Nhận “quả đắng” do hám lợi, cho vay tiền lãi suất cao

Thứ Bảy, 31/08/2024, 07:46

Thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Công an các địa phương đóng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, vì sự chủ quan, hám lợi lãi suất cao nên không ít người đã mất cả vốn lẫn lời khi cho người khác vay tiền đáo hạn ngân hàng.

Gần đây, một số người dân ở TP Huế đã gửi đơn thư đến Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Lê Trung Đức (SN 1994, trú tại phường Đông Ba, TP Huế) bằng hình thức vay tiền đáo hạn ngân hàng.

Từ thông tin người dân cung cấp, qua công tác xác minh, điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ, Đức từng là nhân viên tín dụng của một ngân hàng có chi nhánh đóng tại phường Tây Lộc, TP Huế. Để có thể vay mượn tiền của nhiều người, Đức cho biết đang cần một số tiền lớn để đáo hạn các khoản vay ngân hàng và hứa hẹn sẽ trả lãi suất cao. Do tin tưởng nên nhiều người ở TP Huế đã cho Đức vay tiền với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng.

Có được tiền, Đức lao vào đầu tư mua vàng và tiền điện tử Bitcoin trên sàn Exness nhưng sau đó thua lỗ và không có khả năng chi trả. Sau nhiều lần gọi điện thoại đòi lại khoản tiền cho vay nhưng đối tượng Đức biện lý do trốn tránh, không nghe máy nên các chủ nợ đã làm đơn trình báo hành vi của Đức gửi đến cơ quan Công an. Qua điều tra, xác định Đức có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên vào giữa tháng 8 mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành bắt giữ Đức để xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài Lê Trung Đức, có nhiều người, thậm chí có cả nhân viên ngân hàng lợi dụng công việc quản lý nợ, mối quan hệ trong giao dịch tài chính rồi đưa ra thông tin gian dối nhằm mục đích vay tiền đáo hạn ngân hàng, sau đó dùng thủ đoạn chiếm đoạt tiền của người cho vay.

Nhận “quả đắng” do hám lợi, cho vay tiền lãi suất cao -0
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ Lê Trung Đức về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án mà ngày 27/8 vừa qua, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Lê Na (SN 1981, trú tại phường Xuân Phú, TP Huế) bị tuyên phạt 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là nhân viên giao dịch của một ngân hàng đóng tại TP Huế.

Bằng thủ đoạn vay tiền đáo hạn ngân hàng và trả lãi suất cao, Na đã khiến nhiều người dân ở TP Huế sập bẫy lừa, với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng. Sau khi chiếm đoạt số tiền này, Na dùng trả nợ và sử dụng vào mục đích cá nhân rồi không thể chi trả.

Cụ thể, do có quen biết với anh Võ Nguyễn H.P. (trú phường An Đông, TP Huế) nên khi anh P. đến ngân hàng đặt vấn đề với Na nâng hạng mục gói vay đang thế chấp nhà đất từ 3 tỷ đồng lên thành 5 tỷ đồng thì Na đồng ý thẩm định, giải ngân và cho anh P. vay thêm số tiền 1,8 tỷ đồng. Do đang nợ hơn 2 tỷ đồng nên Na đề nghị anh P. cho vay số tiền 1,8 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng, thời hạn vay từ 4 đến 10 ngày, lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Tin tưởng nên anh P. đã cho Na vay 2 lần với tổng số tiền 2,9 tỷ đồng, sau đó Na đã chiếm đoạt số tiền này. Với chiêu thức này, Na chiếm đoạt của chị Hồ Thị Hồng P. (trú phường An Cựu, TP Huế), là khách hàng thường xuyên đến giao dịch tại ngân hàng với tổng số tiền 5 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng Na còn chiếm đoạt của chị Lê Thị Tuyết N. (trú phường An Đông, TP Huế) 2 lần với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Một cán bộ điều tra cho biết, hiện tình trạng vay tiền lãi suất cao để đáo hạn ngân hàng vẫn đang diễn ra như “sóng ngầm”. Vì tin tưởng, chủ quan, nhất là do hám lợi lãi suất cao nên nhiều người vẫn bất chấp sự cảnh báo của cơ quan Công an để cho các đối tượng vay tiền để rồi phải nhận quả đắng.

Theo Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đơn vị đang tiếp tục điều tra làm rõ thêm một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác liên quan đến vay tiền đáo hạn ngân hàng, vay thế chấp tài sản… Phương thức phạm tội của những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn vay đáo hạn ngân hàng thường rất tinh vi. Để dụ dỗ người cho vay, các đối tượng thường đem theo tiền mặt trả tiền lãi trước cho nạn nhân hoặc thường “nổ” là gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, có mối quan hệ rộng và sẵn sàng trả tiền gốc và lãi khi cần...

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo người dân không “nhẹ dạ cả tin”, không hám lợi lãi suất cao. Người dân khi có nhu cầu vay tiền cần đến các chi nhánh ngân hàng uy tín để làm thủ tục vay vốn đúng quy định. Đặc biệt cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi cho người khác vay mượn tiền bạc. Trong trường hợp bị lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần sớm đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo để được hướng dẫn, giải quyết đúng theo quy định pháp luật.

Anh Khoa
.
.
.