Bình dị những bông hoa lửa

Thứ Ba, 17/03/2020, 20:36
Ngọ ngồi trước mặt tôi, lần đầu tiên tôi gặp em ấy ngoài đời. Gương mặt sắc cạnh, làn da nâu và có phần hơi cháy nắng. Đôi mắt Ngọ đen sáng nhưng ánh nhìn xa xăm.


Lần đầu tiên tôi biết đến Ngọ là năm 2015, lúc đấy cơ quan tôi tổ chức một chuyến đi thực tế sáng tác ở Tây Nguyên. Trong những ngày chúng tôi ở đó, nhà thơ Tạ Văn Sỹ là người luôn sát cánh cùng đi với đoàn. Chia tay nhau nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc qua facebook, email… để đàm đạo chia sẻ những  bài viết của chuyến đi. 

Một tối, facebook tôi nhận được dòng tin nhắn: "Chị quen biết nhà thơ Tạ Văn Sỹ à? Em và bác nhà thơ ấy thân nhau lắm, bác ấy thương em như con cháu trong nhà và góp ý cho em trong việc viết lách rất nhiều. Em cũng rất mê văn chương chị ạ. Em hy vọng sẽ có dịp trở về quê hương và gặp chị". Tôi tò mò vào facebook đó và rất vui khi biết em ấy cũng là người Quảng Bình - một chiến sỹ công an vừa được điều động về công tác tại miền cực bắc Tây Nguyên- Kon Tum.

Hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát bị lửa bén vào người khi đang làm nhiệm vụ (Ảnh Tuổi trẻ)

Tôi cởi mở hơn trong việc trò chuyện với em và rồi dần dà em xem tôi giống như là một người chị thân thiết của mình. Ngọ mồ côi cha từ lúc ba tuổi, còn em gái Ngọ khi ấy chỉ mới được ba tháng tuổi chưa thể nhớ rõ mặt cha. Mất chồng sớm khi tuổi còn đương xuân, nhưng mẹ Ngọ không đi thêm bước nữa, mẹ ở vậy, bám làng, bám biển, tảo tần nuôi hai anh em Ngọ khôn lớn.

"Mênh mang nắng gió Quảng Bình/ Công cha, nghĩa mẹ, ân tình nước non". Ngọ gửi tôi hai câu thơ kèm theo cái icon mặt cười méo xệch. "Em nhớ quê quá chị ạ!". Tôi biết, quê hương thì ai đi xa mà chẳng nhớ về, tôi cũng vậy mà em cũng vậy. Dù quê hương đọng lại trong em chỉ là những bữa đói, bữa no, những buổi đi làm thuê cho thiên hạ để kiếm tiền nuôi mẹ nuôi em. Cũng chính từ những nhọc nhằn tuổi thơ đã thôi thúc Ngọ quyết tâm sau này phải thoát nghèo, vượt lên số phận. Mà muốn thoát nghèo, không còn con đường nào khác là phải học!

Khi chị em gặp nhau, tôi biết nhiều hơn về Ngọ và quê của em. Quê em cũng như những vùng quê biển khác, con người sống với biển, bám biển, đằng sau niềm vui khi cá đầy thuyền là nỗi lo với cảnh mẹ đợi con, con đợi cha, vợ đợi chồng mỗi mùa biển động. Trong mỗi giấc ngủ của Ngọ, hình ảnh những ngôi mộ gió lập vội, những xác người ven bờ biển đang trong quá trình phân hủy cứ ám ảnh hằng đêm. Tất cả đó càng thôi thúc Ngọ phải học để sau này tìm được một cái nghề nào đó để có thể kịp thời cứu được những người không may bị nạn.

Những năm học phổ thông, vượt lên gia cảnh và tập tục làng quê biển là cha mẹ ít quan tâm đến việc học hành của con, riêng Ngọ như một cá biệt của sự học, em luôn đứng đầu lớp. Hết phổ thông, Ngọ phân vân giữa hai sự lựa chọn. Một bên là ngành chế tạo máy của trường Đại học Bách Khoa và một bên là ngành Công an. Cuối cùng Ngọ chọn thi vào ngành Công an. Ngọ chọn thi vào trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy. May mắn cho Ngọ là năm ấy trường mở khóa đầu tiên chuyên ngành Cứu hộ, cứu nạn, cái ngành được hiểu một cách đơn giản là cứu người và cứu tài sản khi gặp nạn.

Tốt nghiệp ra trường, Ngọ được điều động về công tác tại miền cực Bắc Tây Nguyên là tỉnh Kon Tum, tỉnh nghèo heo hút với những con đường đèo cheo leo trên sườn núi, trong đó phải kể đến là con đèo mang tên "đèo Tử Thần", đèo Lò Xo. Có một vụ tai nạn đầu năm 2018 ở trên con đèo này cứ ám ảnh Ngọ mãi cho đến tận bây giờ. 

