Cảm động tấm lòng nữ chiến sĩ "đau" cùng bệnh nhân ung thư

Chủ Nhật, 20/08/2017, 15:41
Đối với nhiều bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K Tân Triều thì Đại úy Lưu Thị Minh Châu, 32 tuổi (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) như một người thân thiết. Chị có thể ngồi hát hàng giờ đồng hồ bên các bệnh nhân vừa truyền xong hóa chất để giúp họ quên đi nỗi đau đang phải trải qua.


Chị cũng có thể ngồi nhiều tiếng đồng hồ bên chiếc điện thoại để nghe bệnh nhân chia sẻ, tâm tư. Và chị cũng sẵn sàng lên đường đến thăm một bệnh nhân dù họ ở rất xa khi hay tin họ bắt buộc phải rời bệnh viện khi không còn khả năng kinh tế để chữa chạy.

Người phụ nữ ấy nhiều khi còn viết thư cho cả những bệnh nhân không may mắn… qua đời. Chị bảo, vì gắn bó với họ nên mỗi khi nghe tin họ mất đi, tim chị đau lắm!

Giữa cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè, Đại úy Lưu Thị Minh Châu một mình phóng xe từ Hà Nội lên Bắc Giang để gặp một bệnh nhân mà chị chưa từng biết mặt. Chị bảo, chị chỉ nghe những bệnh nhân khác kể về hoàn cảnh của Hoàng Văn Hùng, 21 tuổi, bị ung thư bàng quang.
Đại úy Châu trong một lần đến tận nhà bệnh nhân thăm hỏi và động viên.

Tuổi đời còn rất trẻ nhưng lại mang trong mình căn bệnh quái ác khiến Hùng suy sụp rất nhanh. Không chỉ phải trải qua cú sốc lớn về tinh thần mà mỗi ngày, Hùng đều bị những cơn đau hành hạ. Chán nản và tuyệt vọng, Hùng đã uống 3 vỉ thuốc chuột để kết liễu đời mình.

Dù được đưa đi cấp cứu nhưng Hùng đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu và bị bệnh viện trả về lo hậu sự. Đúng vào lúc gia đình đang chuẩn bị tang lễ thì Hùng bất ngờ tỉnh lại. Một lần chết hụt ấy cũng chưa giúp Hùng hiểu được giá trị của sự sống. Bởi Hùng lại tiếp tục phải đối mặt với những cơn đau khủng khiếp.

Cái tâm lý muốn chết quách cho xong lại luẩn quẩn trong đầu. Nghe vậy, chị Châu đã phi xe máy một mạch từ Bệnh viện K lên Bắc Giang - quê Hùng. Chị thậm chí còn chẳng kịp hỏi cụ thể xem nhà Hùng, chỉ nghe loáng thoáng là ở thị trấn Kép. Có lẽ, "hoa tiêu" cho chị không bị lạc đường chính là trái tim đồng cảm với nỗi đau, sự tuyệt vọng của bệnh nhân.

Cuối cùng, Đại úy Châu cũng đã tìm được tới nơi mà mình cần đến. Nhìn Hùng đau đớn và tiều tụy, nước mắt chị lăn dài. Dù vậy, chị vẫn cố tỏ ra thật cứng rắn chỉ để nói với Hùng một câu: "Em còn nợ bố mẹ em nhiều lắm, nên đừng có suy nghĩ ích kỷ thế. Đừng có chỉ biết tới nỗi đau của bản thân mà không thèm quan tâm đến cảm giác những người thân của mình. Dù còn sống một ngày cũng phải sống cho thật mạnh mẽ, đáng mặt đàn ông". Nhờ câu nói ấy, Hùng đã ngộ ra và không còn nghĩ tới chuyện tự tước đi mạng sống của mình.

Hỏi Đại úy Châu, cơ duyên nào đưa chị đến với những bệnh nhân ung thư thì chị bảo: "Tình cờ một lần mình nghe được thông tin về một câu lạc bộ làm từ thiện tại Bệnh viện K, mình thấy nó ý nghĩa quá nên đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, khi tham gia vào một tổ chức thì có chút bất tiện là phải hoạt động theo tập thể, có giờ giấc nên sau đó mình xin ra khỏi câu lạc bộ và sau đó thì cứ rảnh lúc nào là mình chủ động vào chơi và thăm các bệnh nhân k lúc đó".

