Hành trình chinh phục marathon của một người khiếm thị

Thứ Năm, 24/05/2018, 11:07
Anh Việt, người khiếm thị đầu tiên quyết tâm chinh phục marathon cũng đến với chạy bộ, đến với một thế giới mới của người khiếm thị như thế, qua một cái nắm tay.

Với người khiếm thị, hoạt động thể thao là một phạm trù vô cùng hạn chế bởi những khó khăn họ gặp phải khi tập luyện, tất cả đều ở trong bóng tối. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những hình ảnh xúc động tại giải "Chạy với tôi" được tổ chức tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). 

Không ai có thể quên được hình ảnh của những người khiếm thị và những người bình thường chạy dẫn đường, được kết nối với nhau bằng một dải ruy băng vàng, bằng một cái nắm tay để hoàn thành đường chạy dài gần 4km. 

Anh Việt, người khiếm thị đầu tiên quyết tâm chinh phục marathon cũng đến với chạy bộ, đến với một thế giới mới của người khiếm thị như thế, qua một cái nắm tay.

Từ một cái nắm tay

Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Huy Việt (38 tuổi, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội), Chủ tịch Hội Người mù huyện Hoài Đức, người đã sống trong bóng tối hơn 30 năm, kể từ năm 6 tuổi. 

Anh Việt kể: “Cuối năm 1986, tôi gặp phải một tai nạn do nổ kíp mìn và từ đó tôi bị hỏng một mắt. Năm sau đó, mắt còn lại cũng mờ dần và hỏng sau đó không lâu. Từ một đứa trẻ bình thường, tôi phải làm quen với bóng tối, với chữ nổi và nhận biết thế giới qua tiếng động”.

Sau khi mất đi đôi mắt, anh Việt sớm phải thích nghi với bóng tối và năm 1991, anh theo học các trường dành cho người khiếm thị. Anh nói rằng, người khác sẽ rất suy sụp khi bị như vậy nhưng với anh, không hề có sự chán nản bởi anh biết, chỉ có cố gắng thích nghi với cuộc sống mới giúp cho tương lai của mình. Cũng vì thế, khi tốt nghiệp cấp 3, anh quyết định đi học đại học.

“Ban đầu đi liên hệ nhưng không trường nào nhận, tôi cùng 3 người bạn nữa bàn đến việc thi vào khoa báo chí của trường nhân văn. Bởi tôi cảm thấy nếu học báo chí, sẽ biết được nhiều thứ, học được nhiều thứ hơn và đóng góp cho các tổ chức xã hội”, anh Việt chia sẻ.

Hình ảnh được ghi lại từ giải Hà Giang Marathon.

Ngày đó đi học, do giáo trình chữ nổi không có, nên việc tiếp cận tài liệu rất khó khăn. May sao, các anh được cô Bùi Thị Hải Yến, giảng viên Khoa Du lịch vận động bạn bè tặng cho mỗi người một chiếc máy tính. 

Sau đó, anh Việt đi xin tài liệu file mềm, nhờ bạn bè đánh lại ghi vào đĩa mềm. Đủ bộ giáo trình, các anh nhờ ghi âm, nghe lại để học. Sau khi tốt nghiệp, anh cũng viết nhiều bài báo cho hội và tham gia tổ chức của Hội Người mù. Năm 2009, anh Việt trở về địa phương và được anh em trong hội tin tưởng, bầu làm Chủ tịch hội.

Và rồi, không ai có thể quên được hình ảnh của những người khiếm thị và những người bình thường chạy dẫn đường tại chương trình "Chạy với tôi 2017”, họ được kết nối với nhau bằng một dải ruy băng vàng, bằng một cái nắm tay để hoàn thành đường chạy dài gần 4km. Anh Việt cũng đến với chạy bộ, đến với một thế giới mới của người khiếm thị như thế, qua một cái nắm tay.

Nói về những ngày đầu đến với bộ môn chạy, anh Việt cho biết: “Từ năm 2016, tôi đã nghe đến chương trình này, nhưng với tôi, điều đó còn khá mới mẻ. 

Là một người khiếm thị, việc tham gia một môn thể thao như chạy bộ, nhất là chạy đường dài thực sự gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhưng rồi, nhờ một người bạn đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, bắt đầu hành trình mới trên đôi chân của mình”.

Nhờ sự động viên của anh Đặng Thế Lâm, người tham gia tổ chức chương trình “Chạy với tôi”, anh Việt quyết định đặt cho mình mục tiêu cao hơn, đó là hoàn thành một cuộc thi marathon với cự ly 42km. 

Khi biết được dự định này, nhiều hội viên trong hội người mù đều tỏ ra lo ngại, họ cho rằng anh Việt không thể nào hoàn thành được mục tiêu của mình vì nó quá khó khăn với một người khiếm thị. Chạy 42km trong bóng tối, để được gì hay chỉ là những thứ viển vông.

Đáp lại điều đó, anh Việt nói rằng cái gì cũng cần có sự bắt đầu, nếu chỉ ngồi nghĩ thôi thì đầy thứ khó khăn. Hơn nữa, nhận thấy lợi ích của việc chạy bộ ngoài đem lại sức khỏe thì sẽ kéo những người khiếm thị lại gần với xã hội, được chú ý và được thấu hiểu hơn. Điều đó càng khiến cho quyết tâm thực hiện mục tiêu của người đàn ông cả đời sống trong bóng tối này càng được củng cố. 

Anh nói: “Mình muốn kêu gọi hội viên tham gia thì đầu tiên mình phải là người thực hiện. Bởi mình là người đứng đầu, nếu mình không làm được thì anh chị em nào dám làm”.

