Nỗi hàm oan không phải “ngậm xuống tuyền đài chưa tan”

Thứ Năm, 31/01/2013, 16:05

Trong đời lính hình sự của mình, Đại tá Hà Minh Tân (hiện là Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ) đã không ít lần chẳng được ăn Tết, vì những vụ án xảy ra đâu có “kiêng nể” ngày nào. Nhưng có một cái Tết mà cho đến nay, dẫu nhiều năm trôi qua, vẫn khiến anh nhớ như in. Vì đó chẳng những là trọn vẹn một cái Tết mà anh phải lăn lộn ở một xã miền núi xa lắc xa lơ, để điều tra một vụ án mạng, mà hành trình phá án còn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, để rồi, cái kết lại càng kịch tính, gần như đảo lộn mọi dự tính.

Sáng sớm mồng một Tết, vừa đặt chân đến đơn vị để tiếp nhận ca trực, thì Đại tá Hà Minh Tân (khi đó là Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, phụ trách trọng án, Công an tỉnh Phú Thọ) nhận tin báo có vụ án mạng vừa xảy ra trước lúc giao thừa ở xã Đại Nghĩa, Đoan Hùng, Phú Thọ, một xã miền núi nằm giáp tỉnh Tuyên Quang.

Anh Tân lập tức cùng một số trinh sát lên đường. Đến nơi, được biết, nạn nhân là anh Trần Phú Thành, bị đánh chết nằm ở ngay cổng nhà. Xác nạn nhân đã được gia đình đưa vào trong nhà. Theo vợ anh Thành cho biết thì sát lúc giao thừa, nhà chị có 2 tên trộm vào nhà, chồng chị đã ra đuổi bắt và bị chúng đánh chết trước nhà.

Tuy nhiên, thông tin mà lực lượng Công an có được lại khác. Nhiều người dân cho rằng, chính Trần Phú Thành đi ăn trộm và bị người ta đánh chết rồi vứt xác về nhà. Thông tin này không phải không có lý, vì Trần Phú Thành vốn là một tay trộm khá nổi tiếng. Hơn nữa, ở hiện trường bên cạnh chỗ xác nạn nhân nằm, có chiếc gậy và búa, những đồ vật thường có của những tay chôm chỉa. Dường như những thông tin ban đầu đều cho rằng, câu chuyện của vợ anh ta chỉ là bịa đặt, nhằm che giấu sự thật về cái chết của chồng có nguyên nhân do đi ăn trộm mà nên.

Nhưng nếu là người dân đánh chết anh ta, thì ai đánh? Đánh ở đâu? Hiện trường thật sự ở chỗ nào? Ai đưa nạn nhân về đây? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, buộc lực lượng Công an phải giải đáp mới mong tìm ra hướng mở cho vụ án. Nhưng khó khăn nhất lúc này là đúng ngày mồng Một Tết, nên người dân không muốn hợp tác với Công an, bởi không ai muốn liên quan đến một chuyện xui xẻo trong ngày đầu năm, lại còn là cái chết bất đắc kỳ tử của một gã trộm chuyên nghiệp.

Công việc giậm chân tại chỗ. Song không thể làm gì khác với những vấn đề thuộc về phong tục. Đại tá Hà Minh Tân cũng chu đáo dặn dò các trinh sát tuyệt đối không được vào nhà dân điều tra trong 2 ngày đầu năm, để tránh “mất rông” cho bà con. Anh chia sẻ: Nếu lực lượng Công an không tôn trọng phong tục tập quán truyền thống, mà cứ xông bừa vào nhà dân trong ngày Tết để hỏi han những điều bị cho là xui xẻo, thì lần sau, chả ai muốn giúp đỡ Công an nữa.

Thế là suốt 2 ngày Tết, sau khi khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, mấy “thầy trò” đành loanh quanh ở ngoài đường, quanh hiện trường, xem xét các dấu vết. Đêm đến, họ về trụ sở UBND xã trống huơ trống hoác, gió lạnh tứ bề, ngủ trên những chiếc ghế dài ở hội trường.

