Những người lính chống Fulro ở xứ sương mù

Thứ Tư, 04/03/2015, 08:30
Họ âm thầm, lặng lẽ như chính cuộc đời, tên gọi. Hỏi về các bản làng, dù xa xôi hẻo lánh, dù heo hút ở tận nơi nào đó, họ đều có thể kể vanh vách, tường tận. Nhưng hỏi xin một tấm hình mặc quân phục để đăng báo, lại là cái gì đó quá xa xỉ trong đời làm An ninh của họ. Thượng tá Nguyễn Văn Sử cười hiền hậu, ông bảo rằng: "Đi về bản làng suốt mà không bao giờ nghĩ đến việc chụp hình. Bây giờ tìm được tấm ảnh nào… hơi đẹp một tí là khó đấy".
"Cơn bão Fulro" trên xứ sương mù

TP Đà Lạt, buổi sáng mù sương, mưa phùn rét mướt, tôi gọi điện cho Đại tá Nguyễn Đức Hiệp - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu về cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO của lực lượng Công an Lâm Đồng. Nhắc đến FULRO, Đại tá Hiệp như sống lại những ký ức không thể nào quên của một thời hào hùng đầy gian khổ, lăn lộn, đánh cược mạng sống trong những cánh rừng già.

Đại tá Hiệp nói: "Cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO của Công an Lâm Đồng đã đạt được những thành tích đáng để tự hào". Buổi gặp hôm ấy có Đại tá Hiệp, Đại tá Đoàn Văn Liêm - Trưởng phòng PA88, Thượng tá Nguyễn Văn Sử - Phó trưởng Phòng PA88, họ là những cán bộ trinh sát An ninh từng cầm súng chiến đấu, trực tiếp đối mặt với FULRO.  

Thực hiện âm mưu "Kế hoạch hậu chiến" của Mỹ ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng, năm 1972, Mỹ đã lôi kéo, tập hợp 60 người dân tộc thiểu số (DTTS) được trang bị vũ khí, xây dựng căn cứ tại vùng Bidoup, Lạc Dương và gọi là "Lực lượng áo xanh miền núi" dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tình báo Mỹ (đây là lực lượng FULRO hoạt động ngầm trong bộ máy của Mỹ - ngụy). Tháng 3/1975, ta giải phóng Tây Nguyên, FULRO đã cất giấu lương thực, vũ khí, chờ thời cơ gây bạo loạn hòng cướp chính quyền.

Ngay sau giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), bọn phản động FULRO ở Lâm Đồng đã kích động, lôi kéo hơn 3.000 đồng bào DTTS (chủ yếu là thanh niên, học sinh) chạy ra rừng, hoạt động vũ trang và xây dựng cơ sở nằm vùng trong buôn, ấp để chống phá chính quyền. Đặc biệt, chúng đã cấu kết với số chức sắc, cốt cán đạo Tin Lành, sử dụng các nhà thờ, nhà nguyện để nhóm họp, tuyên truyền, kích động, lôi kéo tín đồ tham gia hoạt động FULRO.

Thường xuyên quan tâm, chăm lo, tặng quà cho đồng bào.

Đi đôi với việc củng cố lực lượng, chúng ráo riết đẩy mạnh các hoạt động vũ trang chống phá chính quyền với nhiều hình thức như: Phục kích, tập kích, đột ấp, gom dân để họp, tuyên truyền, rải truyền đơn, ám sát, bắt cóc, cướp tài sản, khống chế quần chúng… gây cho ta những thiệt hại đáng kể về người và tài sản (hơn 200 người chết, 164 người bị thương, 99 người mất tích, cướp 82 súng, gần 20 tấn lương thực và kéo trên 5.000 người DTTS ra rừng).

Trong đó có một số vụ FULRO tập kích, tấn công bộ đội, trụ sở chính quyền gây thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, FULRO ở Lâm Đồng còn cấu kết với bọn phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc thiểu số phía Bắc di cư và bọn phản động từ nơi khác đến để tập hợp lực lượng chống phá cách mạng. Hoạt động táo tợn, manh động của bọn FULRO đã gây ra nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác ổn định tình hình an ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm sau giải phóng.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên: "Vấn đề FULRO không phải đơn thuần là vấn đề quân sự, mà chủ yếu là vấn đề chính trị, phải được giải quyết một cách cơ bản lâu dài. Việc giải quyết FULRO phải gắn liền với việc thực hiện chính sách của Đảng đối với dân tộc, đối với tôn giáo, gắn liền với các nhiệm vụ cải tạo XHCN và xây dựng CNXH ở Tây Nguyên", Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang thành lập các đội công tác xuống địa bàn bám buôn làng, sống cùng dân, vận động đồng bào ổn định định canh định cư, nâng cao đời sống, trong đó cốt yếu là nâng cao trình độ nhận thức cho đồng bào.

Các cán bộ chiến sĩ của Đội chống FULRO thuộc Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh Lâm Đồng (sau này là Phòng PA16) đã tham gia vào các tổ, đội phát động của từng địa phương; thành lập các tổ, các chốt trinh sát bám địa bàn, bám dân thực hiện ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất với bà con, với nhiệm vụ vừa làm trinh sát vừa cầm súng trực tiếp chiến đấu với FULRO. Họ tranh thủ học tiếng đồng bào để có thể gần gũi giao tiếp, hiểu được tâm tư tình cảm bà con.

Một số cán bộ như Đại tá Nguyễn Đức Hiệp, Đại tá Đoàn Văn Liêm - Trưởng Phòng PA88, Thượng tá Nguyễn Văn Sử - Phó trưởng phòng PA88 là những cán bộ có bề dày kinh nghiệm, hầu hết họ đều nghe và nói tiếng dân tộc rất tốt, trở thành những người có uy tín được dân bản tin yêu. Đặc biệt Đại tá Hiệp được bà con tổ chức lễ công nhận là thành viên của người DTTS ở địa phương.

