Nhiệt huyết của người chiến sĩ Công an dân tộc Jrai

Thứ Tư, 03/06/2015, 09:00
Vốn là người dân tộc Jrai, xuất thân trong một gia đình cán bộ công chức, nhưng yêu thích nghề Cảnh sát hình sự (CSHS), anh quyết tâm thi đỗ vào Đại học Cảnh sát nhân dân khu vực phía Nam để trở về quê hương phục vụ đồng bào. 14 năm trong nghề CSHS, Thiếu tá Siu Kiên, Đội phó Đội Hướng dẫn điều tra án về xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Gia Lai đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, được bà con dân tộc yêu mến và ủng hộ.

Người con của núi rừng

Gương mặt trang nghiêm, ánh mắt cương nghị, nhưng ở Thiếu tá Siu Kiên vẫn đậm nét chất phác, giản dị và cởi mở của người con Jrai. Có lẽ vì xuất thân là người dân tộc, có sự am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán cũng như ngôn ngữ của người dân địa phương, nên ngay từ khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân năm 2001, Thiếu tá Siu Kiên đã được lãnh đạo đơn vị tin tưởng phân công phối hợp điều tra nhiều vụ án xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và rồi sau mỗi lần trở về với các buôn làng để điều tra, phá án, tiếp xúc với bà con bằng sự cởi mở, chân thành nhất, anh nhận được nhiều tình cảm cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con nơi đây.

Còn nhớ một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra lúc nửa đêm tại huyện Đăk Đoa, khi 15 tên cầm dao, rựa xông vào nhà rẫy khống chế ông Phạm Phú Bình ở làng Grek, xã Trang, cướp 19 bao cà phê khô. Vụ án táo tợn khiến người dân trong vùng hết sức hoang mang lo sợ, bởi xảy ra trên nương, rẫy vắng vẻ, ít người qua lại. Nhiều ngày liền, người dân không dám lên nương, rẫy làm việc vì sợ bị cướp.

Thiếu tá Siu Kiên.

Để giúp người dân ổn định tư tưởng yên tâm làm việc, Thiếu tá Siu Kiên và đồng đội một mặt trấn an tinh thần bà con, mặt khác nhanh chóng triển khai kế hoạch truy bắt các đối tượng. Xác định các đối tượng có thể là người bản địa, Thiếu tá Siu Kiên và các đồng đội tích cực vận động quần chúng tố giác tội phạm. Nhờ tình cảm và sự chân thành, gắn bó bao năm nay của chàng Công an người dân tộc mà người dân các buôn làng đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an vận động đầu thú và bắt giữ 14 đối tượng liên quan ở xã Glar, huyện Đăk Đoa.

Bản lĩnh của người Jrai

Cuối năm 2012, một vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thị trấn Đăk Đoa. Nạn nhân là bà Trần Thị Ái và con gái Nguyễn Thị Thuỷ bị kẻ thủ ác đâm chết bởi hàng chục nhát dao oan nghiệt và cướp đi nhiều tài sản có giá trị. Điều tra bước đầu xác định đối tượng nghi vấn là Tú (chưa rõ nhân thân, lai lịch) trú tại Bình Phước, là người làm thuê trong nhà. Ngay trong đêm, Thiếu tá Siu Kiên cùng các trinh sát vào ngay Bình Phước để phối hợp với Công an địa phương xác minh, sàng lọc các đối tượng và thấy nổi lên là đối tượng Nguyễn Thanh Tú (20 tuổi, trú tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng) đã nhiều năm bỏ nhà sống lang thang, không nơi ở cố định.

Suốt nhiều ngày liền, không kể nắng mưa, Thiếu tá Siu Kiên trong vai một người xe ôm kiên trì theo dõi, tiếp cận và nắm bắt thông tin về các mối quan hệ xã hội của đối tượng. Từ tấm ảnh đối tượng do anh và các trinh sát bí mật thu thập gửi về, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã bắt giữ được thủ phạm là Nguyễn Thanh Tú và Nguyễn Ngọc Hiền (22 tuổi, trú tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng) khi chúng đang lẩn trốn ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Tại cơ quan điều tra, Tú và Hiền khai nhận, chúng được chị Thủy nhận vào làm thuê và ở tại quán. Tối 22/12/2012, lợi dụng chồng chị Thủy vắng nhà, Tú, Hiền lẻn vào phòng cháu Võ Thành Trung (14 tuổi, con trai chị Thủy) khống chế, bịt miệng, trói tay chân cháu.

Phát hiện sự việc, bà Trần Thị Ái (75 tuổi, mẹ ruột chị Thủy) kêu cứu thì bị bọn chúng đâm liên tiếp hơn 20 nhát dao làm bà Ái chết tại chỗ. Sau đó, chúng vào phòng chị Thủy trói và dùng dao đe dọa, tra khảo, đâm chị Thủy gần 30 nhát để chị nói mật mã két sắt khiến chị tử vong. Không mở được két sắt, chúng lấy một xe máy, hai điện thoại di động, tiền và một số nữ trang bằng vàng rồi bỏ trốn.

