Chuyện về người quản giáo quanh năm lo việc bếp núc cho phạm nhân

Thứ Tư, 06/05/2015, 16:26
“Công việc của tôi là lo miếng ăn cho phạm nhân, ngày nào cũng tất bật từ sáng sớm thành ra quen nên nhiều khi ở nhà chơi với con lại thấy nhớ. Mấy nghìn phạm nhân, phải làm sao để họ được ăn đồ ăn chín, hợp vệ sinh còn đảm bảo sức khỏe đi làm thực ra không hề dễ dàng nhất là những thời điểm giáp hạt và những khi thời tiết chuyển mùa ”.

Người coi “dạ dày” của hàng nghìn phạm nhân

Lời tâm sự rất thành thật ấy của quản giáo Trần Trung Kiên khiến chúng tôi cứ thấy tò mò bởi “anh nuôi” của gần 2.000 phạm nhân ở trại giam Nam Hà còn rất trẻ thế nhưng chẳng chút ngại ngần khi được giao làm việc ở môi trường chỉ có rau dưa, tương cà và mùi thức ăn,…xem ra chẳng hợp chút nào với anh quản giáo. Ấy vậy mà Kiên đã làm việc ở bộ phận này được 7 năm. Gần chục năm làm công tác lo miếng ăn, nước uống cho phạm nhân, quản giáo Kiên chưa để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm nào.

Gặp Kiên thật khó bởi anh cứ tất bật suốt ngày, đảo như con thoi hết ở phân trại 1 lại sang phân trại 2, ngày vài lần kiểm tra công việc bếp núc, xem các khâu chuẩn bị thế nào, cân chia có đúng định lượng, đảm bảo đưa cơm đúng giờ cho phạm nhân hay không. Đội phạm nhân làm ở bộ phận bếp của anh có 36 người, lo ngày 3 bữa cơm cho gần 2.000 phạm nhân, đảm bảo đúng, đủ không phải là chuyện dễ.

Hôm chúng tôi xuống Nam Hà cũng là thời điểm cuối năm, công việc của quản giáo Kiên càng bận rộn. Anh bảo tết dương lịch được nghỉ 4 ngày, theo quy định các phạm nhân không phải đi lao động nhưng dù có nghỉ thì vẫn phải ăn, phải uống và như thế có nghĩa là đội bếp mà anh phụ trách vẫn phải làm việc mà làm việc nhiều hơn vì khẩu phần ăn của phạm tăng.

Ngoài khâu nấu nướng thì ngay từ bây giờ anh đã phải lên kế hoạch dự trữ thực phẩm, rau xanh, làm sao đảm bảo cho mấy ngày nghỉ đó, bữa ăn của phạm nhân không chỉ đủ rau xanh, thực phẩm mà còn được đổi bữa, đổi món cho đỡ nhàm chán. Đấy là chưa kể những thực đơn “đặt hàng” mà các phạm nhân gửi vào thông qua số tiền ký quỹ có được từ người nhà, nhằm cải thiện bữa ăn và cũng là để “liên hoan” những khi có kỳ, cuộc thì đội bếp của anh Kiên còn bận rộn hơn.

“6 giờ phạm đã điểm danh đi lao động thì mình phải có cơm từ trước đó cho họ ăn”, quản giáo Kiên cho biết. Để cơm canh đến tay phạm nhân trước giờ đi làm ca sáng, quản giáo Kiên phải có mặt dưới bếp từ tờ mờ sáng, đốc thúc đội bếp nấu nướng, chia cơm để làm sao bữa sáng đến tay tất cả các phạm nhân trong trại đúng giờ. Rồi bữa trưa, bữa tối mà theo như lời quản giáo Kiên tâm sự thì cập rập nhất là 2 bữa sáng và trưa vì khoảng thời gian rất gần nhau. 5h30 sáng đã phải có cơm cho phạm, trưa về 11h họ cũng phải nhận được lồng cơm để ăn uống còn nghỉ ngơi cho buổi làm việc chiều rồi bữa tối và lại chuẩn bị cho bữa sáng hôm sau, nghĩa là cứ quay như chong chóng.

Công việc ở bếp không nặng nhọc nhưng tỉ mẩn, nhiều công đoạn đòi hỏi người quản giáo phải sát sao và bố trí công việc cho từng nhóm lao động một cách khoa học mới không bị trùng giẫm. Anh bảo không phải phạm nhân nào có nguyện vọng là được cải tạo lao động ở khu bếp mà anh chỉ nhận những phạm nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm, chăm chỉ và cẩn thận. Người nào trẻ, khỏe thì đứng bếp, ai có tuổi thì làm những công việc nhẹ nhàng như nhặt rau, vo gạo và chia thức ăn.

