Lý Thái Tông: Bậc minh quân tài cao, đức trọng
Thái Tông Hoàng đế tên thật là Lý Phật Mã, còn có tên khác là Lý Đức Chính, là con trưởng của Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn). Ông sinh ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý (29-7-1000) tại chùa Duyên Ninh trong kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, khi Lý Công Uẩn vẫn còn làm quan dưới triều Nhà Tiền Lê. Mẹ của ông là bà Lê Thị Phất Ngân, con gái Vua Lê Đại Hành và Hoàng hậu Dương Vân Nga.
Định mệnh Vũ Tinh
Những nhà nghiên cứu tử vi cho rằng Lý Phật Mã vừa sinh ra đã được định sẵn là một Hoàng đế bách chiến bách thắng, một định mệnh khó khăn, sắt máu nhưng đầy vinh quang. Đầu tiên là năm sinh Canh Tý đã nói lên tương lai của một vị vua uy vũ. Tý đứng đầu 12 con Giáp, tượng trưng cho vua. Chữ Canh thuộc Kim tượng trưng cho kim loại, binh khí, chiến tranh.
Những dấu hiệu trên thân thể ông cũng nói lên những điều tương tự. Tương truyền, thuở nhỏ Lý Phật Mã đã có 7 nốt ruồi sau gáy như chòm sao thất tinh (sao Bắc Đẩu). Chòm sao này ở Ireland được ví như “cỗ xe chiến mã của Vua David” (King David’s Chariot), một trong những vị vua đầu tiên của hòn đảo này. Ở Pháp, nó là “Great Chariot”.
Một cái tên phổ biến khác là Charles’s Wain (Cỗ xe kéo của Charles-Charlemagne hay Charles Đại đế là vị Hoàng đế chinh phục vĩ đại nhất của Đế quốc Carolinger - tiền thân của nước Pháp). Bắc Đẩu trên vai vốn là hình tượng cỗ xe chiến tranh nổi tiếng, là dấu hiệu cho biết đây sẽ là một vị vua uy dũng có tài chinh phục.Trong khi đó, 7 vị tinh quân của sao Bắc Đẩu gồm Tham Lang, Phá Quân, Vũ Khúc, Liêm Trinh, đều là những vì sao được mệnh danh là sát tinh, chủ việc quân sự, tổ hợp của các ngôi sao này đem lại sự tàn phá và bạo loạn. Ngoài ra, còn có Lộc Tồn tượng trưng cho tiền bạc sung túc và mưu kế sâu xa trong binh pháp. Văn Khúc tượng trưng cho tài văn học, Liêm Trinh tượng trưng cho sát khí và uy quyền.
Tổ hợp sao này hầu như không ai muốn nó xuất hiện trong lá số tử vi vì sức phá hoại mạnh mẽ của nó khiến ít người có thể chế ngự nổi. Nhưng đối với bậc “Chân mệnh Thiên tử” như Lý Phật Mã thì đây lại là một lá số tuyệt vời để ông dẹp yên thiên hạ với những vũ công hiển hách (Liêm Tham Vũ Phá) và xây dựng một nền văn trị giàu mạnh để đời (Văn Khúc Lộc Tồn).
Độ lượng bao dung
Năm 1028, Thái Tổ Hoàng đế băng hà, chưa tế táng xong, thì các hoàng tử là Vũ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử. Sử sách gọi là Tam vương chi loạn.
Bấy giờ các quan đứng đầu là Lý Nhân Nghĩa xin Thái tử Phật Mã cho đem quân ra thành quyết được thua một trận. Khi quân của Thái tử và quân các vương đối trận, thì quan Vũ vệ tướng quân là Lê Phụng Hiểu rút gươm ra chỉ vào Vũ Đức vương mà bảo rằng: "Các người dòm ngó ngôi cao, khi dễ tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vậy Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này!". Nói xong tướng quân Lê Phụng Hiểu chạy xông vào chém Vũ Đức vương ở trận tiền. Quân các vương trông thấy sợ hãi bỏ chạy cả. Dực Thánh vương và Đông Chinh vương cũng phải chạy trốn.
Cũng trong năm 1028, nghe tin Vũ Đức vương bị giết trong cuộc chiến ngai vàng, Khai Quốc vương đóng ở phủ Trường Yên (Hoa Lư) lòng càng bất bình, cậy có núi sông hiểm trở bèn đem phủ binh làm phản. Lý Thái Tông thân đi đánh. Ngày đến Trường Yên, Khai Quốc vương đầu hàng. Vua hạ lệnh rằng: "Ai cướp bóc của cải của dân thì chém". Quân sĩ nghiêm theo, không mảy may xâm phạm. Đại quân vào thành Hoa Lư, dân trong thành đem dâng biếu trâu rượu đứng đầy đường. Vua sai sứ tuyên chỉ động viên, cả thành vui to. Vua từ phủ Trường Yên về, xuống chiếu tha tội cho Khai Quốc vương, vẫn cho tước như cũ.
Năm 1049, Vua Lý Thái Tông cho dựng chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột. |
Dẹp xong loạn Tam vương, ngày Kỷ Hợi (tức ngày 1-4-1028), Thái tử Lý Phật Mã lên ngôi, tức là Lý Thái Tông. Ông đổi niên hiệu là Thiên Thành. Về sau, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương xin về chịu tội. Thái Tông nghĩ tình cốt nhục bèn tha tội cho, và lại phục chức cũ cho cả hai người.
