Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011 Trần Trung Kiên:

Chuyện chưa kể về người 13 lần đối mặt với tử thần

Thứ Ba, 17/04/2012, 15:43

Tối 22/3, tại Cung Văn hoá Hữu nghị (Hà Nội), Đại uý Trần Trung Kiên, Phòng PC47, Công an tỉnh Điện Biên được vinh danh trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011” - phần thưởng cao quý nhất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài “bề dày” từ bản báo cáo thành tích, ít người biết đến một Trần Trung Kiên trong 8 năm đánh án ma tuý đã 13 lần phải đối mặt với tội phạm có vũ khí nóng, 2 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Anh là  biểu tượng của tinh thần dũng cảm, ý chí quật cường trong cuộc chiến đấu một mất một còn chống lại “cái chết trắng” nơi địa đầu Tây Bắc...

Hai lần uống thuốc chống phơi nhiễm HIV

Đêm ở Tây Bắc, đại ngàn hoang vu gió thông thốc như roi quất, tôi và tổ công tác do Đại uý Trần Trung Kiên chỉ huy đã có một đêm trắng trong cái lán nương tuềnh toàng trên dãy Púng Nhên, thuộc địa bàn xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông. Trong đời làm báo, đây không phải lần đầu tiên tôi theo các trinh sát trong một chuyên án tấn công tội phạm ma tuý nhưng lần nào cũng thế, cái cảm giác hồi hộp và nghèn nghẹn lại trào lên trong huyết quản. Cũng từ những lần được trải nghiệm thế này, tôi nhận thấy sự bình tĩnh của người chỉ huy có tác dụng như một “liều thuốc định thần” làm dịu bớt sự căng thẳng cho cánh lính trẻ thừa nhiệt huyết, nhưng chưa nhiều kinh nghiệm trận mạc...

Trần Trung Kiên có khuôn mặt đen sạm, rắn rỏi và... hơi nguội lạnh; ánh mắt thâm quầng rất “điển hình” cho những trinh sát ma tuý thường xuyên phải lăn lộn thâu đêm tại địa bàn. Nghe đồng đội kể, thật khó có thể hình dung hết những nguy hiểm mà Đại uý Kiên và các trinh sát phải trải qua, song vì nguyên tắc nghiệp vụ nên không thể “đặt” nguyên xi những chiến công của anh lên trang báo. Hơn 8 năm làm trinh sát phòng chống ma tuý, đối mặt với cả trăm tên tội phạm nguy hiểm, sở hữu một bộ sưu tập huân huy chương và bằng khen vào hàng “khủng” nhất Công an các tỉnh Tây Bắc, sĩ quan trẻ, Bí thư chi đoàn Trần Trung Kiên vẫn dành thời gian học tập và bảo vệ xuất sắc học vị Thạc sĩ Luật tại Học viện Cảnh sát nhân dân...

Trinh sát Phòng PC47 bắt giữ 1 đối tượng mua bán trái phép ma tuý.

13 năm trong ngành, 8 năm đánh án là gần 3.000 ngày Đại uý Trần Trung Kiên cùng đồng đội phải đương đầu với nguy hiểm, nhiều khi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như một nỗi nhớ người thân trước lúc lâm trận. Anh tâm sự: “Dù rất cảnh giác, nhưng tôi cũng chẳng nhớ đã bao nhiêu lần bị đối tượng cắn xé, cào cấu, sử dụng hung khí chống trả. Đến nay tôi đã 2 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV”. Tuy Kiên không nói ra, nhưng tôi biết anh chỉ “về nhì” sau “sếp” của anh - Thượng tá Đinh Tiên Hoàn (Phó trưởng Phòng PC47), người đã 3 lần phải điều trị chống phơi nhiễm HIV.

