Vị Đại tá “Ba cùng”

Thứ Ba, 12/04/2016, 15:05
Nhắc tới Đại tá Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, người dân gọi ông bằng tên thân mật "Vị đại tá 3 cùng". Khi còn là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, ông đề xuất phương án “3 cùng” để gắn kết cán bộ an ninh với nhân dân. Nhờ đó mà tình cảm giữa cán bộ an ninh và bà con các dân tộc trong tỉnh trở nên khăng khít như “tay với chân”.

Khi đi dân nhớ, khi ở dân thương, phải làm cho dân tin, dân yêu thì dân mới ủng hộ, giúp đỡ Công an hoàn thành nhiệm vụ. Bài học về lòng dân ấy giúp Đại tá Nguyễn Văn Chiến vững tin hơn trên hành trình mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

1. Đầu năm 1987, tại Hợp tác xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây có rất đông người dân tập trung khiếu kiện, gây mất trật tự trị an ở địa phương. Một số đối tượng quá khích lôi kéo, kích động người dân phá hủy cơ sơ vật chất, đạp đổ tường rào, tấn công cán bộ khiến tình hình trở nên phức tạp. Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Chiến chân ướt chân ráo vào nghề được lãnh đạo đơn vị triệu tập tham gia giải quyết vụ việc. 

Đêm trước đó, Chiến không ngủ được. Nghĩ viễn cảnh hàng ngàn người dân uy hiếp chính quyền, cản trở cán bộ thi hành công vụ khiến anh lo lắng. Rõ ràng, kiến thức nhà trường khác xa với thực tế công tác. Làm sao để dân tin, dân nghe thì dân mới chấp hành. Những câu hỏi đó ẩn hiện trong đầu người chiến sỹ Công an trẻ. Anh quyết tâm sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao.

Sau khi đến hiện trường, Nguyễn Văn Chiến tiếp cận khu vực được xác định là nơi phát sinh điểm nóng. Anh gặp những người dân để nắm tình hình, nghe bức xúc, nguyện vọng của nhân dân. Với dáng vẻ thư sinh, chân thành anh dễ dàng chiếm được tình cảm của người dân. Nhất là khi người dân biết thiện chí của chàng trai trẻ thì họ sẵn sàng chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện. 

Sai phạm bắt nguồn từ việc Ban lãnh đạo Hợp tác xã Thạch Thán có nhiều sai phạm trong quản lý tài sản công. Dẫn tới tình trạng tham ô, tham nhũng, thất thoát tài sản của hợp tác xã, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người lao động. Ban đầu, người dân có ý kiến phản ánh song không được ban lãnh đạo hợp tác xã giải đáp thỏa đáng. Bức xúc trước vấn nạn tham ô, tham nhũng tràn lan, tài sản công bị thất thoát, vai trò quản lý yếu kém của Ban lãnh đạo Hợp tác xã, hàng ngàn người lao động kéo tới trụ sở Hợp tác xã biểu tình, gây mất an ninh, trật tự. 

Khi đã hiểu rõ vấn đề, Nguyễn Văn Chiến đề đạt biện pháp ổn định tình hình. Phải làm cho dân hiểu, dân tin thì dân mới chấp hành. Anh phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không nghe kẻ xấu xúi giục, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự là vi phạm pháp luật. Phối hợp với Công an địa phương cách ly những tên cầm đầu, chủ mưu kích động và kiên quyết xử lý. Về lâu dài, anh kiến nghị lãnh đạo Hợp tác xã trả lời thỏa đáng kiến nghị của nhân dân, cần xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra tham ô, tham nhũng, thất thoát tài sản công…

Đại tá Nguyễn Văn Chiến ân cần thăm hỏi già làng người Mông. 

Sau 1 tuần “nằm vùng”, đói khát, mệt mỏi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Chiến thành công trong việc thuyết phục người dân về nhà, không tin, không nghe kẻ xấu góp phần ổn định tình hình địa phương.