Đại tá Hà Minh Tân nhớ lại: Đang giữa mùa đông, không màn, cũng chả có chăn đắp, trong khi cái rét miền núi như cắt da thịt, khiến mấy anh em không thể ngủ nổi. Ăn uống thì tạm bợ, vì hồi đó, vùng này chả có quán xá gì, đến mì tôm cũng chả có mà ăn, nên mấy anh ở UBND xã có gì cho thì ăn nấy. Cũng chỉ là mấy miếng bánh chưng ngày tết. Đêm không ngủ được vì lạnh, mấy anh em đói cồn cả ruột. Cả tuần trôi đi, mà công việc vẫn chưa đâu ra đâu, biết là chúng tôi còn phải “bám trụ” ở vùng đất heo hút này, chưa thể về nhà được, các anh ở xã thương tình mổ cho 1 con lợn nhỏ, để mấy anh em làm thực phẩm trong những ngày ở đây điều tra án.

Chiều tối mồng 2, đợi cho hương Tết đã vợi, các trinh sát mới lò dò vào một số nhà dân chúc Tết, rồi tranh thủ hỏi han những vấn đề liên quan vụ án. Đại tá Hà Minh Tân kể lại, suốt mấy ngày liền, tiếng khóc nghẹn của người vợ trẻ khẳng định chồng mình bị chết oan ức cứ văng vẳng bên tai, khiến anh thấy không thể không xem xét thật cẩn trọng vụ án này. Hơn nữa, với anh, dù nạn nhân là ai, thì vẫn phải tìm ra thủ phạm và mục đích gây án, để khẳng định anh Thành thực sự là thủ phạm hay là nạn nhân?

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, không có nhiều dấu vết khác nhau theo kiểu “đánh hội đồng”. Vả lại, nếu Thành đi ăn trộm và bị đánh, thì cả làng sẽ hô hoán, không thể che giấu được. Trong khi đó, lại có dấu vết lăn lộn ở vườn nhà anh Thành. Vì thế, khả năng anh Thành chết do bị người dân đánh được loại bỏ.

Việc điều tra tiếp tục theo hướng khác. Một số nhân chứng cho biết, lúc gần giao thừa, họ có nghe tiếng quát tháo ầm ào, rồi tiếng người vật nhau lục đục một lúc rồi thôi. Cũng có người nghe tiếng vợ anh Thành hô “trộm” rồi sau đó không còn nghe gì nữa. Lúc này, khả năng anh Thành bị đánh vì trả thù cũng được đặt ra. Các trinh sát lại lần theo tất cả các mối quan hệ trong gia đình, họ hàng và làng xóm của anh Thành, nhưng cũng không thấy nổi lên nghi vấn nào có thể dẫn đến cái chết của nạn nhân. Hướng tìm đường ra thêm một lần bị tắc.

Có một luồng thông tin khiến anh Tân chú ý. Theo phản ánh của người dân, năm đó, tại xã Đại Nghĩa xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp. Nhiều người nghi cho anh em Trần Văn Lũy và Trần Văn Thầu, cũng là 2 tên trộm chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chưa ai bắt được họ và cũng có người biết nhưng không dám nói ra. Từ những nghi vấn của người dân, Đại tá Hà Minh Tân cho trinh sát điều tra và dựng lại các vụ án ăn trộm ở địa phương, để truy tìm kẻ trộm.

Những dấu hiệu nghi vấn dần nổi lên và cơ quan điều tra đã ra quyết định bắt 2 anh em Lũy và Thầu. Ban đầu, cả Lũy và Thầu chối bay chối biến việc chúng ăn trộm ở các gia đình trong xã, nhưng rồi, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Hà Minh Tân, các điều tra viên vừa kiên trì thuyết phục, vừa bằng các chứng cứ và lập luận sắc bén, để cuối cùng, buộc Lũy và Thầu phải khai nhận, chúng là thủ phạm của mấy vụ trộm diễn ra đêm 27 và 28 Tết.

Lập tức, việc khám nhà Lũy và Thầu được tiến hành. Trong nhà không có tang vật nào, nhưng sau khi điều tra, lực lượng Công an đã phát hiện, Lũy và Thầu đã giấu các tài sản ăn cắp được gồm nồi niêu, xoong chảo v.v… ở trên đồi sau nhà. Hóa ra, khi biết Công an tiến hành điều tra các vụ trộm, Lũy và Thầu đã đem chôn hết các đồ ăn trộm được ở trên đồi, chờ “sóng yên biển lặng” sẽ đem ra bán.

