Jamila Bayaz: Nữ cảnh sát trưởng đầu tiền của Afghanistan

Thứ Ba, 03/04/2018, 13:26
Jamila Bayaz là một phụ nữ dám vượt lên nỗi sợ hãi trong một xã hội mà thân phận người phụ nữ bị coi thường. Với lòng quyết tâm sắt đá, Jamila Bayaz đã mang lại niềm tự hào và truyền cảm hứng cho những người phụ nữ Afghanistan khi bà trở thành nữ cảnh sát trưởng đầu tiên ở nước này.


Vượt qua định kiến trọng nam khinh nữ

Tốt nghiệp loại ưu Trường đại học Kỹ thuật Kabul nhưng Jamila Bayaz lại có suy nghĩ và định hướng khác cho tương lai của mình - cô ghi danh vào Học viện Cảnh sát. Có cha là sĩ quan cảnh sát ở Kabul, chính điều này đã thôi thúc Jamila Bayaz nối nghiệp cha, mặc dù cô biết rất rõ những khó khăn và thử thách đối nữ cảnh sát tại một quốc gia mà thân phận phụ nữ không được coi trọng.

Tại đất nước Afghanistan, việc một phụ nữ ghi danh vào trường cảnh sát là chuyện không bình thường, là chuyện xưa nay hiếm. Nhưng bất chấp mọi khó khăn, bất chấp dư luận của xã hội, không gì có thể làm lay chuyển niềm đam mê phục vụ cộng đồng của Jamila Bayaz. Và cô chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc trước sự lựa chọn của mình.

Và việc tuyển dụng phụ nữ vào cảnh sát ở Afghanistan gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể năm 2005, chỉ có 180 nữ cảnh sát trên toàn quốc trong khi quân số của cảnh sát nam là 53.400 người. Năm 2013, số lượng cảnh sát nữ là 1.551 người trên toàn quốc, trong khi nam cảnh sát là 157.000 người. 

Jamila Bayaz tốt nghiệp Học viện Cảnh sát và chính thức trở thành một sĩ quan cảnh sát như cô hằng mong ước. Nhưng cô đã phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong khi thực hiện nhiệm vụ, cô thường xuyên gặp khó khăn trong công việc chỉ vì quan niệm trọng nam khinh nữ.

Nhiều cấp dưới của Jamila Bayaz là nam giới đã thường xuyên tránh mặt cô, có khi còn trốn vào nhà vệ sinh để khỏi phải chào hoặc ngó lơ coi như không thấy cô trước mặt. 

Nhưng không gì có thể khiến Jamila Bayaz mất tự tin hay chán nản với công việc, vì cô không phải là một người dễ dàng đầu hàng. Jamila Bayaz đã chứng minh cho mọi người thấy rằng cô luôn đảm nhiệm tốt mọi công việc như một nam cảnh sát. 

Bằng nỗ lực không mệt mỏi, cô đã được cấp trên cũng như đồng nghiệp kính nể. Đến nay Jamila Bayaz đã cống hiến trong ngành cảnh sát hơn 30 năm dù trải qua nhiều thăng trầm và biến động của đất nước.

Giai đoạn Taliban đã xâm chiếm thủ đô

Sự nghiệp cảnh sát của Jamila Bayaz gặp nhiều khó khăn và thử thách khi Taliban xâm chiếm thủ đô vào ngày 26-9-1996. Đó là một ngày mà Jamila Bayaz không bao giờ quên.

Trong suốt 5 năm dưới sự cai trị của Taliban, Jamila Bayaz và tất cả phụ nữ Afghanistan không được phép làm việc, trừ y tá hoặc bác sĩ, các bé gái trên 8 tuổi không được phép đến trường. Phụ nữ không được phép rời khỏi nhà, và chỉ được ra ngoài khi nào có một người đàn ông đi cùng. 

Jamila Bayaz nhớ lại: “Tôi đã phải thay đổi mọi thứ từ trang phục đến phong cách, từ một sĩ quan cảnh sát trở thành một người phụ nữ bình thường trong gia đình, tôi thực sự choáng váng khi Taliban yêu cầu dừng tất cả mọi công việc của phụ nữ”.

Taliban cấm phụ nữ không được đi xe buýt chung với nam giới, tất cả những công việc xã hội không cho phép nữ giới tham gia. Jamila Bayaz từng bị một cảnh sát tôn giáo của Taliban dùng gậy đánh vào chân khi ông ta phát hiện ra cô là một phụ nữ khi đang cố tình leo lên xe buýt. 