Lần đầu tiên Đại uý Trần Trung Kiên phải uống thuốc chống phơi nhiễm, đó là vào mùa hè năm 2007. Hôm đó, anh tham gia chuyên án bắt giữ Hoàng Văn Biêng, 28 tuổi, ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên). Biêng là tội phạm nguy hiểm nhiễm HIV, có 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích và mua bán trái phép ma tuý. Tối hôm đó, Đại uý Kiên cùng 2 đồng đội bất ngờ ập vào phòng ngủ của Biêng. Ranh ma và quỷ quyệt, hắn lách người thoát được cú “địa đường quyền” hiểm hóc của Kiên rồi lùi vào góc nhà, rút thanh mã tấu sáng quắc chém xối xả vào lực lượng truy bắt. Các trinh sát khéo léo áp sát tước vũ khí, vô hiệu hoá “cơn say máu” man dại của kẻ tội đồ. Tiếc thay, khi còng tay được đối tượng thì cả 3 đều bị thương...

Lần thứ hai cũng tại xã Núa Ngam, Trần Trung Kiên phải vào viện điều trị chống phơi nhiễm HIV sau trận đánh ở bản Na Côm. Đang thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Sùng A Tùng, 36 tuổi, cùng tang vật 1,5kg thuốc phiện, thì người nhà tên này hô hoán, kích động mấy chục người dân và các con nghiện bao vây lực lượng Công an. Chúng chặt đứt còng số 8, giải thoát cho Tùng và tấn công làm nhiều trinh sát Phòng PC47 bị thương, trong đó có Đại uý Kiên. Ban chuyên án phải tung lực lượng cơ động vào giải vây, bắt giữ 4 tên cầm đầu. Các trinh sát chỉ kịp bàn giao đối tượng rồi từ hiện trường vụ án đến thẳng Trung tâm Phòng chống HIV, trong nỗi lo đến cháy lòng của đồng đội...

Trong chuyến ngược rừng mới đây ở Điện Biên, tôi có dịp trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thị Lưu - vợ Đại uý Trần Trung Kiên. Hơn một lần tôi thấy chị quay đi lau dòng lệ, cố giấu nỗi niềm riêng: “Làm mẹ, làm vợ trinh sát ma tuý phải có một sự nhẫn nhịn và cảm thông sâu sắc với công việc của chồng con. Không biết bao đêm rồi anh ấy bước chân ra khỏi nhà, điện thoại không liên lạc, là tôi lại như ngồi trên đống lửa và chỉ thở phào khi anh ấy trở về lành lặn”.

Thật may mắn cho Đại uý Kiên có một người vợ thảo hiền, hiểu và cảm thông với công việc của những trinh sát ma tuý. Chị bảo anh không bao giờ nói với bố mẹ và vợ về công việc, ngay cái lần bị Hoàng Văn Biêng cắn chảy máu, hồi đó chị đang mang thai đứa con đầu lòng, trong khi các bác sĩ tất bật sơ cứu, băng bó vết thương thì các bệnh nhân lại “dửng dưng” đến vô tâm trước vết thương của mình. Chị biết tính anh, đang điều trị chống phơi nhiễm, bị thuốc “vật” đến phờ phạc nhưng cứ có án là anh lại trốn vợ trốn con mà đi...

Chuyện chưa kể về những lần vào hang hùm

Từ khi làm lính trinh sát ở Phòng PC47, Đại uý Trần Trung Kiên đã trực tiếp tham gia phá 41 chuyên án, bắt giữ gần 100 đối tượng. Chỉ tính từ tháng 6-2010 đến nay, anh tham gia 13 chuyên án, bắt 30 đối tượng, thu giữ 11 bánh heroin, 600 viên ma túy tổng hợp, 1kg thuốc phiện... Với vai trò là Đội trưởng Đội 2, anh còn tham mưu và trực tiếp tham gia 2 chuyên án truy xét, bóc gỡ 2 đường dây ma túy liên tỉnh, làm rõ hành vi mua bán, vận chuyển trái phép hơn 200 bánh heroin, bắt giữ 12 đối tượng…

41 chuyên án Đại uý Kiên tham gia là 41 cuộc đấu trí, đấu dũng với tội phạm nguy hiểm, tình huống ngàn cân treo sợi tóc đối mặt với họng súng và hung khí giết người cũng lên đến con số… 13. Nhiều chuyên án chỉ trong 1 tuần nhưng có chuyên án ròng rã tới hơn 700 ngày (chuyên án Hạng A Thò và đồng bọn mua bán trái phép 160 bánh heroin). Chuyện ăn rừng, chịu đói chịu rét, “ngủ cùng” rắn rết, muỗi mòng hay đang đêm bị cả đàn lợn nòi hung dữ tấn công xem ra cũng bình thường so với những cuộc đọ súng một mất một còn giữa đêm tối mịt mùng.

