Ấn Độ-Mỹ tăng cường kết nối với khu vực Thái Bình Dương
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken liên tiếp gặp gỡ lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác về thương mại, biến đổi khí hậu và an ninh, trong bối cảnh khu vực chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc.
Rời Nhật Bản sau khi dự các sự kiện xung quanh Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong hai ngày 21 và 22/5 có chuyến thăm chính thức đến Papua New Guinea, nơi ông hội đàm với lãnh đạo nước chủ nhà, sau đó chủ trì Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ và Các đảo Thái Bình Dương (FIPIC). Khi đặt chân đến thủ đô Port Moresby tối 21/5, ông được chào đón bằng nghi lễ trang trọng với 19 phát đại bác, khác với truyền thống không tiếp lãnh đạo nước ngoài sau khi mặt trời lặn của quốc đảo. Đích thân Thủ tướng Papua New Guinea James Marape đón ông Modi ở sân bay.
Ông Marape còn cúi người xuống và chạm vào chân ông Modi, hành động thể hiện sự tôn trọng trong văn hóa Ấn Độ. “Tôi rất cảm ơn Thủ tướng Marape vì đã đến sân bay tiếp đón. Đây là một cử chỉ đặc biệt mà tôi nhớ mãi. Tôi mong chờ tăng cường các mối quan hệ giữa Ấn Độ và đất nước tuyệt vời này”, Thủ tướng Modi viết trên Twitter.
Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Ấn Độ thăm Papua New Guinea. Tại các cuộc gặp song phương, lãnh đạo hai nước đã thảo luận về loạt biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, y tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát biểu khai mạc diễn đàn FIPIC với sự xuất hiện của lãnh đạo 14 nước thành viên, ông Modi khẳng định, New Delhi sẽ trở thành đối tác tin cậy của các quốc đảo nhỏ gặp khó khăn do chuỗi cung ứng gián đoạn và biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Đáng chú ý, ông Modi cho hay, nỗ lực tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương là nội dung được thống nhất bởi cả nhóm Bộ Tứ, gồm Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khả năng và kinh nghiệm của mình về công nghệ kỹ thuật số, công nghệ vũ trụ, an ninh y tế, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, ông Modi nói. Trước đó, ông Modi từng kêu gọi cải tổ Liên Hợp Quốc theo hướng coi trọng hơn tiếng nói của các quốc gia đang phát triển.
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Papua New Guinea Marape đề nghị Ấn Độ nghĩ đến các quốc đảo nhỏ “chịu hậu quả trong cuộc chơi của các quốc gia lớn”. Ông Marape lấy ví dụ về việc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine góp phần khiến giá năng lượng cao, gây hệ quả tiêu cực với các nền kinh tế nhỏ. Đáng chú ý, ông Marape khẳng định, nhóm quốc đảo Thái Bình Dương coi Ấn Độ là lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển ở khu vực, cam kết ủng hộ New Delhi tại các diễn đàn quốc tế.
Kết thúc chuyến thăm Papua New Guinea, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ tới Australia, quốc gia có tầm ảnh hưởng đáng kể ở khu vực. Giới chuyên gia nhận định, cùng với vai trò ngày càng nổi bật của Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ, New Delhi đang xuất hiện trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngay sau chuỗi sự kiện với sự góp mặt của Thủ tướng Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đến Papua New Guinea và trực tiếp kí thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Washington và Port Moresby, đồng thời có cuộc họp với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương đang có mặt dự FIPIC. Theo lịch trình ban đầu, Tổng thống Joe Biden sẽ xuất hiện ở Papua New Guinea, nhưng ông đã phải trở về nước ngay sau Hội nghị G7 để giải quyết bế tắc trong các cuộc đàm phán về nâng trần nợ công.
Ngoại trưởng Blinken thông tin, thỏa thuận quốc phòng với Papua New Guinea “hoàn toàn minh bạch” và hai quốc gia sẽ là các “đối tác bình đẳng”. Reuters dẫn tuyên bố của Chính phủ Papua New Guinea cho biết, thỏa thuận sẽ giúp thúc đẩy cơ sở hạ tầng an ninh và khả năng phòng thủ của nước này sau nhiều thập kỷ không được đầu tư. Thỏa thuận cũng mở đường để lực lượng quân sự của Mỹ tiếp cận một số cơ sở của Papua New Guinea, tăng cường mối liên kết an ninh của Washington tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
AlJazeera tiết lộ thêm, hai bên còn kí văn kiện về việc Mỹ triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển tham gia tăng cường giám sát hàng hải đối với vùng đặc quyền kinh tế của Papua New Guinea. Ngoại trưởng Blinken sau đó hứa hẹn mối quan hệ đối tác giữa hai bên có thể mang lại các khoản đầu tư mới trị giá nhiều tỷ USD dành cho quốc đảo Thái Bình Dương. Thủ tướng Marape thì xác nhận, các thỏa thuận với Mỹ sẽ kéo theo sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ trong thập kỉ tới.
Các nỗ lực xích lại gần hơn với các quốc đảo ở Thái Bình Dương được Ấn Độ và Mỹ thực hiện trong bối cảnh khu vực này ghi nhận tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc. Washington và các đồng minh năm ngoái tỏ ra sốt sắng khi Bắc Kinh kí kết một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon. Trong tuyên bố mới đây, Papua New Guinea đã trấn an rằng thỏa thuận quốc phòng với Mỹ “không mang mục đích địa chính trị” và không ngăn cản hợp tác với các nước khác, bao gồm Trung Quốc.