Quản giáo đại úy Trần Trung Kiên.

Theo lời quản giáo Kiên thì trước đây bếp phạm nhân nấu ăn bằng than tổ ong nên tình trạng cơm cháy, cơm khê, cơm sống thi thoảng vẫn xảy ra khiến những quản giáo làm công tác hậu cần như anh lúc nào cũng lo ngay ngáy vì sợ hụt định lượng khẩu phần ăn của phạm nhân.

Từ ngày có hệ thống nồi hơi, công việc ở bếp nhàn hơn rất nhiều. Không còn tình trạng cơm sống, thức ăn khê nhưng điều quan trọng là không được để bếp tắt vì nếu tắt bếp thì tất cả các nồi đang nấu đều không có nhiệt. Chính vì thế mà ngày nào cũng vậy, như một thói quen mỗi khi rời khu bếp về phòng nghỉ, bao giờ đại úy Kiên cũng ngó qua bộ phận bếp than, xem các phạm nhân sắp xếp thế nào, ủ than có đảm bảo không, thu dọn có sạch sẽ, gọn gàng không,…rồi mới yên tâm về nghỉ.

Kể về nghề của mình, quản giáo Kiên bảo ban đầu thì bỡ ngỡ, thậm chí là ngại nếu như có ai hỏi về công việc của mình nhưng khi quen rồi lại thấy say mê, cuốn hút. Từ một thanh niên chưa bao giờ đụng tay vào chuyện bếp núc,  giờ đây anh Kiên chẳng khác nào một chuyên gia nấu nướng, chỉ cần ngửi mùi thức ăn bay ra là biết món đó mặn hay nhạt.

Đến chuyên gia tâm lý

Biết anh một mình quản lý 2 khu bếp, tôi hỏi anh có bí quyết gì để vừa đảm bảo công việc vận hành tốt, vừa ngăn chặn được tình trạng khẩu phần ăn của phạm bị các phạm nhân làm ở đội bếp cắt xén?, Kiên cười thật hiền. Anh bảo môi trường nào cũng phải có biện pháp. Cùng làm ở đội bếp nhưng 36 phạm nhân được chia thành từng nhiều tổ, đảm nhiệm nhiều khâu như rửa dọn, nấu nướng, chia khẩu phần và một tổ tự quản làm công tác kiểm tra, giám sát cả việc ghi sổ sách, hàng tháng có quyết toán thu chi.

“Mình làm chu đáo, đảm bảo đúng, đủ định lượng thì phạm nhân sẽ không kêu ca. Ở trong này nói nhàn rỗi thì không phải nhưng phạm nhân họ để ý lắm. Cái gì cũng công khai, rõ ràng trên bảng, trong sổ sách để những phạm nhân ở đội bếp nhìn thấy. Họ không thắc mắc thì các phạm nhân khác cũng vậy”, anh Kiên kể.

Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng một tháng 30 ngày đâu phải ai cũng khỏe cả, rồi mỗi khi được gia đình thăm gặp, những biến cố của người thân có tác động rất lớn tới tâm lý phạm nhân, ảnh hưởng nhiều đến công việc ở đội bếp. Chính vì thế mà mỗi khi phạm nhân trong đội được ra gặp người thân, quản giáo Kiên là người lo lắng nhất.

Nhớ lần khuyên giải phạm nhân Nguyễn Đức Thuần, đội trưởng đội bếp, quản giáo Kiên bảo đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Thuần vốn là một phó giám đốc, lợi dụng chính sách của Nhà nước về hoàn thuế giá trị gia tăng đã cùng với ê kíp của anh ta móc nối với một số công ty khác, tạo thành đường dây đưa hàng nông sản xuất khẩu, chiếm đoạt 18 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước. Bị phát hiện, Thuần cùng đồng bọn của mình tìm cách chạy án song vẫn phải hầu tòa.

Vào trại giam Nam Hà cải tạo với bản án 26 năm tù cho 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ, thời gian đầu Thuần rất vui vẻ vì nghĩ tiền của mình làm ra thế nào cũng được cô vợ trẻ trung, xinh đẹp biết đến mà chăm sóc con chu đáo. Rồi khi vào làm ở đội bếp, thấy các bạn tù có nhiều người bị vợ bỏ, Thuần bắt đầu dao động. Anh ta chăm viết thư về cho vợ hơn, thế nhưng oái oăm thay trong lúc người vợ mà anh ta luôn cảm thấy bất an sẽ đi lấy chồng thì con gái Thuần lại bỏ nhà theo trai. Nghe tin con gái học hành lỡ dở, vì chuyện yêu đương mà sớm thành bà mẹ, Thuần khóc suốt.

