Những chiến sỹ Cảnh sát truy nã không có Tết
Bởi đặc thù công việc của họ là luôn trong tư thế sẵn sàng đi bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào nếu có tin báo phát hiện tội phạm trốn nã. Chỉ cần lơ là, sơ sẩy một chút là tội phạm sẽ lại "lặn" mất. Có lẽ, chỉ có sự yêu nghề cháy bỏng, sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Đam mê và trách nhiệm
Đại tá Vi Đức Bảo Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Đắk Nông - với dáng người to cao, đôi mắt cương nghị và tinh anh, anh được mệnh danh là "khắc tinh" của tội phạm truy nã. Bằng chất giọng dung dị, gần gũi, vị Đại tá chia sẻ câu chuyện về công việc đặc thù của mình và những đồng đội. Điều đáng nói, anh không nghĩ những công việc đó là sự hy sinh mà là sự đam mê và trách nhiệm.
Đại tá Vi Đức Bảo (thứ 2 từ trái sang) và một số cán bộ chiến sĩ Phòng PC52, Công an tỉnh Đắk Nông. |
Vốn xuất thân là lính sự rồi chuyển sang làm truy nã nên việc nắm bắt tâm lý, hành tung… của tội phạm không có gì quá khó khăn với Đại tá Vi Đức Bảo. Nhưng phụ trách địa bàn biên viễn rộng lớn, chốn "rừng thiêng nước độc", đầy rẫy các loại tội phạm hoạt động, ẩn náu lại là đặc điểm không hề dễ dàng cho công việc của những người lính truy nã.
"Với anh em chúng tôi, những lần đi bắt tội phạm luôn để lại những kỷ niệm không thể nào quên. Cảnh sát truy nã vùng Tây Nguyên - ngoài việc đấu sức, đấu trí với tội phạm còn chịu cảnh "màn trời chiếu đất", ăn, ngủ, tắm mưa rừng thường xuyên. Bọn tội phạm lợi dụng đặc thù địa bàn thường khôn ngoan chạy đến các vị trí hiểm yếu, khu vực biên giới để tẩu thoát.
Đây thực sự là thách thức không hề nhỏ cho cán bộ truy nã. Chúng tôi vì nhiệm vụ mà ngành giao phó, vì niềm tin từ quần chúng nhân dân nên luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để truy nã tội phạm, hoàn thành tốt nhiệm vụ", Đại tá Vi Đức Bảo cho biết.
Khi chia sẻ về các đồng đội của mình, Đại tá Vi Đức Bảo nói về họ với cảm xúc như nói về những người thân trong gia đình. Đại tá Bảo cho biết anh luôn trân trọng và cảm phục những gì mà các đồng đội của mình đã làm được.
Dù thời gian thành lập Phòng PC52 chưa nhiều - 5 năm - nhưng thật khó để kể hết những chuyên án anh và các đồng đội của mình đã thực hiện, trải qua, cố gắng hoàn thành bằng được. "Hiện đơn vị tôi có khoảng 17 cán bộ chiến sĩ, kể ra tên thì dài dòng lắm và ai cũng làm việc hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng điển hình có thể nói như Trung tá Lê Văn Điện, Thiếu tá Ngô Văn Dũng, Đại úy Nguyễn Thanh Lý và nhiều đồng chí khác nữa.
Các đồng chí này đa số đều có thâm niên hơn mười năm làm công tác truy nã, có nhiều kinh nghiệm, nghiệp vụ xuất sắc, tận tâm, gần như chưa "bó tay" với bất cứ tên tội phạm nào. Đã có nhiều cái Tết, khi đang thay phiên nhau trực và khi có tin báo về tất cả đều sẵn sàng lên đường đi bắt tội phạm mà không nề hà bất cứ điều gì. Tôi thực sự rất tự hào về các đồng đội của mình".
Kể lại những kỷ niệm truy bắt tội phạm vào những ngày Tết, phải gác lại niềm vui sum vầy bên gia đình, Đại tá Vi Đức Bảo nhớ về cái Tết gần nhất năm 2015. Hôm đó có người báo tin về tên tội phạm truy nã Phạm Công Luật (SN 1977, ngụ xã Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai, tạm trú Đắk Nông). Trước đó vì ghen tuông vô cớ, Luật đã dùng xăng tưới lên người vợ rồi đốt.
