Đội cứu hộ "vác tù và hàng tổng" ở Quảng Nam
Không được trả lương, thậm chí còn phải tự đổ xăng xe và góp tiền mua đồ sơ cứu, nhưng các thành viên trong đội cứu hộ này luôn sẵn sàng có mặt giúp người bị nạn.
Giúp người gặp nạn trong đêm
Cuối tháng 2, tôi theo chân các thành viên trong Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình tụ họp về cây xăng Thăng Bình (tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) "mục sở thị" các tuyến đường, sẵn sàng giúp đỡ khi có cuộc gọi tới. 19h tối, bốn thành viên trong đội tập hợp tới cũng là lúc Nguyễn Phước Vui (24 tuổi, trú xã Bình Giang), thành viên của đội cũng vừa đánh chiếc xe ôtô tải của mình đến tụ họp cùng đội. Chiếc xe này ban ngày Vui dùng để vận chuyển hàng hóa; đêm đến, Vui hỗ trợ cho đội dùng chở xe bị hư hỏng của người cần giúp về nhà của họ nếu không sửa chữa được.
Vừa tới nơi, các thành viên trong đội nhanh chóng khoác lên chiếc xe tải "tấm áo" mới là logo của đội với dòng chữ "Được giúp đỡ các bạn là niềm vui của chúng tôi, hãy gọi khi bạn cần" kèm số điện thoại khẩn cấp để người dân có thể nhìn thấy và điện thoại bất cứ lúc nào khi cần.
"Số điện thoại được đội đăng công khai trên facebook nhóm và một số băng rôn tại các ngã 3, ngã tư, trên xe để người đi đường biết đến và gọi lúc cần thiết", Nguyễn Văn Năm (22 tuổi, trú xã Bình Đào), Đội trưởng Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình cho hay. 21h, các thành viên đội cứu hộ bắt đầu lên đường. Bắt đầu đi dọc quốc lộ 14E xuống đường 129, các thành viên rẽ lên ngã 3 Cây Cốc, theo tuyến đường mới mở lên xã Bình Quý (Thăng Bình) rồi mới vòng xuống thị trấn Hà Lam, quốc lộ 1 để giúp người bị nạn.
Trên cung đường đi, các thành viên luôn chú ý quan sát khắp tuyến đường và khu vực xung quanh đường để đề phòng có người bị nạn cần giúp. Vừa đến quốc lộ 1, đoạn qua xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình nhìn thấy một đôi nam nữ đang mệt nhọc dắt chiếc xe Air Blade nên liền chạy đến hỏi thăm.
Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình tuần tra đêm trên các tuyến đường. |
Mồ hôi nhễ nhại, anh Nguyễn Minh Toàn (34 tuổi, trú huyện Duy Xuyên) cho biết, vợ chồng anh đi sinh nhật bạn tại TP. Tam Kỳ đang trên đường về. Không may khi đi đến thị trấn Hà Lam thì xe bất ngờ tắt máy, không nổ máy xe lại được. Hai vợ chồng anh phải dắt bộ dọc theo quốc lộ 1 để tìm nơi sửa. Nhưng trời đã khuya, các tiệm sửa xe đã cửa đóng then cài.
Sau khi kiểm tra xe, phát hiện xe bị hư hỏng nặng không thể sửa chữa ngay, Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình dùng xe tải do Vui "tài trợ" đưa vợ chồng anh Toàn cùng xe về tận nhà miễn phí.
"Tôi đã dắt bộ một đoạn đường dài nhưng không còn tìm được tiệm sửa xe nào mở cửa giờ này. May mà có các chàng thanh niên này đến giúp miễn phí, lại còn chở chúng tôi và xe về tới tận nhà nữa. Các bạn quá nhiệt tình, vợ chồng tôi lấy lòng cảm ơn với việc làm ý nghĩa này", anh Toàn bày tỏ.
Xong việc của anh Toàn, các thành viên tiếp tục lên đường. 23h, chuông điện thoại của đội trưởng Năm đổ chuông. Chỉ qua trao đổi ngắn gọn, Năm ra hiệu cho cả nhóm đi đến khu vực chợ thị trấn Hà Lam giúp người đi đường bị hỏng xe.
Chỉ chưa đầy 10 phút, cả nhóm đã đến được địa điểm được báo. Tại đây xe của vợ chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt (trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) bị khăn quàng cổ quấn vào trục sau của xe khiến xe đứng bánh không thể di chuyển được. Các thành viên Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình nhanh chóng dùng dụng cụ tháo gỡ khăn ra khỏi bánh xe, sửa chữa giúp vợ chồng chị Nguyệt.
"Tôi đang trên đường đi từ quê về nhà thì không may chiếc khăn len quàng cổ của chị bị quấn vào trục sau của xe máy, nhờ phát hiện kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng không may xe đứng bánh không tới lui được.