Nhưng đến năm 2014, trong một lần vào Bệnh viện K, chị Châu thấy một người phụ nữ cũng lang thang khắp các phòng bệnh như mình. Hỏi ra mới hay người phụ nữ ấy tên là Trần Thị Trang, cũng làm công tác thiện nguyện tự do như chị. Như một duyên nợ, họ bàn nhau sẽ thành lập một CLB từ thiện lấy tên là "Thiên Thần".
Chị có thể hát hàng giờ cho bệnh nhân nghe.

Tính đến nay, CLB Thiên Thần do chị Trang làm chủ nhiệm đã có tới 30 tình nguyện viên. Thành viên của CLB có người là bác xe ôm ngày ngày đưa đón bệnh nhân nhi, có người là nhạc công, ca sĩ. Thậm chí có người là những bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cùng tham gia chia sẻ.

Món quà mà các thành viên của câu lạc bộ mang đến có khi là những suất ăn sáng, ăn trưa, những tấm áo ấm hoặc kêu gọi hỗ trợ về tiền mặt để các bệnh nhân có thể trang trải phần nào kinh phí chữa bệnh. Không chỉ là vật chất, các thành viên của câu lạc bộ còn thành lập một "ban nhạc" để mang lại những giá trị tinh thần cho những bệnh nhân sau những ngày điều trị mệt mỏi.

Nhiều khi vào những dịp 1-6 (Quốc tế thiếu nhi) hay rằm Trung thu, CLB Thiên Thần của chị lại vào xin bác sĩ được đón các bệnh nhân nhi ra ngoài xem phim, xem xiếc hay dẫn chúng đi ăn KFC.

Đại úy Châu chia sẻ mỗi lần như vậy người đứng đầu CLB sẽ phải thuyết phục bác sĩ rất khó khăn và thậm chí còn phải làm cam kết nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra thì CLB sẽ phải chịu trách nhiệm.

"Nhiều đứa trẻ ở nông thôn, từ khi sinh ra đâu được biết rạp chiếu phim là gì, cũng chưa từng được ăn một bữa bánh pizza hay KFC. Trong khi quỹ thời gian sống của bọn trẻ nhiều khi chỉ được tính bằng ngày. Vậy nên bọn mình rất muốn những ngày còn được sống của các con là những ngày thực sự vui vẻ và có ý nghĩa" - chị Châu tâm sự.

Với nhiều người, khi đi làm từ thiện họ thường lên lịch cụ thể, sắp xếp được công việc mới lên đường, nhưng với Đại úy Châu thì khác. Chị bảo, chị có thể không cho các bệnh nhân nhiều về vật chất nhưng về tinh thần thì lúc nào chị cũng muốn đồng hành, san sẻ nỗi đau cùng họ.

Trước đó, chị đã lập ra một nhóm “chát” giữa chị với các bệnh nhân. Trong đó, chị có thể lắng nghe họ giãi bày tâm sự, thậm chí cả những hoang mang, hoảng hốt về cái chết. Bao giờ cũng thế, trong nhóm “chát” ấy chị luôn là người cuối cùng rời khỏi màn hình.

Chị Châu nhớ lại: "Ban đầu mình lập ra có nhiều bạn vào chuyện trò, tâm sự lắm. Nhiều em đang ở độ tuổi mới lớn, lần đầu tiên có những cảm xúc giới tính cũng chia sẻ và hỏi kinh nghiệm từ mình. Nhưng rồi các thành viên trong nhóm “chát” ấy cứ rơi rụng dần, giờ thì chỉ còn lại một mình mình thôi. Họ ra đi cả rồi".

Dù đã làm công tác thiện nguyện này nhiều năm, dù đã tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư quá nhiều nhưng cảm giác mỗi khi nhận tin họ lìa xa cõi đời với chị chưa bao giờ là cũ: "Đau lắm bạn ạ. Có những người vừa hôm trước mình vào thăm, chị em còn cười nói, trêu đùa nhau rất vui vẻ. Vậy mà chỉ hôm sau thôi đã lại nhận được tin em ấy vĩnh viễn ra đi rồi".