Người vợ sau đó đã chết vì vết bỏng quá nặng và tên Luật đã bỏ trốn sau khi gây án. Hành vi độc ác của Luật khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Tất cả đều mong ban chuyên án sớm bắt giữ được Luật. Đại tá Vi Đức Bảo được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy đồng đội truy bắt tên này.
Đại tá Vi Đức Bảo nhớ lại: "Tên này thường hay nhậu nhẹt, lại rành các đường trên rẫy, các tuyến đường dẫn vào rừng sâu nên hắn đã chạy trốn mất tung tích. Cũng vì Luật chỉ đăng ký tạm trú nên hình ảnh cũng không có nhiều. Theo nhận định ban đầu, Luật đã men theo con suối rồi vượt biên qua nước bạn Campuchia trốn chui trốn lủi. Công an tỉnh lập tức ra quyết định truy nã Luật.
Qua điều tra, ban chuyên án nắm rõ thông tin Luật đang ẩn náu bên nước bạn - gần khu vực biên giới. Hắn thường xuyên thay đổi địa điểm lẩn trốn nên dù được lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an Campuchia nhiệt tình giúp đỡ thì việc bắt giữ vẫn gặp rất nhiều trở ngại. Nhưng với quyết tâm không để Luật nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nên chúng tôi phân bổ trinh sát lùng tìm từ khắp nơi. Và sau đó bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi biết được số điện thoại của Luật".
Từ chi tiết này, Đại tá Vi Đức Bảo đã quyết định chuyển qua dùng phương pháp đấu trí để "dụ rắn ra khỏi hang". Một trinh sát nữ được chỉ định giả vờ gọi nhầm vào số điện thoại của Luật… Cũng từ đó, với sự cố ý lả lơi của nữ trinh sát này, Luật đã "cắn câu", buông lời tán tỉnh, hẹn hò. Xác định thời gian này sẽ dễ dàng cho việc dụ Luật về nước nên đề nghị nữ trinh sát hẹn hò Luật về ăn tết với người thân, gặp mặt chuẩn bị ra mắt hai bên gia đình.
Và công sức của các cán bộ, chiến sĩ truy nã đã có thành quả khi vào đúng đêm Giao thừa bước sang năm mới 2015, Phạm Công Luật đã bị bắt giữ. Nhớ lại thời khắc này, Thiếu tá Ngô Văn Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát truy nã tội phạm hệ trật tự xã hội (Phòng PC52 - Công an tỉnh Đắk Nông), người trực tiếp cùng đồng đội "nếm mật nằm gai" đi bắt tên Luật, kể lại: "Đúng vào đêm 30 Tết, khi Luật vừa về đến cửa khẩu bằng đường tiểu ngạch, sau khi quan sát và nhận định kỹ từ thông tin nữ trinh sát cung cấp, biết chắc chắn đó là Luật, chúng tôi đã tóm gọn tên này khi thời khắc Giao thừa bước sang năm mới.
Khi chúng tôi đưa Luật về đến Công an tỉnh cũng là lúc trời gần sáng. Lúc đó, do quá mệt và buồn ngủ nên coi như ngày hôm đó chúng tôi chẳng tha thiết gì Tết nhất nữa. Nhưng cả đội coi đó là món quà Tết ý nghĩa nhất khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Vận động đầu thú - việc làm nhân văn
Theo các cán bộ Cảnh sát truy nã, để bắt được các đối tượng trốn nã, bên cạnh lòng nhiệt tình, tận tụy với công việc của các trinh sát trong đơn vị, sự phối hợp của các đơn vị bạn, các cán bộ truy nã cũng đã lên kế hoạch tổ chức xác minh, lần tìm theo từng địa chỉ, mối quan hệ của các đối tượng, đồng thời lên kế hoạch bắt giữ các đối tượng một cách chi tiết…
Một đối tượng truy nã bị các chiến sĩ bắt giữ. |
Tuy vậy, bên cạnh việc truy bắt các đối tượng truy nã thì trong những năm qua cán bộ chiến sĩ Phòng PC52 - Công an tỉnh Đắk Nông thường xuyên đẩy mạnh công tác vận động đầu thú. Cảnh sát truy nã không chỉ có truy tìm, lùng bắt mà còn có thể dùng cái tâm, cái tài của mình để vận động thuyết phục đối tượng cũng như vận động người nhà đối tượng động viên, kêu gọi đối tượng ra đầu thú.
