Lính Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và chuyện 'cứu lấy cái còn trong cái mất'

Thứ Năm, 23/07/2015, 08:00
"Mình đỏ như lửa/ Bụng chứa nước đầy/ Tôi chạy như bay/ Hét vang đường phố/ Nhà nào có lửa/ Tôi dập tắt ngay/ Ai gọi cứu hỏa/ Có ngay, có ngay". Bài thơ từ thuở còn học vỡ lòng, nhưng cho đến tận bây giờ khi đã tận mắt chứng kiến những con người bằng da, bằng thịt cầm vòi nước lao vào những đám cháy lớn dập lửa, cầm cuốc, xẻng, xà beng lao vào trung tâm vụ nổ cứu người… "cứu lấy cái còn trong cái mất", tôi mới thấu hiểu hết được những khó khăn vất vả, hiểm nguy trực chờ mà những cán bộ chiến sỹ Cảnh sát PCCC thường xuyên phải đối mặt.
1. Kể về những vụ cháy gây thiệt hại lớn trong thời gian qua, Đại tá Huỳnh Văn Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hôm ấy vào lúc 4h sáng ngày 20/8/2013, khi đang trực chỉ huy tại đơn vị thì Đại tá Quyến nhận được tin báo có đám cháy ở Công ty Pou Yuen. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt tại hiện trường, ngọn lửa đã bùng phát rất mạnh ở các tầng 4,5,6 của dãy xưởng sản xuất A4, A5.

Với loại hình chuyên gia công sản xuất giày da xuất khẩu, công ty này lúc đó ngoài hàng chục ngàn công nhân làm việc còn có một lượng lớn vật liệu dễ gây cháy nổ như hóa chất, mút, keo dán và nhiều loại da… được tập kết để phục vụ sản xuất đang bén lửa. Không để cho ngọn lửa lan sang khu vực lân cận, lực lượng chữa cháy nhanh chóng phun nước xung quanh để cách ly đám cháy.

Tuy nhiên nhà xưởng này được chủ đầu tư cho xây cao tầng và lắp đặt cửa cuốn nên khi bị cháy, cắt điện thì cửa này không hoạt động được. Chính vì vậy mà ngọn lửa tuy đã được cách ly nhưng vẫn cháy rất mạnh trong các nhà xưởng bị đóng cửa này và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khỏi tầm kiểm soát. Trong thời khắc quyết định, Đại tá Quyến đã chỉ đạo cho xe thang đưa cán bộ chiến sỹ lên tầng cao sử dụng kìm cộng lực cắt cửa xông vào dập lửa.

Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh.

Ngặt nỗi thời điểm cuối mùa mưa, gió thổi mạnh nên khi vừa cắt được cửa cuốn thì ngọn lửa nóng cao độ cùng khói đen cuộn thành những mảng lớn quẩn theo làn gió liên tục tuôn ra các phía táp vào mặt khiến cho cán bộ chiến sỹ Cảnh sát PCCC bị đánh bật ngược trở ra. Có anh em vì cố gắng bám trụ đã bị ngọn lửa gây bỏng nặng ở hai chân, một số anh em khác hít phải khói độc gây suy hô hấp cấp và ở trong tình trạng có thể bị lửa thiêu chết nhưng vẫn không chịu rời khỏi vị trí.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác PCCC, Đại tá Quyến đã lao lên xe thang chụp lấy vòi nước xịt vào các cuộn khói lửa để giải nhiệt cho đồng đội, đồng thời chỉ huy cho các mũi khác ôm vòi nước đứng xuôi theo chiều gió xịt mạnh vào trung tâm đám cháy. Sau hơn một giờ vật lộn với giặc lửa, cuối cùng đám cháy đã được dập tắt, bảo vệ an toàn cho 80% nhà xưởng, vật tư của công ty này, nhưng vui nhất là mặc dù có một số anh em bị thương nhưng không có ai bị nguy hiểm đến tính mạng và đặc biệt đã di dời được toàn bộ công nhân ra khỏi vùng cháy an toàn.

2.  Không chỉ đối mặt trực diện với những cuộn khói, biển lửa, có những vụ, lực lượng Cảnh sát PCCC còn phải "tắm mình" trong màn sương mù của nhiều loại hóa chất độc hại, trong đó vụ cháy kho hóa chất của Công ty Tân Hùng Thái ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân đã gây thương tích cho nhiều cán bộ chiến sỹ nhất.

