Những người lính mang khát vọng hòa bình đến châu Phi

Thứ Ba, 19/03/2019, 11:02
Họ là những sĩ quan, y bác sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại 2 Phái bộ Gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Nam Sudan và Trung Phi. Lên đường làm nhiệm vụ quốc tế ở nơi cách xa Tổ quốc hơn 9.000km, họ mang theo thông điệp hoà bình tới những quốc gia đang chìm trong nghèo đói, chiến tranh. Với họ, bảo vệ Tổ quốc từ xa là trách nhiệm thiêng liêng của người lính…


Nếu không gặp Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga trong bộ quân phục dã chiến sẽ khó có thể hình dung được người phụ nữ xinh đẹp này lại là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở châu Phi; không những thế chị còn được LHQ đánh giá “hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ”.

Hành trình trở thành nữ sĩ quan đầu tiên đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Hằng Nga là một sự tình cờ. Nhập ngũ năm 2004, Hằng Nga chính thức được chuyển ngạch sĩ quan vào năm 2012. 

Tại Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam (thời điểm ấy vẫn còn gọi là Trung tâm Gìn giữ hoà bình Việt Nam), công việc chủ yếu của chị là về công nghệ thông tin. Nhưng rồi quá trình công tác ở đơn vị, nhận thấy tố chất đối ngoại của nữ sĩ quan này, lãnh đạo Cục đã tạo điều kiện để Hằng Nga học nâng cao tiếng Anh và tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn gìn giữ hoà bình. 

Sau đó, chị được tham gia các khóa tập huấn về sĩ quan tham mưu các hoạt động quân sự, liên lạc, quan sát viên, thông tin, quan hệ quân sự LHQ tại Uganda, Hàn Quốc, Sri Lanka, Trung Quốc, Hà Lan... Ngoài ra, chị còn phải học và lấy chứng chỉ về ngoại ngữ, lái xe hai cầu trên mọi địa hình… mà các chuyên gia LHQ đặt ra.

Mặc dù đã đạt được các yêu cầu, nhưng lúc này lãnh đạo Cục lại băn khoăn việc cử sĩ quan nữ đi châu Phi hay không. Bởi lẽ khi tham gia nhiệm vụ tại các phái bộ thì sẽ là sự bình đẳng tuyệt đối chứ không có chuyện ưu tiên phụ nữ. Không những thế lúc đó Hằng Nga đã có hai con nhỏ. Tuy nhiên, chị vẫn xung phong đi. Sợ gia đình biết sẽ ngăn cản nên chị giấu cả nhà. Chỉ đến khi nhận quyết định chị mới báo tin cho gia đình.

Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga với một gia đình ở Nam Sudan

Ngày 30-10-2017, Đỗ Thị Hằng Nga nhận Quyết định của Chủ tịch nước về việc cử cán bộ làm nhiệm vụ sĩ quan tham mưu tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan, nhiệm kỳ 12 tháng, trở thành nữ sĩ quan đầu tiên của QĐND Việt Nam đi làm nhiệm vụ quốc tế tại châu Phi.

 ***

Hôm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức gặp mặt, giao lưu giữa những sĩ quan từng làm việc tại châu Phi với thân nhân những người đang làm nhiệm vụ tại hai phái bộ, Đỗ Thị Hằng Nga vừa trở về sau một năm đi làm nhiệm vụ. Nhắc lại kỷ niệm một năm làm nhiệm vụ ở Nam Sudan, chị kể rằng đó là quãng thời gian đáng nhớ trong đời quân ngũ.

Với nhiệm vụ sĩ quan tham mưu, Đỗ Thị Hằng Nga phải đảm nhiệm 12-15 đầu việc tại Phái bộ Nam Sudan như giám sát các hoạt động quân sự, tổng hợp và cập nhật bản đồ tình hình tác chiến tại các phân khu được chỉ định; trực ban tại Trung tâm Tác chiến, Sở Chỉ huy Phái bộ; chuẩn bị các báo cáo đặc biệt và gửi điện tín về các sự cố xảy ra trên địa bàn; liên lạc với các cơ quan liên quan để đưa ra các thông báo về tai nạn, thương vong; theo dõi các tài liệu trong hệ thống dữ liệu tác chiến của phái bộ... 

Vì vậy dù không phải ra ngoài nhưng phải trực triền miên và thường kéo dài từ 4 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau. Vào những thời điểm xảy ra xung đột, các sĩ quan phải làm việc không có thời gian nghỉ vì khi đã nhận một nhiệm vụ nào đó từ đơn vị bạn gửi hoặc từ đơn vị cấp dưới gửi thì bất kể ngày hay đêm, sĩ quan tham mưu phải xử lý ngay, chậm nhất trong vòng 30 phút…

Nhưng ngoài những ngày trực căng thẳng ấy, có những lúc rảnh rỗi, để vơi đi nỗi nhớ nhà, chị thường ra những nhà dân ở gần trụ sở phái bộ. Hằng Nga kể rằng lần đầu gặp chị, nhiều người dân bản địa rất bỡ ngỡ và hỏi chị đến từ đâu. "Khi tôi giới thiệu tôi đến từ Việt Nam, tình cảm họ dành cho tôi còn nhiều hơn. Họ nói rằng biết Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không ngờ có lúc gặp một phụ nữ Việt Nam”.