Hai đối tượng Nguyễn Ngọc Hiền và Nguyễn Thanh Tú tại phiên tòa.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây xôn xao dư luận tỉnh Gia Lai. Hành vi phạm tội của hung thủ thể hiện tính côn đồ, hung hãn. Cùng một lúc, 2 hung thủ có tuổi đời còn khá trẻ đã xuống tay giết chết cả 2 mẹ con chị Thủy bởi hàng chục nhát dao, mặc dù đã được chị Thủy van xin. Nhưng bằng trách nhiệm và tinh thần làm việc cao độ, Thiếu tá Siu Kiên và các đồng đội đã khiến kẻ thủ ác phải cúi đầu nhận tội.

Ngày 22/7/2013, tại thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Tòa án Nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử công khai vụ án Nguyễn Thanh Tú và Nguyễn Ngọc Hiền giết người, cướp tài sản. Hàng ngàn người dân có mặt tại phiên tòa đều đồng tình khi hai kẻ thủ ác cùng phải chịu mức án cao nhất là tử tình cho hành vi man rợ, tàn ác, mất hết tính người mà chúng đã gây ra.

Cuộc đấu tranh với tội phạm hình sự luôn là cuộc chiến không khoan nhượng, đòi hỏi người chiến sĩ Công an không chỉ rèn luyện một tinh thần thép, một ý chí thép để đối diện với muôn vàn hiểm nguy, gian khổ luôn rình rập mà còn phải luôn trau dồi, nâng cao trình độ nghiệp vụ để đối phó với những thủ đoạn mưu mô, xảo quyệt của kẻ gây án.

Còn nhớ một vụ án xảy ra năm 2012, đối tượng Võ Thị Kim Chung (trú tại phường Hoa Lư, Thành phố Pleiku) đã lợi dụng mối quan hệ quen biết để chiếm đoạt tiền của một số người dân ở thành phố Pleiku rồi hợp thức hoá bằng cách lập bản cam kết trả nợ khống, làm cho nhiều người vay tưởng thật mà ký nhận, nhưng sau đó Chung không trả. Chung cho rằng, số tiền vay này sử dụng vào việc hoạt động mua bán nông sản của doanh nghiệp tư nhân Minh Chung (do Chung làm chủ). Song doanh nghiệp tư nhân Minh Chung thực tế chỉ là vỏ bọc không hoạt động kể từ khi cấp mã số thuế năm 2008, không kê khai thuế, không nộp thuế theo quy định pháp luật…                               

Để đối phó với cơ quan chức năng, Chung đã huỷ các tài liệu, giấy tờ quan trọng nên công tác điều tra, xử lý bế tắc vì không thu thập được đủ chứng cứ. Sau khi Chung tuyên bố vỡ nợ, các khổ chủ gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Vụ việc kéo dài trong nhiều năm liền, nhưng cơ quan chức năng cho rằng vẫn chưa đủ yếu tố để khởi tố Chung về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nên cuối cùng, tòa án đã xử lý vụ việc như tranh chấp dân sự khiến người dân vô cùng bức xúc.

Thiếu tá Siu Kiên công bố lệnh bắt tạm giam đối tượng Võ Thị Kim Chung.

Quyết tâm không để đối tượng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, gây bức xúc cho nhân dân, Thiếu tá Siu Kiên đã phối hợp cùng Công an thành phố Pleiku rà soát lại toàn bộ hồ sơ, tài liệu, xem xét chi tiết đơn tố cáo của người dân, thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh Chung lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Và ngày 21/2/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Võ Thị Kim Chung về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tin Chung bị bắt khiến người dân nơi đây vô cùng phấn khởi, bởi sau bao ngày lặn lội đến các cơ quan chức năng để gửi đơn tố cáo, cuối cùng họ cũng được đền đáp xứng đáng, dù số tiền mồ hôi nước mắt của họ đã bị Chung chiếm đoạt không biết bao giờ mới có thể lấy lại.

Phòng PC45 Công an tỉnh Gia Lai duy nhất chỉ có Thiếu tá Siu Kiên là người dân tộc thiểu số, nhưng anh luôn lấy đó là thế mạnh của riêng mình để làm tốt vai trò của một chiến sĩ CSHS. Bởi chính nhờ xuất thân và sự cởi mở, chân thành, gần gũi của mình mà anh luôn nhận được tình cảm yêu mến và giúp đỡ nhiệt tình của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là một lợi thế không phải ai cũng có được trong đời đánh án.

Với vai trò là Đội phó Đội hướng dẫn điều tra án xâm phạm sở hữu, Thiếu tá Siu Kiên luôn phát huy được vai trò của người chỉ huy gương mẫu, nhiệt huyết, say nghề, dũng cảm, mưu trí được bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là bà con các buôn làng cảm phục và tin yêu.

Phong Trâm
.
.
.