Có những người rời xa trần thế khi cuộc sống mới chỉ bắt đầu. Có những người, ngay cả họ mất đi rồi vẫn để lại trong lòng Đại úy Châu một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đó là nụ cười hồn hậu của Nguyễn Thị Hoa - cô sinh viên thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra của Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau lễ ăn hỏi, Hoa thấy sức khỏe suy giảm trầm trọng nên được chồng sắp cưới đưa đi khám.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thông báo một tin như sét đánh ngang tai, Hoa bị ung thư di căn. Nếu như nhiều người khác, rất có thể Hoa đã bị người chồng sắp cưới tìm cách thoái thác. Nhưng Hoa đã rất may mắn khi người đàn ông mình yêu thương luôn bên cạnh.

"Mấy ngày sau khi Hoa mất, mình nhận được tin nhắn của chồng Hoa với nội dung: "9 tuổi em phải thắp hương cha, 29 tuổi em phải thắp hương vợ. Có ai bất hạnh như em không chị?". Thực sự đọc những dòng tin nhắn ấy mình thấy tim mình như nát ra từng mảnh" - chị Châu chia sẻ.
Hễ có thời gian là chị lại vào Bệnh viện K để làm thiện nguyện.

Khi nghe tin em Vi Thị Lan Hương - một nữ sinh xinh đẹp của Trường Đại học Sư phạm qua đời, chị đã bật khóc nức nở như thể mất đi một người thân. Cảm xúc tức thời ấy chị Châu đã ghi lại trong bài thơ "Tạm biệt nhé": "Tạm biệt nhé, ừ chỉ là tạm biệt/ Bởi chúng mình sẽ còn gặp lại nhau/ Người ở lại người đi đừng khóc nhé/ Cho khỏi bận lòng ngày tháng xa xôi/ Tạm biệt nhé ngôi nhà tôi bé nhỏ/ Với tiếng nói cười ba mẹ anh em/ Những tháng ngày nuôi cho tôi khôn lớn/ Biết ơn đời cho tôi được sinh ra/ Tạm biệt nhé cho tôi chào tạm biệt/ Cây phượng già bên lớp học ngày xưa/ Có dáng ai thân thương bên ô cửa… Tôi gửi lời chào để nhờ gió mang đi/ Tôi gửi trọn cho mình tôi tất cả/ Khi tôi xa rồi hành lý có thế thôi".

Cho đi yêu thương từ tận sâu thẳm trái tim mình nên không chỉ những bệnh nhân K mới cảm thấy gần gũi mà chính những người nhà của bệnh nhân cũng luôn coi chị Châu như một thành viên trong gia đình họ. Nhiều người, khi người thân mất đi đã không ngại ngần gửi cho chị hình ảnh về những lọ tro cốt với lời chú thích, đại ý, "gửi cho chị hình ảnh cuối cùng về Hoa, về Thành, về Hương"…

Những lúc như thế Đại úy Châu chỉ biết nhìn trân trân vào tấm ảnh có hình tro cốt và khóc. Có thể một trong số những người ấy tuần trước còn đang rộn rã nói cười với chị, nay đã sang một thế giới khác rồi. Có thể, nơi ấy sẽ không còn những cơn đau hành hạ… Chị chỉ biết nghĩ thế để an ủi lòng mình.

Nhiều khi, nhớ và thương một bệnh nhân đã qua đời mà trước đó chị đã có thời gian gắn bó chị lại viết thư cho họ. Chị hỏi thăm về cuộc sống bên kia và tâm sự cho họ nghe những hoảng hốt trong lòng mình khi mỗi ngày lại phải chứng kiến thêm những cuộc chia ly…

Thượng úy Phạm Văn Mạnh, Chính trị viên của Đại đội Thông tin (Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết: "Với đặc thù của môi trường quân đội, nữ cán bộ, chiến sỹ không nhiều không muốn nói là "hiếm hoi" nhưng với nỗ lực, cố gắng rèn luyện của bản thân, đồng chí Lưu Thị Minh Châu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đồng chí thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, được lãnh đạo đơn vị và đồng đội đồng tình ủng hộ. Đồng chí Châu là một tấm gương sáng về lòng thiện nguyện để mọi người noi theo".
Phong Anh
.
.
.