Đêm mồng 1 Tết Tân Mão, Đại uý Kiên cùng đồng đội triển khai phương án vây bắt 3 đối tượng ở xã Keo Lôm (Điện Biên Đông). Trước đó, tổ CSGT và Công an TX Mường Lay đã bắt quả tang đối tượng Vàng A Già, 25 tuổi, ở bản Háng Lìa, xã Keo Lôm, vận chuyển 4 bánh heroin. Biết không thể chối tội, Vàng A Già đã khai ra một số tên đồng bọn. Tổ công tác bí mật áp sát nhà đối tượng ở bản Háng Lìa 2. Phát hiện Công an, bọn tội phạm đã xả súng điên cuồng về phía lực lượng truy bắt. Trận đánh “xông đất” năm 2011 kết thúc sau hơn 1 giờ đồng hồ; tên cầm đầu Vàng A Lầu, 24 tuổi, bị bắt giữ, số còn lại bỏ chạy tán loạn...

Những cuộc chạm trán, đấu súng với bọn tội phạm xảy ra như cơm bữa nhưng những lần xâm nhập vào tận sào huyệt của bọn chúng mới thử thách lòng quả cảm, sự mưu trí của trinh sát. Tháng 6/2011, phát hiện tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên một đường dây ma tuý lớn. Nhận lệnh của Ban chuyên án, Đại úy Kiên “đơn thương độc mã” xâm nhập sâu vào đường dây trong vai một thiếu gia “thừa tiền đói ma tuý” từ Thủ đô hoa lệ. Anh dựng lên đường đi nước bước và hành tung của từng đối tượng, trong đó có kẻ cầm đầu Lò Văn Hồng, 31 tuổi ở Đội 2, xã Thanh Chăn. Vừa hết hạn tù nhưng “ngựa quen đường cũ”, Hồng nhanh chóng bập vào con đường buôn bán “cái chết trắng”. Bài học nhân quả và sự trả giá 7 năm nơi tù tội làm hắn rất cảnh giác...

Nhưng bằng sự mưu trí của mình, Trung Kiên đã tạo được một vỏ bọc chắc chắn, từng bước “chinh phục” ông trùm Lò Văn Hồng, tuy nhiên hắn vẫn nghĩ ra nhiều quái chiêu để thử lòng trung thành của “thiếu gia”. Hồng từng sai đồng bọn đào hố chôn anh chỉ hở mỗi đầu trên bãi cát ở triền sông Nậm Núa, sau đó chất rơm xung quanh và châm lửa đốt để giải tỏa nghi ngờ. Lần khác, thử xem “thiếu gia” đã là “ma nhà” mình chưa, Hồng bắt anh phải cùng ăn gỏi cá sống với thứ mắm ngoé đựng trong ống bương giòi bò lúc nhúc. Trung Kiên đã xuất sắc vượt qua trò thử thách khủng khiếp đó nhưng sau đó phải qua 1 tuần điều trị bí mật tiêu chảy tại Bệnh xá Công an tỉnh. Chiều 29/12/2011, khi Lò Văn Hồng từ Phong Sa Lỳ (Lào) trở về nhà, vừa bước lên cầu thang thì y bị tổ công tác ập đến bắt quả tang 2 bánh heroin, 600 viên hồng phiến…

Không phải đến khi nhận được giải thưởng “Gương mặt Thanh niên tiêu biểu”, từ lâu “Trần Trung Kiên đã là một tấm gương kiên trung!”. Lời khen giản dị ấy là phần thưởng giá trị nhất mà đồng chí đồng đội và nhân dân dành để ghi nhận và vinh danh Trần Trung Kiên - người đã và đang cùng đồng đội làm nên bức “bình phong” vững chãi ngăn chặn những “cơn lốc trắng”, vì sự bình yên, hạnh phúc cho các bản làng Điện Biên...

Vũ Mạnh Hà
.
.
.