Người chỉ huy trên mặt trận bảo vệ môi trường ở Phú Yên

Thứ Hai, 15/08/2016, 08:44
Từ một người lính bình thường đến vị thế Trưởng phường, Phó trưởng Công an thành phố rồi chỉ huy một phòng nghiệp vụ của tỉnh, anh luôn khẳng định trách nhiệm và năng lực của mình bằng nhiều chiến công. Anh là Đại tá Lê Chí Lượng - Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Phú Yên.

Gặp nhau giữa đời thường dễ nhầm tưởng anh là nhà giáo, bởi phong thái hiền lành, khiêm tốn, giao tiếp nhỏ nhẹ, thế nhưng sau gần 38 năm công tác trong lực lượng Công an, từ một người lính bình thường đến vị thế Trưởng phường, Phó trưởng Công an thành phố rồi chỉ huy một phòng nghiệp vụ của tỉnh, anh luôn khẳng định trách nhiệm và năng lực của mình bằng nhiều chiến công. Anh là Đại tá Lê Chí Lượng - Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Phú Yên. 

1. Biết nhau đã hơn một phần tư thế kỷ, kể từ khi anh còn công tác dưới phường, nên sau cú điện thoại liên hệ trước, Đại tá Lê Chí Lượng tiếp tôi rất thân tình. Mở đầu câu chuyện về duyên nghiệp của mình, anh chia sẻ: 

"Tôi sinh trưởng trong gia đình nông dân ở vùng quê Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nên thời niên thiếu tôi đã trải nghiệm những công việc thường nhật ở nông thôn, thế nhưng ước mơ trở thành chiến sĩ trong lực lượng Công an đã đánh thức tâm trí của tôi khi đang học năm cuối bậc phổ thông trung học...". 

Đại tá Lê Chí Lượng.

Thời điểm đó đất nước mới thống nhất được vài năm, nên ở phía Nam chưa có các trường cao đẳng - đại học Công an, nên sau khi được đào tạo trung cấp Cảnh sát anh Lượng về nhận công tác ở Công an thị xã Tuy Hòa và lần lượt đảm trách nhiệm vụ hình sự, an ninh, quản lý hành chính... 

Từ những nỗ lực trong công tác, giữa năm 1982 anh Lượng được phân công làm Phó trưởng Công an phường 2 hơn 2 năm thì giữ chức trách Trưởng Công an phường xuyên suốt 17 năm và sau đó được bổ nhiệm Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa. Đại tá Lượng nhớ lại: 

"Nói đến địa danh phường 2, thị xã Tuy Hòa thời đó, không riêng người dân địa phương mà nhiều người ở Bình Định, Khánh Hòa, thậm chí ở một số tỉnh, thành phố phía Nam đều biết đó là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. 

Những cuộc chạm trán bằng dao, búa, cây, gậy giữa các băng, nhóm giang hồ tụ tập nhiều tay anh chị có số má và những nhóm cướp - cướp giật, trộm cắp, móc túi, lừa đảo… thường xuyên xảy ra ở hai đầu mối giao thông đường bộ - đường sắt lớn nhất ở Phú Yên là ga xe lửa Tuy Hòa và Bến xe liên tỉnh... 

Khi CBCS Công an vào cuộc đấu tranh ngăn chặn những vụ "huyết chiến", không ít đối tượng ngông cuồng thách thức, sử dụng hung khí chống trả... 

Lúc đó, tôi cùng đồng đội phải cẩn trọng tính toán, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ rà soát đối tượng để quản lý, phân hóa mối quan hệ của các băng, nhóm kết hợp tiếp cận, tìm hiểu gia cảnh, đời sống tâm lý một số đối tượng ngang ngược để cảm hóa giáo dục và hỗ trợ tìm kiếm việc làm ổn định để họ có cơ hội mưu sinh lương thiện, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh những đối tượng lì lợm, lưu manh côn đồ, tái phạm nguy hiểm". 

