Quẩy tấu lên non, đón người xuống núi
Cùng bước chân họ, tình người đã theo về sưởi ấm những ngôi nhà lạnh lẽo trên đỉnh non cao. Những manh áo rét, thùng mỳ tôm, gói bim bim cho trẻ chất đầy quẩy tấu, ngày lại ngày xua tan dần những mặc cảm tội lỗi và nỗi sợ hãi bị trừng phạt, dọn bước cho ngày trở về trình diện của những người con, người chồng, người cha từng lầm lạc ở những gia đình ấy.
1. Những ngày cận Tết ở Hà Giang, chuyện lạ đến dồn dập trên mỗi chặng đường chúng tôi thâm nhập thực tế. Lạ vì đất, vì người, vì những cách làm sáng tạo, không giống bất kỳ nơi nào của lực lượng Cảnh sát nơi đây.Gặp tổ vận động đầu thú của Phòng PC52 Hà Giang giữa chốn đèo mây, ngó vào chiếc quẩy tấu trên lưng Thượng sỹ Dương Thị Lan, thấy chất đầy mì tôm, bim bim, thêm cả cút rượu ngô cùng tảng thịt lợn tươi rói. Chị vui vẻ cho biết: "Hành trang đi vận động đầu thú của chúng em đấy. Lên bản với bà con là phải có gói bim bim đón tay trẻ, cút rượu cho người già. Ở với bản mãi, đã thành người nhà rồi. Giờ lâu lâu không lên là họ lại trách".
Đỉnh núi đá buốt lạnh, nhưng mồ hôi vẫn rịn lấm tấm trên đôi má hây đỏ của nữ trinh sát người Mông. Bước chân khỏe khoắn của chị phăng phăng trên đá, quả quyết ngược dốc lên bản. Người đã khuất dần vào mây mù sơn cước, nhưng câu đùa: "cầu nhỉa cú, cú nhỉa cầu" (Anh yêu em thì em yêu anh-PV) vẫn lanh lảnh dội lại từ vách núi.
Trung tá Thìn kể với tôi: "Ở Hà Giang, người Mông có số dân trên 200 nghìn người, chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, nên ở đây họ lại là người "đa số". Những năm qua tình hình tội phạm trong vùng đồng bào dân tộc ở Hà Giang diễn biến khá phức tạp, tập trung vào các nhóm tội về ma túy, giết người, hiếp dâm, mua bán người, vi phạm quy định về bảo vệ rừng...
Nhiều đối tượng gây án bỏ trốn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Thực hiện nhiệm vụ truy nã tội phạm, những năm qua chúng tôi luôn lấy công tác vận động đầu thú làm trọng tâm. Vận động tốt, sẽ bớt đi chi phí, cùng những hiểm nguy cho anh em trong những chuyến đi săn lùng, đánh bắt. Đồng thời đảm bảo sự hoàn lương, trở về bền vững của người phạm tội sau khi mãn hạn tù, khi họ thấu hiểu tình người cùng sự khoan dung của pháp luật.
Tuy nhiên với đồng bào thiểu số, để vận động họ kêu gọi người thân trở về, thật không dễ dàng gì. Bởi bà con chỉ tin điều cán bộ nói, khi việc thuyết phục được cất lên bằng tiếng nói của họ, bằng những ứng xử phù hợp với văn hóa, tập tục của dân tộc họ. Trước tình hình đó, chúng tôi đã thành lập tổ vận động đầu thú, gồm 2 nữ trinh sát người Mông là Thiếu tá Dương Thị Dính và Thượng sỹ Dương Thị Lan. Họ đều sinh ra trên Cao nguyên đá Hà Giang.
Thượng sỹ Dương Thị Lan - trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Hà Giang (ngoài cùng bên phải) trong chuyến công tác vận động đầu thú. |
Có những gia đình, phải đến vài chục lần. Rồi phải cùng ăn ở, cùng lao động, sinh hoạt với họ, đỡ đần công việc đồng áng, giúp đỡ khi gia đình họ gặp hoạn nạn. Có vụ phải nhận anh em kết nghĩa, nhận cùng họ, cùng quê, cùng tuổi…với người nhà đối tượng. Chỉ khi nào tạo được lòng tin, coi nhau như người nhà thân thiết, thì họ "ưng cái bụng" mà gọi người thân trở về đầu thú. Từ những chuyến đi ấy, nhiều người đã trở về trình diện. Trong hành trình đó, cuộc vận động ba đối tượng truy nã từ Trung Quốc trở về là vụ căng thẳng nhất".