Cũng vì sự phản nghịch của Tam vương, Lý Thái Tông mới lập lệ: cứ hàng năm, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Yên Thái, Hà Nội) làm lễ đọc lời thề rằng: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, ai bất hiếu bất trung, xin quỷ thần làm tội". Các quan ai trốn không đến thề phải phạt 50 trượng.
Ở Trung Hoa, câu chuyện Huyền Vũ Môn nổi tiếng của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã đi vào sử sách muôn đời. Lý Thế Dân cũng lâm vào tình cảnh tương tự như Lý Thái Tông, buộc phải giết 2 người anh em của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. Các sử gia vẫn ca ngợi điều đó như một lựa chọn sáng suốt, bất chấp tính đẫm máu của nó. Lý do là hành động đó được xem như đại nghĩa diệt thân, đem lại sự ổn định cần thiết cho triều Đường.
Còn Lý Thái Tông đã làm điều ngược lại khi tha cho các Vương tham gia phản loạn (trừ một người bị giết lúc chiến đấu). Nhưng triều đại của ông chẳng phải vẫn hùng mạnh và ổn định sao? Ông đã cho hậu thế thấy một điều là lòng nhân từ sẽ luôn chiến thắng và sinh mệnh của người khác vốn là điều rất trân quý, không thể tùy tiện mà giết người. Còn điều gì có thể đẹp hơn nữa không? Tên của ông (Phật Mã) vốn là có một chữ Phật cũng quả là không phụ cái danh đó vậy.
Bình định thiên hạ, ban bố Hình thư
Vốn được rèn giũa từ tấm bé, tài võ bị, thao lược của Lý Thái Tông nức tiếng gần xa. Phàm là giặc Chiêm Thành quấy phá hay giặc cỏ nổi loạn đều bị Lý Thái Tông cầm quân dẹp yên.
Năm 1044, giặc Chiêm Thành quấy quả vùng biên, Lý Thái Tông cầm quân đánh thẳng vào kinh đô Chiêm Thành, chém chết vua Chiêm. Từ ấy, bờ cõi được yên ổn.
Ở vùng biên giới phía Bắc, họ Nùng dấy quân làm phản, tự xưng hoàng đế, tự lập quốc hiệu, lại xua quân quấy phá khiến dân chúng không được yên. Lý Thái Tông bèn đích thân cầm quân dẹp loạn, bắt được kẻ cầm đầu là Nùng Tốn Phúc và vợ con hắn về kinh trị tội. Riêng có Nùng Trí Cao chạy thoát, lại nối gót cha làm phản, vẫn xưng đế và cướp đất làm càn. Lý Thái Tông bèn sai người đi đánh, bắt được Trí Cao.
Để tỏ lòng khoan dung, Thái Tông tha chết cho Trí Cao, phong cho chức Quảng Nguyên Mục, tước Thái Bảo. Nhưng Trí Cao vẫn ngầm nuôi mộng xưng đế. Năm 1048, Trí Cao lại xưng là Nhân Huệ Hoàng đế, bị tướng triều đình là Quách Thịnh Dật đánh chạy dạt sang đất Trung Quốc. Tại đây, Trí Cao cầm quân đánh chiếm Ung Châu và 8 châu khác thuộc vùng Quảng Đông, Quảng Tây của nhà Tống.
Về kế sách trị nước, Lý Thái Tông chủ trương dùng pháp trị kết hợp với đức trị. Chính sự kết hợp hài hòa, mềm dẻo này mà xã hội dưới thời trị vì của Lý Thái Tông rất phát triển. Với chủ trương pháp trị, năm 1042, Lý Thái Tông cho soạn bộ “Hình thư”. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử lập pháp của Đại Việt. Tiếc rằng bộ luật này sau đó bị giặc phương Bắc cướp và tiêu hủy mất. Người đời sau vì thế mất đi một tư liệu quý.
Dù ban hành Hình thư, nhưng Lý Thái Tông chủ trương không nặng về hình phạt, coi trọng việc cảm hóa người dân. Với những tội nhẹ, Lý Thái Tông định ra quy chế cho được lấy tiền chuộc tội. Bởi vậy, xã hội ngày càng ít có loạn. Lý Thái Tông cũng là vị vua rất biết khoan sức dân. Mỗi khi mất mùa, đói kém, hoặc giả đánh trận trở về, vua đều giảm thuế cho dân. Vì thế, nhân dân rất phấn khởi, hết lòng quy thuận.
Lòng nhân từ của Vua Lý Thái Tông khi tha cho các Vương tôn làm loạn và Nùng Trí Cao đã khiến ông bị nhà sử học Ngô Sĩ Liên theo quan điểm Nho giáo chỉ trích "mê hoặc theo thuyết từ ái của đạo Phật mà tha tội cho bề tôi phản nghịch". Tuy nhiên, theo tác giả Lê Văn Siêu trong sách “Việt Nam văn minh sử”, việc ông hậu đãi Nùng Trí Cao là một thâm ý kiểu "thất cầm Mạnh Hoạch" của Gia Cát Lượng khiến Trí Cao kính phục và cảm kích. Sau này, dù Trí Cao còn ý định xưng hùng, nổi loạn cũng sang Trung Quốc gây họa cho Tống (và kêu gọi cả Vua Thái Tông cùng xé đế quốc Tống) chứ không còn gây họa cho Đại Cồ Việt.
Vua Lý Thái Tông ở ngôi được 27 năm, đến năm 1054 thì băng hà, thọ 55 tuổi. Văn võ song toàn, lại nhân từ độ lượng, Lý Thái Tông xứng đáng được xếp là một trong những vị vua sáng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.