Ngừng một lát Đại tá Lượng kể tiếp: 

"Không phải ngày một ngày hai, mà tôi cùng các đồng nghiệp vất vả kiên trì nhiều ngày đêm phối hợp với Cảnh sát hình sự thị xã thời đó mở nhiều cuộc tấn công trấn áp tội phạm ở địa bàn ga xe lửa Tuy Hòa và bến xe liên tỉnh mới chuyển hóa địa bàn phức tạp dần ổn định. Nhiều tay anh chị cộm cán trong giới giang hồ lần lượt bị đưa đi cải tạo giáo dục tập trung hoặc xử lý hình sự về các tội danh do họ gây ra. 

Thời gian tôi làm chỉ huy ở cơ sở, 14 năm Công an phường 2 là đơn vị quyết thắng, 10 năm cán bộ - nhân dân phường 2 được Bộ Công an tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ khối phường, thị trấn ở Phú Yên. Những địa danh "xóm ga", "xóm trại bò", "xóm chợ", "bến xe"… không còn là nỗi lo của người dân, không ít đối tượng hình sự trở thành những tấm gương dũng cảm truy bắt tội phạm… 

Thêm một điều đáng trân trọng ghi nhận là hầu hết CBCS công tác ở Công an phường 2 thời điểm đó đã trưởng thành, vươn lên đảm nhiệm các chức vụ Trưởng, Phó trưởng Công an phường hoặc Đội trưởng, Phó đội trưởng các đội nghiệp vụ ở Công an TP Tuy Hòa. Đó là Hồ Khắc Trung, Phạm Đình Dũng, Lê Đình Tuận, Nguyễn Văn Tụ, Huỳnh Văn Chào, Nguyễn Hữu Phú, Trương Văn Ngọc, Đặng Tư, Nguyễn Trung Trực…". 

Mãi đến khi an ninh trật tự ở địa phương thật sự bảo đảm ổn định, anh Lượng mới có thời gian theo học Đại học Cảnh sát tại TP Quy Nhơn. Cuối năm 2001 anh được bổ nhiệm Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, đảm trách công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

2. Cuối năm 2007, anh Lượng rời vị trí Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa để đảm nhiệm chức trách Trưởng Phòng PC49 Công an Phú Yên khi đơn vị này mới thành lập. 

Anh tâm sự : "Dù là tỉnh lẻ ven biển khu Nam Trung bộ, nhưng Phú Yên có tiềm năng tài nguyên đất đai, rừng, biển, đầm, vịnh với nhiều loại động thực vật, lâm đặc sản, khoáng sản, hải sản... 

Bên cạnh nạn săn lùng đá cảnh, cây cảnh cổ thụ, phá rừng làm nương rẫy, khai thác, mua bán và vận chuyển gỗ lậu khiến cho nhiều cánh rừng đối mặt nguy cơ cạn kiệt, nạn khai thác vàng sa khoáng, diatomite, đá granit trái phép bùng phát, tái diễn nhiều nơi gây bức xúc về môi trường. Ở những đầm, vịnh ven biển, vẫn còn tình trạng khai thác san hô, sử dụng nhiều loại ngư cụ đánh bắt hải sản mang tính hủy diệt. 

Mặt khác, những năm gần đây, nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp, thủy sản, dược phẩm, công trường khai thác khoáng sản hình thành và hoạt động, công tác bảo vệ môi trường khi xử lý khí thải, chất thải cần phải được quan tâm…". 

"Cỗ máy" khai thác vàng trên sông Ba đã bị Phòng PC49 Công an Phú Yên phát hiện, bắt giữ.

Thời điểm đó nạn đào đãi vàng sa khoáng trái phép bùng phát ở miền núi và ngay trên dòng sông Ba, cuốn hút những nhóm "vàng tặc" trong và ngoài tỉnh bám trụ ngày đêm ở Hòn Dung, Hóc Vàng - huyện Sơn Hòa; Hòn Cồ, Suối Pháp, Hòn Mò O - huyện Sông Hinh... 