Nhớ lại lần đầu “3 cùng” với nhân dân, Nguyễn Văn Chiến được người dân hết mực kính trọng, quý mến. Họ coi ông như người thân trong gia đình. Sau này, khi anh giữ cương vị lãnh đạo quản lý trong Công an nhân dân, mỗi dịp trở về vùng quê thuộc huyện Quốc Oai, họ chào đón ông như người con xa quê trở về. “Tôi thực sự xúc động trước tình cảm mà người dân dành cho lực lượng Công an. Người dân không chỉ ủng hộ bằng vật chất, tinh thần mà cao hơn thế, họ ủng hộ bằng niềm tin, bằng tấm chân tình. Công an là của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ” – Đại tá Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.

2. Đại tá Nguyễn Văn Chiến sinh ra và lớn lên ở miền quê sơn cước thuộc xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tháng 1/1973, ông trúng tuyển vào Trường Hạ sỹ quan Công an. Tháng 2/1975, ra trường ông được phân công về Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Hòa Bình. Khi tỉnh Hòa Bình và Hà Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình, ông tiếp tục công tác tại Phòng Bảo vệ chính trị, đơn vị chủ lực trong đấu tranh phản gián bấy giờ. Nhiệm vụ của ông và đồng đội vô cùng phức tạp. 

Thời điểm này, sau khi đất nước thống nhất, các thế lực thù địch và bọn tội phạm tăng cường các hoạt động phá hoại, cài cắm cơ sở, lôi kéo, xúi giục các phần tử xấu chống đối Đảng, Nhà nước, chế độ ta, làm đất nước suy yếu từ bên trong. Là lính trẻ tò te, ông bắt tay ngay vào công việc, đi sâu nghiên cứu phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từ đó đề ra giải pháp đấu tranh có hiệu quả. 

Ông nhận thấy rằng, tất cả các vụ việc, vướng mắc đều từ cơ sở, từ nhân dân. Do vậy, phải nắm được dân, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, phải làm sao để người dân là tai mắt của Công an. Có như vậy Công an mới hoàn thành nhiệm vụ của mình. Dựa vào dân, phát huy vai trò của nhân dân và phương châm “3 cùng” gắn bó với ông từ đó.

Đầu năm 1980, ông theo học Đại học An ninh nhân dân. Vừa học tập, tích lũy kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn công tác, ông dần khẳng định mình trong mọi lĩnh vực. Đầu năm 1989, ông được bổ nhiệm Phó trưởng Phòng Bảo vệ chính trị Công an Hà Sơn Bình. Đến tháng 10/1991, khi tỉnh Hòa Bình tái lập, ông được bổ nhiệm Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, một trong những lãnh đạo trẻ nhất bấy giờ.

Khi tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Hòa Bình được thủ tướng chính phủ phê duyệt dự án xảy ra nhiều bất cập, khó lường. Xuất phát từ việc kiểm kê tài sản, hoa màu, giá đền bù không thỏa đáng…, hàng ngàn người dân kéo đến các trụ sở chính quyền của tỉnh và trung ương để khiếu kiện. 

Tình hình trở nên vô cùng phức tạp, khó kiểm soát khi nhiều đối tượng quá khích lợi dụng tình hình, xúi giục, khích động người dân ở các địa phương cản trở thi công, chống người thi hành công vụ. Số vụ cản trở thi công liên tiếp xảy ra ở các địa phương như: Kim Bôi (30 vụ), Yên Thủy (9  vụ), Lương Sơn (3 vụ)... với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Đây là một trong những vụ việc mà cá nhân Đại tá Nguyễn Văn Chiến và đồng đội hao công, tổn sức khá nhiều.

Đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc cản trở thi công, chống đối quyết liệt của người dân, ông thấy rằng, một bộ phận người dân mất dần niềm tin vào một số cấp ủy, chính quyền địa phương, do lợi ích nhóm, mâu thuẫn nội bộ nhân dân. Từ đó, một số kẻ xấu “đục nước béo cò”, lợi dụng tình hình kích động hòng chuộc lợi, khích động nhân dân nổi dậy chống chính quyền, cản trở thi công. Lúc này, phương châm “3 cùng” phải được tận dụng triệt để. 