Đây là yếu tố then chốt giúp cán bộ nắm bắt được những suy nghĩ của bà con trong các buôn làng, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, xây dựng thực lực cách mạng, tấn công truy quét FULRO kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng kêu gọi chồng, con, anh, em tham gia FULRO về hàng.

Bên cạnh đó, ta đã mạnh dạn sử dụng số FULRO về hàng (lực lượng chuyên săn) để thuyết phục, vận động số FULRO đang trốn chạy ngoài rừng ra hàng; kết hợp với Công an vũ trang tổ chức nhiều cuộc tấn công vào các căn cứ đầu não của FULRO.

Những cuộc băng rừng giải quyết FULRO của lực lượng Công an.

Những trận đánh không thể nào quên

Đại tá Hiệp cho biết, giải quyết vấn đề FULRO ở Lâm Đồng thời đó rất gian lao, vất vả. Ngày ấy, anh em đi đánh FULRO sôi sục chẳng khác nào đi đánh Mỹ. Cuộc chiến với FULRO cam go, khốc liệt và căng thẳng từng ngày, từng giờ. Đến nỗi mỗi chiến sĩ đều đặt sẵn khẩu súng trên đầu giường để khi cần là đi, đi bất cứ nơi nào. Lội suối, trèo rừng tìm FULRO đánh giáp lá cà. Có trận đánh, Đại tá Hiệp lấy được chuỗi xâu gồm 9 nanh heo - biểu tưởng uy dũng của tên cầm đầu FULRO. Ông mang về bản giơ xâu chuỗi lên tuyên bố đã bắt được tên cầm đầu. Ngay sau đó, hàng trăm tên nằm vùng ra hàng.

Những ngày tháng gian nguy và oanh liệt trên mặt trận chống FULRO, Đại tá Hiệp vẫn nhớ như in trận đánh mà cán bộ chiến sĩ trong đội của ông phải vượt hơn 50km đường rừng hiểm trở để vào núi Hòn Nga (Lạc Dương) truy kích FULRO. Chúng ngoan cố, xả súng chống cự quyết liệt lực lượng của ta, cuộc đấu súng diễn ra ác liệt giữa sào huyện của FULRO. Tổ công tác một mặt chiến đấu ngoan cường, một mặt kêu gọi ra hàng, mở cho chúng một con đường quay trở về chính nghĩa. Cuối cùng, một tên bị tiêu diệt, còn 9 tên buông súng đầu hàng.

Công an Lâm Đồng đến từng bản làng, từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào.

Chiến công vang dội trong cuộc chiến chống FULRO là kêu gọi về hàng gần như toàn bộ PC10, gồm hàng chục tên đầu sỏ FULRO; giải tán, ngăn chặn đường tấn công, cắt đường ra rừng và vô hiệu hóa, lôi kéo Đại úy Quận trưởng Giang Nam về hàng. Huy động, sử dụng có hiệu quả lực lượng chuyên săn vào giải quyết vấn đề FULRO, chính họ nắm tình hình, vận động quần chúng, họ cảm hóa giáo dục, họ biết kẻ cầm đầu và kêu gọi ra hàng. Từ sự tan rã của PC10 Trung ương FULRO, Công an Lâm Đồng liên tục tổ chức các đợt tấn công như vũ bão, đánh thẳng vào lãnh địa FULRO ẩn náu, không cho chúng có cơ hội "hồi sinh". Đồng thời, ta chặn đứng các cánh quân tiếp tế từ bên Campuchia về, làm mất chỗ dựa của Trung ương FULRO.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát xác định được các tổ chức địch, nắm chắc các vị trí đứng chân của chúng để kêu gọi về hàng. Đồng thời quyết liệt truy quét bắt sống số sĩ quan cầm đầu hoạt động vũ trang ở trong rừng, bóc gỡ các cơ sở ngầm trong thôn, buôn. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, chủ động nắm bắt đấu tranh kìm hãm, triệt phá từ khi còn manh nha, nên Lâm Đồng không hề xảy ra các vụ biểu tình, bạo loạn trong vùng DTTS.

Một trong những thành tích tiêu biểu trong công tác đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO ở Lâm Đồng phải kể đến vụ án F101. Đây là vụ án lớn nhất, thành công nhất của cuộc chiến chống FULRO Lâm Đồng. Bây giờ số người kể trọn vẹn không còn nhiều, số thì đã mất, số thì già yếu.

Có một kinh nghiệm đã ngấm vào xương máu mỗi cán bộ chiến sĩ An ninh mà Đại tá Hiệp chia sẻ, là: "Ở với đồng bào phải chân thật, đã hứa với người ta thì phải làm. Một lần để mất niềm tin thì mãi mãi mất niềm tin. Muốn dân hiểu, dân thương thì phải học tiếng nói của họ. Học được rồi nói cho họ nghe, sai thì họ sửa, không ngại ngùng, không xấu hổ gì hết".

Giờ đây, khi những bản làng đã yên bình, cuộc sống của đại bộ phận đồng bào được no ấm, thì vẫn còn đó những hy sinh lặng lẽ của người chiến sĩ Công an. Trong cái lạnh của đất trời Tây Nguyên những ngày xuân, tạm biệt các anh, một cái xiết tay thật chặt đủ hiểu rằng, còn bao nhiêu quyết tâm, nhiệt huyết và cả trăn trở với công cuộc bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững bình yên trên khắp xứ sở sương mù này.

Ngọc Thiện
.
.
.