vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, nhấn mạnh sẽ tận dụng cuộc họp để buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột.

Phát biểu bên lề cuộc họp, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết Nga phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc chiến và phải tiếp tục bị trừng phạt. Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cũng cho biết G20 "cần đưa ra các giải pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, thay vì để họ phải chịu đựng cuộc chiến của Nga", đồng thời, quy trách nhiệm cho Nga về "những hậu quả tiêu cực đối với hầu hết mọi quốc gia trên hành tinh".

Sự rạn nứt còn thể hiện ở chỗ mặc dù những nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc và Nga đều cùng dự cuộc họp sáng 2/3, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Blinken sẽ gặp riêng với những người đồng cấp đến từ hai nước còn lại, trong khi lại có kế hoạch hội đàm với quan chức từ Brazil, Indonesia, Nigeria và Nam Phi.

Giống như các sự kiện quốc tế khác được tổ chức từ năm ngoái, sự chia rẽ về cuộc chiến ở Ukraine và tác động đến an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu luôn phủ bóng các vấn đề khác. Bất đồng quan điểm liên quan tới xung đột Ukraine vốn cũng là nguyên nhân khiến Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 hồi tuần trước không đạt được tuyên bố chung. Tại cuộc họp này, ông Modi kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu giúp đỡ những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới và "mang lại sự ổn định, niềm tin và tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu". Sự thiếu đồng thuận tại cuộc họp của các quan chức tài chính G20 đã phản ánh kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 năm ngoái tại Bali, khi nước chủ nhà Indonesia đưa ra tuyên bố thừa nhận sự khác biệt giữa các quốc gia.

Bên cạnh vấn đề liên quan tới tình hình Ukraine, mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một trong những thách thức không nhỏ đối với khả năng thành công của Ấn Độ trong việc chủ trì FMM G20. Gần đây, hai cường quốc này đã có những bất đồng sau khi quân đội Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc, viện dẫn lý do an ninh. Phía Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu là một thiết bị nghiên cứu dân sự vô tình bị thổi bay, đồng thời gọi phản ứng của Mỹ là thái quá. Mới đây, đề xuất hòa bình do Trung Quốc đưa ra cho Ukraine đã nhận được sự hưởng ứng từ Nga nhưng lại bị phương Tây bác bỏ.

Việc Ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố không tham dự hội nghị lần này cũng được cho sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực của Ấn Độ kêu gọi sự đoàn kết nội khối để giải quyết và thu hẹp những bất đồng liên quan tới các vấn đề chính trị, ngoại giao mà khu vực và thế giới đang đối mặt. Quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc, đặc biệt là tranh chấp biên giới, cũng là vấn đề đặt ra cho Ấn Độ tại hội nghị này.

Những rạn nứt trên đã khiến Ấn Độ rơi vào tình thế khó khăn trong việc cố gắng hòa giải những khác biệt rõ ràng không thể hòa giải. Cuộc họp đặc biệt quan trọng đối với hy vọng của Ấn Độ trong việc sử dụng vai trò chủ tịch của nhóm để thúc đẩy vị thế của mình trên trường toàn cầu và áp dụng lập trường trung lập về Ukraine để tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Ấn Độ hy vọng sẽ ngăn chặn những thất bại trước đó của các hội nghị bộ trưởng G20, nhưng các chuyên gia đánh giá triển vọng này có vẻ mờ mịt.

Duy Tiến

.
.
.