2. Câu chuyện của Trung tá Thìn đưa tôi trở lại những giờ phút căng thẳng trên đỉnh Cán Tỷ, khi các nữ trinh sát ở tổ vận động không súng ống, không bọc lót, tiếp viện, chỉ bằng bản lĩnh, cùng sự linh hoạt, nhạy bén, chân tình… đã đưa cả ba đối tượng nam giới "xuống núi" trình diện trong yên lành.
Anh kể: "Đầu năm 2012, các đối tượng Mua Mí Vá, Mua Vạn Páo và Vàng Mí Páo (dân tộc Mông, ở xã Cán Tỷ- Quản Bạ - Hà Giang) bị truy nã về tội "Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng". Sau khi gây án, cả ba đối tượng đã bỏ trốn sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống. Qua xác minh được biết họ đều phạm tội lần đầu, nhân thân lai lịch rõ ràng, chưa có tiền án tiền sự. Ở Cán Tỷ, gia đình họ đều rất khó khăn.
Chúng tôi quyết định cử cán bộ đến thuyết phục gia đình họ kêu gọi con em họ trở về đầu thú. Sau hàng chục lần lên bản, với phương châm bốn cùng: "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc", tổ vận động đã từng bước giành được niềm tin của gia đình họ. Người Mông ở Hà Giang cũng ăn Tết Nguyên đán như người Kinh.
Theo chế độ "Phụ hệ", vai trò người đàn ông trong các gia đình đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong nghi lễ thờ cúng. Khai thác yếu tố này, tổ vận động đã thuyết phục gia đình ba đối tượng gọi chồng, con về làm chủ lễ cúng năm mới. "Mưa dầm thấm đất", gia đình đối tượng đã cho người sang Trung Quốc tìm gọi họ về. Oái oăm ở chỗ, các đối tượng chỉ chấp nhận ra đầu thú khi được ở nhà hai ngày để làm lễ cúng. Đồng thời không được có cán bộ Công an nào xuất hiện. Bằng không, họ quyết sẽ không về. Thông tin được báo về Ban chỉ huy.
Đây thực sự là một "đòn cân não" căng thẳng. Nếu để họ về mà không bắt ngay, ngộ nhỡ xong việc đổi ý, lại "té" sang Trung Quốc thì ai gánh nổi trách nhiệm. Còn nếu bắt, sẽ "bội tín" với dân. Người ta sẽ không tin Công an nữa, về sau nói còn ai nghe. Suy đi tính lại, chúng tôi quyết định "đàm phán", để cho hai nữ trinh sát được lên bản ở tại nhà các đối tượng. Về phía họ cũng bàn soạn chán chê rồi đồng ý cho chị Dính, cô Lan đến ở nhà mình".
Thiếu tá Dương Thị Dính nhớ lại: "Cỗ bàn cúng Tết của người Mông luôn có rượu, họ uống cả đêm bên bếp lửa. Khách không uống là chưa thật lòng với nhau. Bởi vậy, chúng tôi phải lựa chọn những cán bộ có "tửu lượng" cao để đi chuyến này. Suốt hai ngày trên núi cao với toàn thể gia đình ba đối tượng, chị em tôi luôn phải căng mắt ra để giám sát, kịp thời phát hiện những biểu hiện nghi vấn bỏ trốn hoặc phạm tội mới của họ, vừa phải nhiệt tình nâng chén giao lưu, kết hợp tuyên truyền giải thích chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước để họ yên tâm.
Dẫu rất mệt, nhưng khi đêm xuống, chúng tôi không ai dám chợp mắt để đề phòng bất trắc. Trong những ngày trên bản, chúng tôi chia nhau giúp gia đình họ xe lanh dệt váy, xay ngô làm mèn mén, gánh nước, cho lợn gà ăn... Những việc làm gần gũi, tình cảm ấy đã khiến họ an lòng, nên sau lễ cúng cả ba người đã cùng chúng tôi xuống núi đầu thú".
Một mùa xuân mới lại về trên rẻo cao. Thấp thoáng trong mận trắng, đào phai, cải vàng trổ bông, là những "người con của bản" trong quân phục Cảnh sát, vai nặng quẩy tấu đến từng bếp lửa phát quà. Những đồng lương chắt chiu của họ đã biến thành mỳ tôm, bánh đa, gói kẹo … để những ngôi nhà thiếu người bật lên tiếng cười rộn rã, để ngày mai những đứa con đi xa lại trở về và hẹn ngày đoàn tụ.