Theo lời kể của Trung tá Đỗ Văn Kháng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh thì hôm ấy là chiều tối ngày 16/4/2014, công ty này cho đặt 2 container chứa hóa chất để công nhân bốc xuống mang vào trong kho. Đang trong quá trình xếp dỡ, một thùng bị vỡ khiến hóa chất tràn ra bên ngoài tác động với không khí gây phát nổ lớn và bùng cháy dữ dội. Trong mấy phút, ngọn lửa này tràn vào trong kho chứa trên 200 loại hóa chất khác tạo thành đám cháy lớn với ngọn lửa và cột khói cao hàng chục mét.

Không kịp thay quần áo bảo hộ, sau khi điều động toàn bộ phương tiện, máy móc, Trung tá Kháng lao ngay lên chiếc xe chở hóa chất dập lửa đến ngay hiện trường. Trên đường đi, anh còn trực tiếp liên hệ với lãnh đạo sở cùng các đơn vị PCCC lân cận đến tiếp ứng.

Lúc ấy, mặc dù chưa thể xác định loại hóa chất nào gây cháy và trong kho có bao nhiêu loại hóa chất khác (do những người có trách nhiệm trong công ty không có mặt) nên anh em lao vào khống chế ngọn lửa bằng cách không xịt nước trực tiếp vào tâm đám cháy mà khống chế không cho cháy lan sang chỗ khác.

Chữa cháy ở Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân.

Đến 12h đêm, khi ngọn lửa vừa được dập tắt hoàn toàn thì một vấn đề nan giải tiếp theo lại xảy ra. Một số loại hóa chất khi ngấm nước đã có phản ứng phát nổ rồi bùng cháy trên diện rộng nên mặc dù đã mệt nhoài, anh em lại phải lao vào đám lửa dùng vòi rồng khống chế.

Loại hóa chất này khi cháy tạo thành khói màu vàng xâm nhiễm vào cơ thể gây phản ứng với da khiến cho 15 cán bộ chiến sỹ bị bỏng rát, trong đó có Trung tá Trần Văn Ba bị bỏng 25%, Thượng úy Trần Công Thành ngoài việc bị bỏng 15% còn dính nhiều vết thương do các mảnh thùng hóa chất phát nổ găm vào người. Ngoài ra còn hàng chục cán bộ chiến sỹ khác do hít phải khói độc gây suy hô hấp nặng phải đưa lên xe cấp cứu ngay sau đó. 

Cho đến nay đã có nhiều vụ cháy nổ được cứu chữa kịp thời, hàng ngàn người được cứu thoát khỏi đám cháy nhưng các chiến sĩ PCCC vẫn không tự cho phép mình được chủ quan mà thường xuyên luyện tập sẵn sàng chiến đấu, dập lửa cứu người. Nói như Đại tá Lê Tấn Bửu thì đứng trước đám cháy, mỗi cán bộ chiến sỹ thường xác định phải "cứu lấy cái còn trong cái mất" nên thường quên mình lao vào tâm đám cháy một mặt dập lửa, một mặt cứu người.

Dập tắt được đám cháy bảo vệ một phần tài sản bị thiệt hại là niềm hạnh phúc, nhưng cứu được một người bị kẹt trong đám cháy thì niềm hạnh phúc còn lớn gấp bội. Chính vì vậy mà có lúc chữa xong đám cháy nhưng có người không may tử vong, anh em thường ước ao giá như thông tin cháy được báo sớm hơn chỉ vài ba phút thì đã giữ được mạng sống cho những nạn nhân xấu số.

Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh, người rất nhiều lần trực tiếp chỉ huy và tham gia chữa các vụ cháy lớn cho biết: Trong những năm qua, ngoài việc tham mưu cho lãnh đạo thành phố và Bộ Công an trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC để thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ. Trong ca trực, tất cả từ người chỉ huy cho đến cán bộ chiến sỹ không được phép đi cách xa đơn vị quá 100m để khi có báo động, trong vòng 1 phút, tất cả phải có mặt trên xe cho dù là đang tắm hoặc đang ngủ.

Đặc biệt lính cứu hỏa cần phải có sức khỏe thật tốt vì phải làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Khi lao vào đám cháy, lính chữa cháy phải trực tiếp đối diện với nhiệt độ tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường, chưa kể đến những loại khí độc phát ra từ nhiều loại vật dụng, vật tư sản xuất; nhiều loại hóa chất độc hại thường trực xâm nhiễm vào cơ thể người lính nên đòi hỏi họ phải có sự mưu trí, dũng cảm để xử lý tốt các tình huống.

Chỉ có những cán bộ chiến sỹ được đào tạo đến nơi đến chốn, thường xuyên huấn luyện mới được tham gia chiến đấu bởi khi đó ai cũng phải thuần thục để phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp cùng đồng đội. Nếu một chiến sỹ không thuần thục sẽ ảnh hưởng đến cả một ê kíp chữa cháy.

Đức Cương
.
.
.