Thấy Thuần tinh thần dao động, không chăm chút công việc như vốn có, quản giáo Kiên cảm nhận ngay có sự bất bình thường nên thường xuyên gần gũi để trò chuyện. Vốn là người kín tiếng nên Thuần giấu nhẹm chuyện con gái bỏ học theo chồng nhưng trước sự thăm hỏi, trò chuyện chân tình của anh quản giáo trẻ, Thuần đã bộc bạch hết. Anh ta khóc khi tâm sự rằng vô cùng chán nản vì bao nhiêu năm phấn đấu, cứ nghĩ làm một điều gì đó cho con cái không ngờ đứa con gái duy nhất không nuôi được chí cha.

“Ngày đó tôi còn chưa lấy vợ, đã có cảm giác được làm bố đâu để mà đồng cảm với anh ta, quản giáo Kiên kể. Là một quản giáo trẻ, khác thế hệ với phạm nhân Thuần nhưng rồi bằng tình thương và trách nhiệm, anh đã tự đặt mình vào tình huống đó, đưa ra những lời khuyên hết sức chân tình, thiết thực. Lần nào được gọi lên Thuần cũng khóc, cũng kêu chán nhưng rồi nghị lực đàn ông trước sự phân tích đầy tình lý của quản giáo trẻ, anh ta đã xác định được, từ đó tư tưởng ổn định, không còn bi quan, dao động như trước.

Sinh ra ở quê lúa Thái Bình, đại úy Kiên không ngờ mảnh đất Ba Sao, Kim Bảng (Hà Nam) lại là quê hương thứ hai của mình. Anh lấy vợ sinh con và xây dựng nhà ở thị trấn Ba Sao, cách nơi công tác chưa đầy 4km nhưng cũng 2 tuần mới về qua nhà một lần. Hỏi anh sao không tranh thủ tạt về nhà xem con cái học hành thế nào, anh cười bảo trong này nhiều quản giáo nhà ở xa, có khi vài tháng mới về qua nhà, mình như thế là quá thuận lợi rồi, đâu có thể tùy tiện được.

2 tuần được nghỉ một ngày cuối tuần nhưng anh cũng chỉ đảo về nhà chốc lát rồi lại vào bởi đặc thù công việc ở đội bếp thành ra “nhiều khi ở nhà có việc gì cần kíp lắm không thể đặng đừng tôi mới về mà cũng nhanh nhanh chóng chóng là chạy vào. Dẫu biết có đồng nghiệp thay thế nhưng vẫn cảm thấy không yên tâm”, như lời anh tâm sự.

Đã là người cha, hai con mới chập chững đến trường, cần lắm sự dạy bảo của cha mẹ để vào khuôn phép, đại úy Kiên thừa hiểu sự có mặt của mình ở nhà lúc này quan trọng đến thế nào. Thế nhưng đã là quy định của cơ quan, là người lính không thể sai phạm. Để bám sát chuyện học hành của hai con, không để con cái cảm thấy bố xa cách, anh chọn biện pháp điều khiển từ xa, hàng ngày gọi điện về cho hai con, kiểm tra chuyện học hành và nghe chúng trao đổi những điều còn chưa hiểu. Anh bảo những khi được nghe con cái bi bô là khoảng thời gian thư giãn trong ngày của anh để quên đi mệt nhọc, căng thẳng.

Trải qua nhiều lĩnh vực từ việc quản lý, canh coi phạm nhân đi lao động ngoài ruộng, đến làm việc trong nhà và giờ là quản giáo ở đội bếp, đại úy Kiên đã có 15 năm trong nghề quản giáo và dù ở lĩnh vực nào anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra thắc mắc, khiếu kiện. Anh bảo từ ngày được giao nhiệm vụ quản lý đội bếp, đã năm năm rồi nhưng chưa có phạm nhân nào trong đội xin chuyển bởi ai cũng cảm thấy công việc phù hợp với sức khỏe của mình, không có định mức, cứ xong việc là nghỉ.

Để đảm bảo sức khỏe cho phạm nhân, hàng ngày có những bữa cơm ngon, đại úy Kiên còn là người rất chăm xem thời sự, hễ thấy trong khu dân cư có ổ dịch là đề xuất phun thuốc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn bữa ăn cho phạm nhân, không để xảy ra ngộ độc. Trong số những lần được khen thưởng, đại úy Kiên có 3 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua song với anh phần thưởng lớn nhất là chưa bao giờ bị phạm nhân kêu ca phàn nàn về chế độ ăn uống. Công việc của anh không cụ thể giúp một phạm nhân nào tiến bộ nhưng lại vô cùng quan trọng với hàng ngàn con người đang cải tạo nơi đây.

Lam Trinh
.
.
.