Thế rồi, cách ngày giải chạy Hạ Long Marathon bắt đầu gần 2 tháng, anh Việt lao vào luyện tập với tất cả cố gắng. Bằng sự ủng hộ và giúp đỡ của vợ, mỗi buổi sáng từ 4h30, hai người lại lục đục gọi nhau dậy để chạy. 

Chị đi xe đạp trước, anh buộc dây vào xe chạy theo sau. Khi mệt thì lại gọi chị đạp xe chậm lại và đến lúc hết sức thì lại dừng nghỉ. Xong buổi chạy, hai vợ chồng về nhà chuẩn bị cho cô con gái đi học và tiếp tục một ngày dài làm việc cho tới tận 6 giờ tối.

Do tập luyện quá gấp để tham gia giải, anh Việt bị chấn thương nhiều lần nhưng không dám than vãn, anh nói: “Thuyết phục mãi vợ mới đồng ý cho đi chạy, nếu tôi kêu đau hay bị chấn thương thì chắc vợ lại xót chồng, không cho đi nữa. Gần đến ngày bắt đầu, do cơ thể chưa hồi phục nên tôi đã xin giảm cự ly từ 42km xuống còn 21km”.

Xuống 21km, giảm một nửa cự ly nhưng khoảng cách đó đối với nhiều người vẫn là một con số đáng sợ. Thế nhưng trong lần đầu tham gia của mình, nhờ một bạn chạy dẫn người Hàn Quốc, anh Việt đã hoàn thành được đường chạy vô cùng khó khăn đó. 

Hình ảnh người đàn ông khiếm thị chạy với đôi giày bata mỏng quẹt, bên cạnh tiếng reo hò, cổ vũ của các cổ động viên đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của những người theo dõi khi đó. Và có lẽ, anh Việt cũng không biết được rằng, mình đã trở thành người khiếm thị đầu tiên của Việt Nam hoàn thành được cự ly chạy này.

Anh Việt và người bạn chạy dẫn Đặng Thế Lâm.

Người truyền lửa

Hoàn thành một nửa mục tiêu đặt ra, lúc này đã có một số người tin tưởng rằng, người khiếm thị có thể tham gia những hoạt động thể thao như chạy marathon. Thế nhưng, dường như sự lan tỏa của nó vẫn chưa được mạnh mẽ như mong đợi. 

Anh Việt tiếp tục đăng kí tham gia giải chạy tiếp theo, đó là Hà Giang Marathon 2018. Cũng từ giải chạy này, một đoạn clip do BTC quay lại cảnh anh Việt cùng người chạy dẫn là anh Đặng Thế Lâm được đăng tải như truyền cảm hứng cho những người yêu thích bộ môn chạy bộ.

Anh Lâm chạy phía trước, liên tục nhắc nhở anh Việt về đường chạy, rồi đến khi có cảnh đẹp thì người bạn chạy dẫn này lại dừng lại một chút, miêu tả cho anh về vẻ đẹp mà mình nhìn thấy. 

Có thể nói, anh Lâm giống như đôi mắt của anh Việt, ghi nhận hết những gì trên “cung đường hạnh phúc” để truyền tải cho người bạn khiếm thị tưởng tượng được rõ nét nhất. “Nho Quế hiện ra rồi”, câu nói ấy của anh Lâm nói cho người bạn đã khiến nhiều người xem clip phải rơi nước mắt.

Anh Việt nhận Kỉ niệm chương hoàn thành đường chạy (Ảnh: Triệu Việt Linh).

“May mắn rằng, đến lớp 1 mình mới mù nên mình biết được sự vật, khung cảnh thế nào. Qua lời miêu tả của Lâm, mình tưởng tượng được mọi thứ trong đầu. Có lẽ cảnh vật thật cũng không thể đẹp như những gì mình tưởng tượng đâu”, anh Việt nói.

Hoàn thành thêm một thử thách, đến lúc này, ngọn lửa mà người đàn ông chạy trong bóng tối này thắp lên không chỉ dành riêng cho những người khiếm thị. Nó đã lan truyền ra cả một cộng đồng trẻ, những người đam mê khám phá thế giới bằng đôi chân của mình. 

Hy vọng rằng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, anh Việt sẽ chinh phục được mục tiêu mình đặt ra đó là hoàn thành một đường chạy 42km, trở thành người khiếm thị Việt Nam đầu tiên chinh phục marathon. 

“Chạy với tôi – 2gether” là một chương trình hỗ trợ cho người khiếm thị người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao, do Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khuyết tật hoà nhập cộng đồng Việt Nam và những người bạn (Vietnam And Friends - VAF) tổ chức. Tại đây, những người khiếm thị, người khuyết tật vận động và khuyết tật khác sẽ lần đầu tiên cùng sải bước trên đường chạy “ánh sáng” cùng với tất cả cộng đồng, xóa nhòa mọi định kiến, mặc cảm đã từng ngăn cách họ với cuộc sống đúng nghĩa. Cũng tại đây, ước nguyện về một cộng đồng gắn kết được gửi gắm thiết tha hơn bao giờ hết thông qua những sợi dây vàng kết nối mỗi cặp chạy người khiếm thị - người mắt sáng.

Bên cạnh đường chạy chính, "Chạy với tôi - 2gether" còn có các hoạt động bên lề trong “Góc trải nghiệm” như Chơi cờ vua với người khiếm thị, Học chữ nổi và định hướng di chuyển; Nhìn thế giới qua đôi mắt của người khiếm thị, giúp người tham gia khám phá, hiểu thêm về cuộc sống cũng như những khó khăn khi là một người khiếm thị.



Phong Lê
.
.
.