Ông cử các trinh sát xuống “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Vừa tuyên truyền, giáo dục, vừa răn đe, cảnh tỉnh tội phạm và kẻ xấu, ông và đồng đội phân hóa người dân, làm cho kẻ xấu không có điều kiện kích động, xúi giục nhân dân. Sau khi xác định số đối tượng xấu, số đầu đơn chống đối, ông đề xuất cưỡng chế, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công. 

Trong 2 ngày 14 và 15/5/2008, hàng trăm chiến sỹ Công an, dân quân địa phương đồng loạt ra quân, bảo vệ tuyệt đối an toàn quá trình thi công đoạn qua phố Sấu, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy. Kiên quyết bắt giữ, xử lý những đối tượng chống đối, quá khích, cản trở thi công và chống người thi hành công vụ..  

3. Dấu chân Đại tá Nguyễn Văn Chiến in đậm trên khắp các bản làng của tỉnh Hòa Bình. Bước chân ông không ngừng nghỉ trong hành tŕnh mang lại cuộc sống b́nh yên và ấm áp cho nhân dân. Với ông, bản Mông ở Hang Kia, Pà C̣ thuộc huyện Mai Châu để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. 

Cho đến bây giờ, mặc dù không trực tiếp chỉ đạo công tác an ninh, không thường xuyên có mặt tại các bản làng người Mông mỗi dịp tết đến, xuân về, song Đại tá Nguyễn Văn Chiến như người con của bản này. Ông thông thuộc từng con đường, ngõ xóm, từng nếp nhà sàn. Ông có thể múa, hát đối nhưng câu hát của người Mông, hiểu được người Mông suy nghĩ gì, mong muốn gì. 

Gắn bó với bà  con người Mông, ông hiểu rằng, chỉ vì cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn, nhận thức hạn chế, hám lời mà một số người Mông tham gia mua bán, vận chuyển ma túy trái phép. Tuy nhiên, đây chỉ là thiểu số bởi hầu hết người Mông đều thật thà, tốt bụng. Họ tin vào Đảng, Bác Hồ và nghe theo lời cán bộ Công an.

Sau khi xảy ra vụ chống người thi hàng công vụ khiến 3 chiến sỹ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh, tình hình bản Mông trở nên khá nỏng bỏng. Không phải ai cũng đủ can đảm đặt chân đến “vùng đất nóng” này. Với Đại tá Nguyễn Văn Chiến thì lại khác. Bởi ông gắn bó quá sâu nặng với vùng đất này. 

Ông là người đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này sau vụ việc đáng tiếc trên. Ông đến từng nhà, gặp gỡ từng già làng, trưởng bản, ngồi uống rượu tâm tình với họ. Ông kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục người chân không bao che, chứa chấp tội phạm, không mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Nghe lời ông, hàng chục đối tượng truy nã tự nguyện ra đầu thú để hưởng khoan hồng, hàng trăm khẩu súng tự chế được thu hồi, nhiều người nghiện viết đơn cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh, trung tâm cai nghiện. Các tổ chức đoàn thể, quần chúng đồng loạt vào cuộc. 

Các hộ gia đình người Mông ký cam kết “3 không” tức là không nghe kẻ xấu, không vận chuyển ma túy, không di canh, di cư. Ông kiến nghị cấp trên tạo công việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để người dân phát triển lao động, sản xuất. Nhờ đó mà an ninh, trật tự bản Mông từng bước lập lại. Mỗi dịp Tết đến, xuân về Đại tá Nguyễn Văn Chiến lại có mặt để chia vui với người Mông như trở về gia đình của mình.

Với trên 40 năm công tác, giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Công an tỉnh Hòa Bình, Đại tá Nguyễn Văn Chiến để lại nhiều dấu ấn đậm nét về người thủ trưởng gần gũi, thận thiện, giàu tình cảm. Đặc biệt là phương châm “3 cùng” của ông sẽ theo chân các trinh sát trẻ tới khắp các bản làng của tỉnh Hòa Bình. Với người chỉ huy, đó là điều ông mãn nguyện lắm rồi!

Như Hùng
.
.
.