Những triền núi sạt lở tan hoang, tiếng máy xay đá âm vang ở nhiều đồi rừng, những đường hầm đào bới sâu xuống lòng đất và xuyên trong lòng núi đầy ắp hiểm nguy rình rập sinh mệnh con người, nhiều vạt rừng bị xâm hại, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng vì chất thải từ các bãi vàng đổ vào sông, suối đe dọa đời sống và sản xuất của người dân vì không loại trừ nguy hại khi những nhóm "vàng tặc" sử dụng hóa chất để phân kim… 

Với chức trách người chỉ huy, anh Lượng chỉ đạo nhiều mũi trinh sát cải trang tiếp cận từng bãi vàng sa khoáng để xác định địa hình và hoạt động đào đãi vàng trái phép rồi triển khai phương án truy chặn hàng chục nhóm "vàng tặc". 

Đại tá Lượng nhớ lại:

"Giữa tháng 3-2011, một "cỗ máy" đãi vàng xuất hiện ở cồn Mướp trên sông Ba uốn lượn giữa một bên là thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa một bên là xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh. 

Đây là hệ thống máy móc thiết bị đặt trên hai sà lan, suốt ngày đêm hoạt động khai thác, gạn đãi vàng sa khoáng bằng dây chuyền công nghệ với 60 chiếc gàu sắt kết nối trên băng chuyền tự động xoay vòng múc cát đưa lên máng đãi vàng. 

Lúc đó tôi chỉ huy hai mũi trinh sát gồm 10 CBCS đi xuồng vượt sông, bất ngờ vây bắt quả tang hoạt động đào đãi vàng nêu trên. 

Sau cuộc đột kích đó, ngoài việc xử phạt chủ thầu là Nguyễn Đình Toản, 47 tuổi. trú ở xã Trung Đông, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định 70 triệu đồng, cơ quan thẩm quyền còn tịch thu phương tiện vi phạm hành chính". 

Đại tá Lượng tâm sự: 

"Ngoài vàng sa khoáng, Phú Yên còn có trữ lượng lớn diatomite, đá granit… ở miền núi và cát xây dựng ở hạ lưu các dòng sông Kỳ Lộ, Đà Rằng và các cửa biển Lễ Thịnh, Tiên Châu, Đà Diễn, Đà Nông... Không ít đối tượng thuê nhân công xâm nhập khai thác khoáng sản trái phép ở huyện này, xã kia trên địa bàn rộng lớn, nên các trinh sát vất vả cất công vượt qua nhiều chặng đường rừng, đến nhiều đoạn sông để tiếp cận hiện trường, xác minh, thu thập chứng cứ rồi triển khai phương án truy chặn và xử lý vi phạm". 

Đó là chuyện trên núi, dưới sông và bên biển, còn tại 3 khu công nghiệp Hòa Hiệp, An Phú, Sông Cầu và tại một số doanh nghiệp ở Phú Yên, đã có nơi này lén lút xả thải ra bên ngoài, nơi kia chôn lấp hóa chất độc hại và rác thải công nghiệp bừa bãi, nhưng vẫn bị phát hiện, xử lý kịp thời.

Nghe tôi hỏi đến những kỷ niệm sâu sắc, Đại tá Lượng chia sẻ : "Có nhiều chuyện buồn, vui trong nghề, nhưng kỷ niệm đáng nhớ là vụ bắt giữ 9 cây cảnh cổ thụ cả trăm năm tuổi vận chuyển trên 4 xe tải "khủng" đang rời miền núi xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa theo hành trình ra các tỉnh phía Bắc. Tôi cùng các đồng nghiệp kiên trì kiến nghị cơ quan thẩm quyền không chỉ xử phạt hành chính mà còn buộc đối tượng vi phạm trồng lại và chăm sóc toàn bộ cây cổ thụ nêu trên cho đến khi cây sống".

Trước khi chia tay, Đại tá Lê Chí Lượng từ chối nói về những tấm huân chương, bằng khen của riêng mình, mà lại trăn trở chia sẻ: 

"Tôi cùng các đồng đội của mình không mừng khi mỗi năm phát hiện năm, bảy chục vụ vi phạm pháp luật về môi trường để xử phạt tiền tỷ mà mục tiêu chúng tôi hướng tới là chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời vi phạm để bảo vệ môi trường cuộc sống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đảm bảo đúng pháp luật để góp phần đổi mới và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương".

Phan Văn Lương
.
.
.