Lúc này, Đại tá Hà Minh Tân đặt vấn đề nghi vấn Lũy và Thầu có thể liên quan đến vụ án mạng của anh Trần Phú Thành, nên đã chỉ đạo lực lượng hình sự điều tra kỹ mọi vấn đề về họ. Kết quả điều tra cho thấy, thời gian mà Lũy và Thầu đi ăn trộm, cũng gần thời điểm gia đình anh Trần Phú Thành bị mất trộm. Đặc biệt, trong số các tang vật tìm được ở nhà Lũy và Thầu, có cả đồ mà gia đình anh Thành bị mất. Như vậy, khả năng chính Lũy và Thầu đã vào nhà anh Thành ăn trộm, rồi bị anh Thành đuổi đánh, nên chúng đã ra tay, không phải là không có. Tuy nhiên, Lũy và Thầu kiên quyết không chịu nhận chúng đã vào nhà anh Thành gây án.

Không nản lòng, Đại tá Hà Minh Tân chỉ đạo tiến hành điều tra theo nhiều hướng, cả bí mật lẫn công khai. Bên cạnh việc tiếp tục truy tìm các chứng cứ, xem xét các mối quan hệ của Lũy và Thầu, anh Tân cho áp dụng đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ. Lúc đó, Phòng Cảnh sát hình sự chỉ có mỗi chiếc U oát cọc cạch và cũng chỉ anh biết lái, nên cứ mỗi lần mời một người có dấu hiệu tình nghi về cơ quan điều tra, anh lại phải trực tiếp lái xe đưa về. Việc đó diễn ra trong suốt thời gian điều tra vụ án. 

Kết quả thật khả quan khi cuối cùng, nguồn tin đặc biệt cho biết: 2 anh em Lũy và Thầu đang rất lo sợ vì chúng chính là thủ phạm vào nhà anh Thành ăn trộm và gây nên cái chết của chủ nhà. Chúng sợ Công an sẽ tìm ra thủ phạm, vì còn vứt lại hiện trường một chiếc búa và đoạn gậy. Ngay lập tức, các tang vật này được thu hồi, vì trước đây, khi vụ án mới xảy ra, các trinh sát chỉ nghĩ, búa và gậy là của nạn nhân mang ra đuổi đánh trộm, mà không nghĩ đó là của thủ phạm.

Sau đó, các điều tra viên có kinh nghiệm được giao khai thác Lũy và Thầu. Tuy nhiên, chúng không dễ dàng gì nhận tội, vì quá hiểu cái giá mà chúng phải trả cho tội giết người. Tuy nhiên, trước những chứng cứ không thể chối cãi, đặc biệt là chiếc búa tang vật, đã khiến chúng phải cúi đầu nhận tội: Vốn quen thói lười lao động, chỉ muốn có tiền bằng cách ăn trộm của nhà khác, Lũy và Thầu nhân dịp Tết, mọi người thường sắm nhiều đồ và dễ sơ hở, nên rủ nhau đi ăn trộm.

Mấy hôm trước trót lọt, nhưng sát lúc giao thừa, chúng mò vào nhà anh Trần Phú Thành thì bị phát hiện. Anh Thành đuổi theo chúng ra đến cổng, đánh nhau với chúng, nhưng một mình anh không thể cự nổi trước 2 gã thanh niên khỏe mạnh, lại có hung khí trong tay, nên đã bị chúng đánh chết ngay ở cổng nhà trước phút giao thừa.

Thấy Công an tiến hành điều tra các vụ trộm ở địa phương, chúng liền đem giấu hết đồ ăn trộm được đi, rồi nằm yên chờ đợi. Dù lo sợ, chúng cũng không thể ngờ được, lực lượng Công an lại tìm ra chúng nhanh đến thế! Sau đó, Trần Văn Lũy đã phải trả giá với mức án tử hình.

Đại tá Hà Minh Tân tâm sự: “Niềm vui phá vụ án này, với chúng tôi thật vô kể. Vui vì đã tìm ra thủ phạm sau bao nhiêu công lao khó nhọc, vất vả đã đành, nhưng niềm vui lớn hơn và quan trọng hơn cả là, việc phá án đã trả lại danh dự cho nạn nhân Trần Phú Thành và gia đình anh. Nếu không, dư luận vẫn cho rằng, anh Thành mới là kẻ đi ăn trộm nên bị đánh chết. Điều đó khiến gia đình anh thêm một lần đau sau cái chết của anh”.

Đặc biệt hơn nữa, không chỉ phá án, xóa được nỗi oan cho nạn nhân, Đại tá Hà Minh Tân còn làm việc nghĩa rất quan trọng đối với anh Trần Phú Thành và gia đình: Làm các thủ tục để anh Trần Phú Thành được công nhận là liệt sĩ, vì đã có thành tích trong việc đấu tranh với tội phạm, đảm bảo an ninh

Văn Hương (CSTC Xuân 2013)
.
.
.