Những phụ nữ góp phần làm nên chiến thắng của SVR

Thứ Tư, 11/03/2020, 15:10
Năm 2020, Cơ quan Tình báo đối ngoại của Nga (SVR) kỷ niệm 100 năm thành lập. Tên tuổi của nhiều nữ trinh sát mạo hiểm cuộc sống để bảo đảm an ninh và bảo vệ lợi ích của Tổ quốc mãi đi vào lịch sử SVR. Những đóng góp của phụ nữ vào các hoạt động của cơ quan trinh sát đối ngoại đã góp phần làm nên chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.


Chân dung một nữ tình báo viên

Tháng 1/2020, Giám đốc SVR Sergei Naryshkin lần đầu tiên công khai tên của 7 nhân viên tình báo chìm có đóng góp lớn trong việc bảo vệ lợi ích và đảm bảo an ninh của Nga. Trong số đó có vợ chồng Thiếu tướng, Anh hùng nước Nga Vitaly Vyacheslavovich Netyksa (1946-2011) và Đại tá Tamara Ivanovna Netyksa (sinh năm 1949).

Trong thời gian 1978-1998, vợ chồng Netyksa hoạt động ở Mỹ Latinh, tại các quốc gia có chế độ cảnh sát trị nghiêm ngặt, trong điều kiện có nguy cơ liên quan đến tính mạng. Ở nước ngoài, họ sinh hạ con trai và con gái. Theo SVR, Tamara Netyksa "làm việc trong tình trạng căng thẳng, bà đã nhận thức và chấp nhận rủi ro khi hoạt động, hỗ trợ hiệu quả cho chồng hoàn thành các nhiệm vụ tình báo trong điều kiện đặc biệt".

Đại tá Tamara Ivanovna Netyksa.

“Theo định kỳ, nhân viên tình báo cần tiến hành các hoạt động xác minh để chắc chắn không có sự quan tâm đến họ từ các cơ quan phản gián địa phương. Ngoài ra, người phụ nữ phải luôn luôn tỏ ra xinh đẹp, hấp dẫn. Cần phải tính đến số lượng lớn người dân địa phương xung quanh nhân viên tình báo chìm. Giả sử họ sống trong ngôi nhà với người trực cửa và hàng xóm. Trên đường phố - rất nhiều cửa hàng. Mọi người ở đó đều biết nhau, luôn chào hỏi nhau.

Ai cũng biết đến bạn và điều cần thiết phải để mọi người biết mọi thứ về bạn. Chúng tôi là ai, sinh ra ở đâu, làm gì, con cái ra sao, ăn gì, mức thu nhập là bao nhiêu. Nếu mọi người biết về bạn, thì bạn sẽ không thu hút sự chú ý quá mức”, bà Tamara Netyksa nói .

Hoạt động ở nước ngoài, vợ chồng Netyksa không hề nói một từ tiếng Nga nào với nhau trong nhiều năm, nhưng đã có một trường hợp thú vị. “Đó là khi mới bắt đầu công việc, tôi ở cùng một gia đình. Và lần duy nhất trong đời tôi nói trước khi đi ngủ không phải bằng tiếng Tây Ban Nha "buenos noches", mà bằng tiếng Nga - "chúc ngủ ngon". Nhưng không có gì xảy ra, không ai để ý cả. Và có lẽ cần thiết để điều này xảy ra một lần, nhưng sẽ không bao giờ lặp lại nữa”, bà nói.

Theo bà, một nhà tình báo cần phải biết nhiều điều, nếu không sẽ không thành công. Nếu chỉ làm chủ ngôn ngữ một cách hoàn hảo, có nghĩa là bạn đi ra nước ngoài như một khách du lịch bình thường. Cần phải làm mọi người quan tâm đến bạn, sau đó có thể thiết lập các mối liên hệ với họ. Và để người chồng luôn cảm thấy thú vị khi ở bên cạnh bạn, cần phải làm cho anh ta tự hào về điều đó.

Những người phụ nữ góp phần làm nên chiến thắng

Các chuyên gia từ lâu đã biết nghề tình báo đối với nữ giới không phải là sự tình cờ, và phụ nữ trong lĩnh vực này không chỉ không thua kém đàn ông, mà còn thường tạo cho họ một lợi thế đáng kể. Theo Đại tá Vladimir Antonov, nhà sử học của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, lịch sử hoạt động tình báo của các nước trên thế giới cho thấy phụ nữ hoàn toàn phù hợp với vai trò này.

Hơn nữa, đôi khi phụ nữ là một đối thủ “đáng gờm” của đàn ông khi cần phải khai thác những bí mật của quốc gia khác. Với nhân viên tình báo đối ngoại phải nói thành thạo các thứ tiếng, phải biết những điều cơ bản về nghề trinh sát.

“Điệp viên giống như nghệ sĩ phải có khả năng đảm nhận nhiều vai khác nhau, ví dụ, hôm nay đóng vai đại diện giới quý tộc, và ngày mai đóng vai linh mục. Theo tôi, mọi người đều biết rằng, hầu hết phụ nữ có khả năng “nhập vai” tốt hơn nam giới”, ông nói.

Các chuyên gia đều nói rằng, người phụ nữ có tài quan sát lớn hơn đàn ông, hơn nữa, trực giác của phụ nữ phát triển tốt hơn. Phụ nữ siêng năng hơn và kiên nhẫn hơn nam giới. Ngoài ra, các trinh sát nữ thường được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc gặp tại những nơi mà sự hiện diện của đàn ông là không mong muốn. Nếu có thêm vẻ ngoài xinh đẹp thì thậm chí những người hoài nghi cũng phải thừa nhận rằng, phụ nữ chiếm một vị trí xứng đáng trong cơ quan tình báo của bất kỳ quốc gia nào, là niềm tự hào của các cơ quan này.

“Phương pháp sử dụng phụ nữ trong hoạt động tình báo với tư cách “chiếc bẫy ngọt ngào” chỉ là ngoại lệ chứ không phải là một quy tắc. Tuy nhiên, cơ quan đặc nhiệm của một số quốc gia, trước hết Israel và Hoa Kỳ, rất tích cực sử dụng phương pháp này để khai thác thông tin mật. Nhưng, ở đây nói về cơ quan phản gián của các nước này, chứ không phải về cơ quan tình báo đối ngoại”, ông Antonov giải thích.

Theo ông Amtonov, những nữ điệp viên hoạt động ở châu Âu trước thềm chiến tranh và trên lãnh thổ Liên Xô bị Đức Quốc xã tạm chiếm, đã ghi danh vào lịch sử cơ quan tình báo đối ngoại Liên Xô. Những năm chiến tranh đã chứng minh rằng, phụ nữ có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát quan trọng nhất không thua kém đàn ông.

Lịch sử 100 năm SVR đã chứng minh tầm quan trọng của phụ nữ trong hoạt động tình báo đối ngoại. “Tôi chắc chắn rằng, trong tương lai phụ nữ sẽ đóng góp xứng đáng vào việc đảm bảo an ninh và bảo vệ lợi ích của Nga”, ông Vladimir Antonov nhận xét.

Ngọc Trang (Theo Sputnik)
.
.
.