Đại tá Vi Đức Bảo cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, tập thể cán bộ chiến sĩ Cảnh sát truy nã đã vận động được hơn 120 đối tượng ra đầu thú. Riêng trong năm 2015, Phòng đã vận động đầu thú 32 đối tượng, trong đó có 10 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Có thể nói, công tác vận động đối tượng ra đầu thú là việc làm nhân văn, giúp tiết kiệm sức người, sức của, đồng thời mang lại hiệu quả cao, góp phần làm giảm tỷ lệ phát sinh đối tượng truy nã.
Phối hợp với Công an Campuchia truy bắt và bàn giao một đối tượng truy nã. |
Nhớ lại kỷ niệm về lần vận động tội phạm ra đầu thú đúng vào dịp Tết, Thiếu tá Ngô Văn Dũng kể: "Tôi nhớ dịp Tết năm 2013, có hai vợ chồng trước đó có lệnh truy nã về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nhưng cả hai đã bỏ ba đứa con nhỏ lại rồi trốn biệt. Sau khi nhận được lệnh truy nã, chúng tôi có tìm hiểu về gia cảnh của đôi vợ chồng này và nhận định rằng, họ còn ba đứa con nên không thể đi biền biệt mãi được.
Tết năm đó, đúng ngày mùng 1, tôi đến nhà đối tượng, mua quà cho ba đứa trẻ. Khi vừa vào đến nhà, tôi hỏi han gia đình và ba đứa trẻ. Qua câu chuyện, tôi biết người vợ đang về ăn Tết, vì đứa con nhỏ nhất vô tư bảo là có mẹ về. Đứa lớn thì giấu, tôi đi vòng sau nhà, thấy đối tượng nữ đứng trốn sau nhà. Tôi nhẹ nhàng gọi vào, khuyên nhủ rằng tôi có thể bắt cô ta ngay lúc đó, nhưng đang là ngày Tết nên tôi cho phép cô ấy được ăn Tết bên cạnh ba đứa con.
Nhưng qua ngày hôm sau, cô phải khuyên chồng về đầu thú, tội danh của cả hai cũng không quá nặng. Hai vợ chồng cô còn các con nên không thể bỏ chúng mãi được. Vì thế, cứ chịu trách nhiệm cho tội trạng của mình xong rồi về nuôi con. Nếu đầu thú, cả hai còn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Cô ấy nghe xong đã khóc và gọi chồng về, sau đó cả hai đã ra Công an tỉnh đầu thú ngay trong dịp Tết".
Có lẽ sẽ còn nhiều cái Tết nữa, các cán bộ chiến sĩ của Phòng PC52 luôn túc trực để đi bắt phạm, dù mọi người vẫn vui vẻ đón Tết hay quây quần bên gia đình. Nhưng điều đó không làm các cán bộ chiến sĩ buồn lòng mà vẫn tươi cười vui vẻ. Thượng tá Nguyễn Trọng Quân, Phó Trưởng phòng PC52 cho biết thêm: "Khi chúng tôi đã đi bắt tội phạm là cấp trên cũng như cấp dưới đều bắt tay vào mỗi người một nhiệm vụ và cùng phối hợp tác chiến. Ngay như Đại tá Vi Đức Bảo cũng từng bao lần đi chân đất lên rừng, rồi lội suối, lao vào trước để bắt tội phạm, chứ không phải chỉ đứng mà chỉ đạo cho lính làm".
Có thể nói, những cán bộ chiến sĩ truy nã có thể đi bất cứ nơi đâu để truy bắt tội phạm với những bàn chân không mỏi vì nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Đúng như lời Đại tá Ngô Đình Sáu - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông chia sẻ khi được hỏi về những người lính truy nã: "Đó là nhiệm vụ, trách nhiệm, nhưng thực sự phải yêu nghề lắm, phải tâm huyết lắm, các cán bộ chiến sĩ Phòng PC52 mới hết lòng hết sức vì sự an toàn của người dân nhiều như thế".