Một lần khác, khi cô vừa trở về nhà và cởi bỏ khăn che mặt và quần áo khoác trùm kín người, thì bất ngờ bị một nhóm người xông vào đánh đập, yêu cầu cô không được ra đường hay tham gia vào các hoạt động xã hội.

Mặc dù chịu nhiều sức ép của Taliban nhưng Jamila Bayaz vẫn không từ bỏ niềm đam mê phục vụ cộng đồng của mình. Cô vẫn tin rằng thành phố nơi cô sinh ra và lớn lên sẽ được khôi phục, được phát triển và bắt kịp với thời đại.

Nữ cảnh sát trưởng đầu tiên của Afghanistan

Năm 2001, sự sụp đổ của chế độ Hồi giáo Taliban tại Afghanistan đã giúp cho sự nghiệp của Jamila Bayaz được hồi sinh, cô lại tiếp tục công việc cảnh sát của mình. Cũng từ đó, Jamila Bayaz đã cống hiến toàn tâm toàn lực cho ngành cảnh sát cũng như phục vụ nhân dân. Cô đã đi nhiều nơi trên thế giới để học hỏi những kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ đất nước và phục vụ cộng đồng. 

Nhờ những thành tích đáng nể trong 32 năm công tác trong việc điều tra tội phạm và chống ma túy, Jamila Bayaz đã được tín nhiệm giao cho trọng trách chỉ huy lực lượng cảnh sát quận Nhất thành phố Kabul, nơi có dinh Tổng thống, nhiều bộ ngành, ngân hàng trung ương, thị trường tài chính và tiền tệ.

Ngày 14-1-2014, Đại tá Jamila Bayaz, 50 tuổi, đã trở thành nữ Cảnh sát trưởng đầu tiên của đất nước Afghanistan. Trước khi nhậm chức Cảnh sát trưởng, Jamila Bayaz đã nhận được thư khen thưởng từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mohammad Omer Daudzai. 

Jamila Bayaz phát biểu trên NBC News trong ngày đảm nhiệm trọng trách mới: "Đây là cơ hội không chỉ cho tôi mà còn cho tất cả phụ nữ Afghanistan". Hành động đầu tiên của Jamila Bayaz trong vai trò cảnh sát trưởng là phát danh thiếp của bà cho từng người dân trong khu vực, để mọi người có thể liên lạc với bà bất kỳ lúc nào. Chính điều này đã giúp nữ Cảnh sát trưởng Jamila Bayaz chiếm được nhiều tình cảm của dân chúng.

Trong một thời gian dài trải qua chiến tranh đã khiến đất nước Afghanistan trở nên hỗn loạn, hoang tàn, để bình ổn được đất nước không phải là một điều dễ dàng. Dân chúng lo ngại liệu một nữ cảnh sát trưởng có đủ khả năng để chỉ huy lực lượng cảnh sát để bảo vệ sự bình an cho đất nước. Nhưng Jamila Bayaz đã trấn an dân chúng: "Tôi là nữ cảnh sát trưởng đầu tiên của Afghanistan. Tuy có rất nhiều khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhưng tôi sẽ chiến đấu đến cùng".

Các đồng nghiệp trong sở cảnh sát thì hoàn toàn tin tưởng việc Jamila Bayaz được lựa chọn làm cảnh sát trưởng là một quyết định tuyệt vời và họ chưa bao giờ bị thất vọng về bà. Cảnh sát trưởng Jamila Bayaz cũng cho rằng giới tính không quan trọng đối với nghề cảnh sát, chỉ cần lòng yêu nước và sự quyết tâm mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Bà mẹ tuyệt vời

Ngoài sự nghiệp cảnh sát đáng tự hào, Jamila Bayaz còn hoàn thành trọng trách của người phụ nữ trong gia đình một cách xuất sắc, bà là mẹ của 5 người con, 3 trai và 2 gái. Đặc biệt là 2 cô con gái cũng đã nối nghiệp mẹ làm cảnh sát.

Jamila Bayaz nói: “Vẫn biết nghề cảnh sát nguy hiểm, nhiều nữ cảnh sát đã bị giết trong khi làm nhiệm vụ, nhưng tôi yêu công việc của tôi nhiều hơn hơi thở của tôi. Nếu như tôi thành công, các con gái tôi thành công thì chắc chắn đó sẽ là cánh cửa mở ra cho những người phụ nữ khác”. 

Hoa Nam ( tổng hợp)
.
.
.