Các nữ bác sĩ quân y Việt Nam làm việc tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan 

Ở Nam Sudan, các gia đình thường rất nhiều con, có nhà tới 10 đứa con nhưng các bà mẹ hầu như không có kinh nghiệm chăm trẻ con. Vậy là những lúc rảnh rỗi, chị lại đến và hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc con, mang thuốc chữa cho bọn trẻ bị đau ốm. Có lần chị đến một trường học cách căn cứ phái bộ 3 km và không thể hình dung nổi lớp học này thiếu thốn mọi thứ, thậm chí thiếu cả giấy viết cho lũ trẻ, vậy mà cả thầy trò vẫn học say mê. Lần đến sau đó, chị đã mang một số hộp màu, giấy vẽ, chuồn chuồn gỗ mang từ Việt Nam sang tặng lớp học.

Sự quan tâm của người phụ nữ Việt Nam ấy khiến cho những người dân cảm động, họ gọi chị là “Đỗ” và tất cả đều coi chị như người thân, tới mức mỗi khi mua được thịt là họ phải mời bằng được “Đỗ” đến ăn cơm cùng... 

Tình cảm quyến luyến ấy khiến cho những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ công tác, chị vừa muốn sớm được trở về với gia đình, nhưng lại vừa muốn có thêm thời gian để ở với những người dân mà giờ đã coi chị như người nhà. 

Khi biết “Đỗ” sắp trở về Việt Nam, có em đã khóc, có em dành thời gian rảnh vẽ tranh hoặc móc những chiếc túi nhỏ xinh tặng chị và nói với chị rằng: “Đỗ” hãy nhớ tới chúng em, đem những món quà này của chúng em trở về và giữ những món quà đó”.

Kết thúc nhiệm kỳ công tác tại phái bộ Nam Sudan, Thiếu tá Hằng Nga được LHQ đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc và tặng thưởng 2 huy chương Vì sự nghiệp hòa bình và ổn định của LHQ.

Cũng như Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, nhắc lại kỷ niệm những ngày làm việc tại Nam Sudan, Thiếu tá Nguyễn Văn Hằng, người đi Nam Sudan làm sĩ quan liên lạc nhiệm kỳ 2016-2017, lại gây ấn tượng với các đồng nghiệp quốc tế khi anh dựng cột cờ và treo cờ Tổ quốc ngay tại nơi làm việc.

"Tôi không phải là người đầu tiên của Việt Nam làm nhiệm vụ ở Nam Sudan nhưng là người đầu tiên làm việc ở thủ đô Juba. Tôi dựng cột cờ, treo cờ Tổ quốc để khẳng định sự tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Tôi treo cờ Tổ quốc để thấy mình không đơn độc khi thực hiện nhiệm vụ và để thấy sau lưng mình luôn luôn có Tổ quốc. Lá cờ Tổ quốc như một người bạn. Mỗi khi đi tuần tra dài ngày về đến căn cứ, về đến nơi ở của mình nhìn thấy lá cờ Tổ quốc, tôi cảm thấy ấm lại, cảm giác Tổ quốc mình như đang ở ngay cạnh mình". Khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, anh Hằng cũng được đánh giá là hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ.

Nói về những người lính của mình, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết tại mỗi phái bộ có hàng nghìn sĩ quan, binh lính của hàng chục quốc gia nhưng chỉ có 2% trong số đó được đánh giá ở mức đặc biệt xuất sắc. Vì thế, các sĩ quan của quân đội Việt Nam được đánh giá cao đã khẳng định vị thế quân đội Việt Nam khi tham gia nhiệm vụ quốc tế.

Còn rất nhiều câu chuyện về những người lính đã và đang làm nhiệm vụ quốc tế tại châu Phi xa xôi. Ở nơi cách Tổ quốc 9.000 km, những người lính ấy đang góp phần viết nên những trang sử mới về bộ đội Cụ Hồ.

Sau 5 năm triển khai, Việt Nam đã cử 29 lượt sĩ quan đến làm nhiệm vụ tại 2 phái bộ Gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và Trung Phi; tất cả đều được đánh giá cao về năng lực, tinh thần trách nhiệm với công việc. 

Đặc biệt tháng 10-2018, Việt Nam đã triển khai thành công một Bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 63 cán bộ, y bác sĩ, trong đó có 10 nữ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đến làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại phái bộ Nam Sudan thay thế cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 của quân đội Anh. 

Vì vậy, tháng 11-2018, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ Jean Pierre Lacroix đã gửi thư cho Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam trong công tác triển khai thành công và nhanh chóng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Nam Sudan

Nguyễn Thiêm
.
.
.