Ngăn chặn nhóm đối tượng tụ tập sinh hoạt “đạo lạ” trái phép

Thứ Tư, 01/06/2022, 07:38

Ngày 31/5, Công an xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đang tiếp tục đấu tranh làm rõ một nhóm đối tượng sinh hoạt “Nhất quán đạo” xảy ra trên địa bàn xã. Đây cũng là nhóm đối tượng liên quan đến “Nhất quán đạo” đầu tiên được phát hiện tại Thừa Thiên-Huế.

Lãnh đạo Công an xã Phú Mỹ cho biết, qua nắm tình hình địa bàn, khoảng 8h30 ngày 23/5, Công an xã phát hiện tại nhà bà Nguyễn Thị Huê (SN 1964, trú tại thôn Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) có 1 nhóm 8 người ngoài địa phương đang tụ tập sinh hoạt trái phép theo “Nhất quán đạo”. Ngay sau đó, Công an xã Phú Mỹ đã báo cáo Ban Chỉ huy Công an huyện Phú Vang, UBND xã Phú Mỹ phối hợp với các đội nghiệp vụ liên quan tiến hành làm việc với bà Huê và nhóm người trên.

Tại trụ sở UBND xã Phú Mỹ, lực lượng chức năng đã lấy lời khai, làm rõ mục đích, nội dung, hình thức sinh hoạt của nhóm đối tượng này, mối quan hệ giữa các đối tượng. Tại nhà bà Huê, Công an đã lập biên bản thu giữ toàn bộ kinh sách, tài liệu; đèn dầu bằng kim loại trong đó có 1 cây có biểu tượng chữ “Phật” viết bằng chữ Hán…

Theo Đại úy Trần Duy Ngọc, Trưởng Công an xã Phú Mỹ, quá trình lấy lời khai, điều tra đã xác định được, bà Huê làm nghề bán vé số, có một thời gian dài sinh sống và làm ăn tại TP Đà Nẵng. Tại đây, bà bị lôi kéo sinh hoạt theo “Nhất quán đạo”. Sau đó, bà Huê trở về quê ở xã Phú Mỹ và tiếp tục sinh hoạt “Nhất quán đạo” từ năm 2019 đến nay. Hình thức sinh hoạt chủ yếu tu tại gia và nghiên cứu cách thức sinh hoạt trên mạng Internet.

Ngăn chặn nhóm đối tượng tụ tập sinh hoạt “đạo lạ” trái phép -0
Cơ quan chức năng xã Phú Mỹ mời làm việc đối với một số người trong nhóm tụ tập sinh hoạt “Nhất quán đạo” ở địa bàn.

Bà Huê thừa nhận, việc liên hệ, trao đổi thông tin giữa các thành viên “Nhất quán đạo” được bà thực hiện thông qua điện thoại và mạng xã hội. Liên quan việc sinh hoạt đạo trái phép tại nhà bà Huê, cơ quan chức năng đã xác định rõ danh tính của 8 người mà bà Huê mời từ các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang đến nhà bà để hướng dẫn việc trình bày bàn thờ, tượng Phật theo quy định của “Nhất quán đạo” và làm lễ “An vị tượng Phật Di Lạc”.

Cơ quan chức năng đã yêu cầu 8 đối tượng người ngoài địa phương cam đoan, ký cam kết không tái diễn hoạt động và yêu cầu rời khỏi địa phương. Đối với bà Huê, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

Tìm hiểu được biết, “Nhất quán đạo” có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng phát triển chủ yếu ở Đài Loan, là sự kết hợp của 5 tôn giáo: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Kito giáo và Hồi giáo. Về nghi thức thờ, giữa nhà có một bàn thờ bằng gỗ, phía trước bàn thờ có treo một tấm vải thêu biểu tượng hoa sen và 4 chữ tiếng Hoa. Trên bàn thờ có 1 tượng Quan Âm, 1 bát nhang, 3 chân đèn, 2 lọ bình quả táo. Ngoài tượng Quan Âm bằng thạch cao còn lại các vật phẩm khác đều bằng đồng. Phía trên bàn thờ là khung hình chữ nhật, ở giữa chữ “Phật”, phía trên có dòng chữ “Phật quang phổ chiếu”, bên trái có dòng chữ “Tịnh bình liễu chi ngộ huyền cơ” và “Tử Trúc Lâm Trung quán tự tại”… “Nhất quán đạo” không có giáo chủ, không có giáo lý, có biểu hiện hoạt động trục lợi, mê tín, dị đoan, có dấu hiệu vay mượn, bóp méo lịch sử Phật giáo; tự xưng là đạo Trời; lợi dụng Phật đường, tượng Phật, danh hiệu Phật, kinh Phật để lôi kéo mọi người tin theo.

“Nhất quán đạo” du nhập vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức, chủ yếu là từ người xuất khẩu lao động nước ngoài, khi trở về Việt Nam họ mang theo “đạo lạ” này  rồi tiếp tục “độ” vào những người thân và bạn bè cùng cầu, cùng học, cùng tu “Nhất quán đạo”. Tại Việt Nam “Nhất quán đạo” hoạt động tự phát, quy mô cá nhân nhỏ lẻ hoặc dưới danh nghĩa một số hội nhóm có hoạt động thiện nguyện hay phát triển qua quan hệ kinh tế.

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bến Tre, Bắc Giang, Đồng Nai, Hải Dương… cơ quan chức năng phát hiện nhiều nhóm người tụ tập sinh hoạt theo “Nhất quán đạo”, trong đó, tập trung nhiều ở khu vực Nam Bộ, thông qua nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là thông qua số người xuất khẩu lao động từ Đài Loan trở về.

Cơ quan chức năng khẳng định, cho đến nay, “Nhất quán đạo” chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận là một tổ chức hay một tôn giáo hoạt động hợp pháp. Do đó, mọi hoạt động liên quan đến “Nhất quán đạo” là trái quy định của pháp luật Việt Nam. Bất kì người nào có hành vi tổ chức tụ tập sinh hoạt, tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khác theo “Nhất quán đạo” sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lí nghiêm.

Để góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, cơ quan chức năng đề nghị người dân cần nhận diện rõ bản chất của “Nhất quán đạo” để không bị lôi kéo tham gia, tuyệt đối không thực hiện các hành vi tuyên tuyền tôn giáo, tín ngưỡng trái quy định. Trường hợp công dân phát hiện tổ chức, cá nhân nào có những hành vi nêu trên thì báo cáo, tố giác ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý, giải quyết.

Hải Lan
.
.
.