Dù được người dân giúp đỡ nhưng hì hục rất lâu vẫn không sửa được, người dân đã giới thiệu cho tôi Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình. Không ngờ lại được giúp đỡ nhanh chóng, nhiệt tình đến vậy", chị Nguyệt chia sẻ.
Gọi Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình khi bạn cần giúp đỡ. |
"Cho đi là hạnh phúc"
Trong câu chuyện với tôi, Nguyễn Văn Năm, Đội trưởng Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình, kể trước đây anh từng học nghề sửa xe máy. Trong quãng thời gian ấy Năm cùng với một số người bạn thường đi phượt. Nhiều lúc trên quãng đường rong ruổi của mình, Năm vô tình thấy nhiều trường hợp hỏng xe, tai nạn nhưng không ai giúp đỡ. Với nghề sẵn có, Năm cùng các bạn không ngần ngại ra tay tương trợ.
Sau những lần như thế, thỉnh thoảng Năm và các bạn lại rủ nhau đi dạo vào ban đêm vừa để có thể kịp thời giúp đỡ trường hợp không may trên đường. Đến tháng 5-2019, Năm rủ các "đồng đội" của mình thống nhất lập nên Đội Cứu hộ S.O.S Thăng Bình - Đội cứu hộ chuyên giúp đỡ người gặp sự cố khi tham gia giao thông.
"Lúc đó có nhiều lần tôi đi gặp các vụ tai nạn nhưng không có ai chở đi. Có lúc có người bị chấn thương sọ não, nhưng cũng vì không được chở đến bệnh viện kịp thời mà đã không vượt qua được.
Vì vậy chúng tôi muốn lập nên đội để tập hợp các thành viên, học thêm kỹ năng sơ cứu để sơ cứu, kịp thời ứng cứu người bị nạn khi cần thiết. Giúp đỡ người đi đường gặp hoạn nạn. Các anh em tham gia Đội Cứu hộ S.O.S Thăng Bình đều quan niệm rằng cho đi là hạnh phúc nên anh em giúp mọi người bằng lòng nhiệt huyết của mình", Năm chia sẻ.
Các thành viên trong đội giúp đỡ người đi đường sửa xe miễn phí. |
Trong số các thành viên của đội, anh Văn Hồng Lưu (47 tuổi) đến từ xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, là thành viên lớn tuổi nhất đội. Dù làm nghề cơ khí nhưng hễ đêm đến, anh Lưu đều gác lại công việc, tụ họp cùng anh em. Vận dụng kỹ năng đã được đào tạo về sơ cấp cứu, anh tham gia ứng cứu người gặp nạn cùng đội.
Đối nghịch với anh Lưu, Nguyễn Văn Vui (19 tuổi, trú xã Bình Triều) là thành viên nhỏ nhất đội. Dù tuổi nhỏ như Vui luôn ý thức được việc giúp người lúc hoạn nạn. Ban ngày dù phải làm thêm kiếm sống, công việc vất vả nhưng buổi tối, Vui đều có mặt cùng đội đi ứng cứu.
"Ở Thăng Bình có nhiều tuyến đường chưa có điện, lại nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn vì vậy chúng em luôn đi tuần tra để phát hiện người bị nạn, cấp cứu kịp thời. Việc cứu người bị nạn là một việc cần thiết, nhanh chóng mà chúng em luôn muốn thực hiện một cách tốt nhất để giúp cho người tham gia giao thông", Vui nói.
10 thành viên Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình đều có ngành nghề khác nhau, đến từ nhiều địa bàn khác nhau. Khi tham gia công việc này, họ đều tự nguyện, không có lương, không bảo hiểm, xăng xe tự đổ, ăn uống tự lo. Hàng tháng, mỗi thành viên còn phải tự góp quỹ 100.000 đồng mua săm, lốp, miếng vá, dụng cụ sửa xe, vật dụng y tế sơ cứu... thế nhưng hễ nhắc đến việc giúp người, không ai nề hà, sẵn sàng giúp đỡ người đi đường.
Không chỉ giúp người trong địa bàn huyện Thăng Bình, nhiều lúc người gặp nạn ở các huyện lân cận như Quế Sơn, Duy Xuyên, TP. Tam Kỳ các thành viên trong đội cứu hộ vẫn chạy đến giúp đỡ. Công việc của đội kéo dài từ 19h tối cho đến lúc sáng. Có lúc đang trong giấc ngủ, hễ chuông điện thoại reo lại sẵn sàng lên đường giúp người bị nạn.
Việc làm của Đội cứu hộ S.O.S Thăng Bình đã được Tỉnh đoàn Quảng Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích tốt trong tham gia đảm bảo ATGT năm 2019.