Ông giám thị có tấm lòng nhân hậu

Thứ Sáu, 16/02/2018, 08:00
Khi tôi viết những dòng này thì Đại tá Phạm Hữu Học, nguyên giám thị Trại giam Ninh Khánh (Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) nhận được quyết định nghỉ công tác, chờ hưu. Anh gọi điện cho tôi hồ hởi "Anh xong nhiệm vụ rồi cô ạ. Hôm qua anh gặp gỡ các phạm nhân xem ai có thắc mắc gì không, nhiều người khóc để cảm ơn, làm anh cũng xúc động theo". 


Nhớ lại mấy tháng trước, khi Trại giam Ninh Khánh tổ chức chương trình "Niềm tin và hướng thiện", tiếng gọi "Mẹ" của cháu Nguyễn Thị Hoài Thương, 5 tuổi, con gái của phạm nhân Hoàng Thị Lư, không chỉ là tiếng gọi của đứa con xa mẹ lâu ngày được gặp lại mà còn là tiếng gọi của sự sống, sự hồi sinh. Ôm đứa con gái bé bỏng trên tay, chị Lư khóc.

Cả hội trường cũng lặng trong xúc động. Nhiều người lén lấy tay gạt nước mắt rơi. Cháu Thương bị bệnh tim bẩm sinh, nếu không được mổ, chắc chắn sẽ không qua khỏi, trong khi đó, cả bố mẹ đều phạm tội giết người, bố bị kết án tử hình, mẹ thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh, Thương ở với ông bà nội già yếu, nghèo khó.
Đại tá Phạm Hữu Học.

Biết hoàn cảnh của cháu Thương như vậy, Đại tá Phạm Hữu Học đã cùng đồng đội vận dụng mọi mối quan hệ đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ninh Bình hỗ trợ tiền; nhờ các bác sĩ Bệnh viện E mổ tim cho cháu. Thiếu tiền, chính anh Học đã ký giấy nợ bệnh viện rồi quyên góp giúp đỡ cháu. Hôm cháu Thương mổ, ngoài ông bà nội còn có cán bộ Trại Ninh Khánh ngồi ở phòng đợi.

Bởi đối với họ, cháu Thương như chính đứa con dứt ruột đẻ ra. Nhờ đó, cháu Thương đã qua cơn hiểm nghèo, lớn lên có thể bình thường như những đứa trẻ khác. Chính vì vậy, đối với phạm nhân Lư và gia đình thì CBCS Trại giam Ninh Khánh, đặc biệt là Giám thị Phạm Hữu Học không chỉ là thầy mà là những người thân nhất - những người có thể nhường cơm, sẻ áo để cứu họ qua cơn bĩ cực của cuộc đời.

Phạm nhân Trần Thị Hiển ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội rưng rưng: "Tôi còn đôi mắt này là nhờ ông Giám thị, ở nhà tôi cũng không có tiền mổ mắt đâu". Chị Hiển bị đục thuỷ tinh thể. Chính vì vậy, chị xác định rằng, cuộc đời còn lại của mình sẽ chìm trong bóng tối, bởi lúc ở nhà, chị đã nhiều lần muốn mổ mắt nhưng kinh tế khó khăn nên cứ lần nữa.

Khi về Trại Ninh Khánh, được gặp Giám thị tại buổi tiếp xúc với các phạm nhân, chị mạnh dạn nói về bệnh tật của mình. Lập tức, Đại tá Phạm Hữu Học đã yêu cầu cán bộ y tế đưa chị đi khám tại viện mắt và liên hệ mổ cho chị. Nhờ đó, đôi mắt chị Hiển đã sáng trở lại.

Còn anh Trần Sùng, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Thành ở Nga Sơn, Thanh Hoá coi Đại tá Phạm Hữu Học là cha, là anh, là ân nhân của mình, bởi anh Sùng khi vào Trại, biết anh khéo tay, có chí tiến thủ, Đại tá Học cho đi học nghề làm đá mỹ nghệ; ra Trại, anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống nhưng quá khó khăn, đã có lúc anh suýt buông xuôi theo chúng bạn.

Nhưng nhớ lời thầy Học dặn "vấp ngã ở đâu, đứng dậy ở đó". Thế là anh tìm đến Trại giam Ninh Khánh. Đại tá Phạm Hữu Học ôn tồn: "Vấp ngã ở đâu, hãy đứng dậy ở đấy. Tại sao cháu không sử dụng nghề đá mỹ nghệ học trong trại để kiếm sống. Nếu cháu thấy chưa tự tin, chú sẽ xin cho cháu học thêm. Nghề này, vừa học vừa làm ra sản phẩm nên được nuôi hoàn toàn và có một ít lương. Chỉ cần cháu quyết tâm là được".

Như được bật ngọn đèn trong đầu, Sùng quyết tâm quay lại "nghề đá". Sau mấy tháng học nghề, Sùng quay về quê kiếm sống. Có cái xe máy cô em gái nhường cho để lấy phương tiện đi làm, Sùng đem đi đặt lấy 10 triệu đồng để mua đá, rồi đi khắp làng trên xóm dưới, biết nhà nào làm nhà, làm mộ, Sùng cũng đến "tiếp thị". Với giá nhân công rẻ hơn, tay nghề tốt nên Sùng nhanh chóng chiếm được tín nhiệm của mọi người.
Phạm nhân Trại giam Ninh Khánh đề đạt nguyện vọng với Ban Giám thị.

Bây giờ, anh Sùng đã có công ty với vốn điều  lệ hơn 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 50 lao động với mức lương 5 đến 7 triệu đồng/tháng/người, nộp ngân sách mỗi năm 300 đến 400 triệu đồng; có gia đình hạnh phúc bên người vợ hiền và cậu con trai ngoan ngoãn. Anh Sùng là một trong hàng chục người đã nhờ Đại tá Phạm Hữu Học giúp đỡ, hiện thành đạt, có thể giúp được nhiều người lầm lỗi như mình có công ăn, việc làm.

Nhớ về quãng đường 40 năm gắn bó với Trại giam Ninh Khánh, Đại tá Phạm Hữu Học trầm ngâm: "Lúc mới được thành lập, Trại đóng chân trên vùng sình lầy, không có đường vào, tôi cùng các cán bộ và phạm nhân phải đắp đất vượt thổ để xây dựng nhà cửa, lán trại. Phạm nhân được giam trong nhà tranh vách nứa, cán bộ ở bên cạnh.

Đất nước khó khăn, cả cán bộ và phạm nhân đều phải trồng cấy thêm để lấy lúa gạo, trồng sắn, trồng khoai để bù thêm lương thực. Năm 1979, chúng tôi trồng thêm mía để đổi lấy đường cải thiện đời sống cho phạm nhân".

Đại tá Học cười hiền: "Thế mà mọi khó khăn đều qua hết, Trại được khang trang thế này nhờ được các cấp lãnh đạo quan tâm, CBCS đoàn kết. Điều đặc biệt nhất là, tất cả CBCS Trại giam Ninh Khánh luôn tâm niệm rằng, phải coi họ như người thân của mình để giáo dục, cải tạo, để phạm nhân biết rằng, Trại giam cũng là nhà, là tổ ấm để họ phấn đấu, làm lại cuộc đời. Nhờ tâm nguyện đó, anh, chị em chung sức, chung lòng cảm hoá, giáo dục phạm nhân, để khi trở về, họ là những người có ích...".

Phương Thuỷ
.
.
.