Nhà văn Trác Diễm, tracdiem86vhnt@gmail.com

Đó là vụ tai nạn giao thông của xe khách chạy từ Hải Dương vào Kon Tum. Khoảng 2 giờ sáng xe vào đến khu vực đèo Lo Xo, có thể do tài xế ngủ gật, đường trơn, xe chệch lái lao thẳng xuống vực sâu hơn 40 mét. Khi tiếp cận hiện trường, một cảnh tượng bi thương, kinh hoàng  hiển hiện ra trước mắt những người lính cứu hộ, cứu nạn, xe bẹp dúm và những xác người… Có một sự trùng hợp đau đớn là có hai cháu cùng tên Đức, cùng lên 10 tuổi đều bị chết, thi thể không còn nguyên vẹn, trông rất đau lòng. Lần đó, Ngọ cùng anh em đồng đội trắng đêm vật vã cứu người.

Trên bờ dù hiểm nguy nhưng còn dễ nhìn thấy, dưới nước sâu bao nguy hiểm rình rập. Ngọ nói: "Vất vả nhất có lẽ là nghề lặn phải đối mặt với bao nguy hiểm dưới nước. Xuống nước như vào mê cung, chỉ có thể liên lạc với đồng đội bằng một sợi dây. Đã có khi bọn em mò được cả đạn bom còn sót lại từ thời chiến tranh, rồi nguồn nước ô nhiễm... 

Trên mặt trận này, có không ít đồng đội của em đã hi sinh, mới đây nhất là đồng chí Trần Văn Lành ở Tây Ninh đã hi sinh trong lúc tìm kiếm thi thể nạn nhân vào ngày 28/8/2019".

Ngọ đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về nghề của mình, trong đó có vụ cháy ngày giáp tết năm 2013 tại cửa hàng bán xe máy Vĩnh Hưng thuộc thành phố Kon Tum vào lúc 3 giờ sáng. Nhận được tin báo Ngọ cùng anh em tức tốc lên đường. Khi đến nơi, hiện trường mịt mùng khói lửa bao trùm với các tiếng nổ lớn của bình xăng và những vật dụng khác. Cửa cuốn của ngôi nhà không thể phá nhanh được. Chậm bây giờ đồng nghĩa với mất an toàn mạng sống của người còn bị mắc kẹt trong ngôi nhà. 

Nhận lệnh chỉ huy những người lính cứu hỏa triển khai đội hình chữa cháy và cứu người. Được biết tại căn phòng ngủ ở tầng 1 có diện tích khoảng 240m2 có 3 người đang mắc kẹt trong đó, người mẹ trên dưới 40 tuổi và hai đứa trẻ, 6 và 4 tuổi. Bằng mọi giá phải cứu được mẹ con, dập cháy và ngăn ngừa cháy lan. Ngay lập tức đồng đội cho triển khai các biện pháp ngăn chặn cháy lan, khống chế đám cháy, một mặt dùng các thiết bị chuyên dụng để phá cửa cuốn, một bộ phận đành phải leo lên nhà bên cạnh đu dây xuống để tiếp cận vị trí của ba mẹ con. 

Khói lửa mù mịt không thấy đường phải men theo tường trong ánh đèn pin mờ ảo đến vị trí của nạn nhân, nhờ thế nên khi vào tới nơi ba mẹ con vẫn chưa bị ngạt thở nhưng tất cả họ đang rất hoảng loạn, bất ổn, mặt mày tím tái, bị sặc khói. Ngay lập tức những chiếc khăn thấm nước được chuyển đến, các cháu bé được chuyển ra ngoài. Nhưng trên đường chuyển ra, cấu kiện xây dựng bắt đầu có dấu hiệu lún sụp chực đổ xuống từng phần, những viên ngói bắt đầu rơi, nếu không có kinh nghiệm, không nắm chắc "nghiệp vụ" và quan sát thì rất nguy hiểm. 

Những người lính cứu hộ, cứu nạn phải khom người, ôm các cháu bé vào lòng, sẵn sàng đưa lưng hứng trọn những viên ngói bị lửa hun nóng đang ào ào rơi xuống. Trong lúc đó, nạn nhân có dấu hiệu mất sức, ngạt khói, không còn cách nào khác, cán bộ chiến sỹ liền cởi mặt nạ phòng độc nhường cho nạn nhân. Đường ra tưởng chừng dài như vô tận, nhưng cuối cùng cũng đã đưa được nạn nhân ra ngoài an toàn trong tiếng hoan hỉ của mọi người. "Chúng em mệt lả vì hít quá nhiều khói khí độc", Ngọ nói.

- Chị chúc mừng là em đã được cấp trên quan tâm vì hoàn cảnh gia đình nên em đã được chuyển vùng về quê. Từ khi về đến nay em có phải tham gia nhiều các vụ cứu hộ, cứu nạn không?

- Có chứ chị, do nhiều nguyên nhân, trong đó có ý thức của người tham gia giao thông chưa được tốt, nên đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, thường những lúc như thế đều có mặt chúng em.

- Công việc của các em nguy hiểm và vất vả quá, nhưng hình như ít được mọi người biết đến.

- Điều đó không quan trọng chị ạ. Nhạc sỹ Trần Long Ẩn đã từng viết bài hát Một đời người, một rừng cây có đoạn: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…". Nhưng ai làm cái nghề này cũng mong sao mình "Thất nghiệp" chị ạ. Chúng em chỉ mong thất nghiệp thôi.

Chia tay Ngọ mà tôi mãi nhìn theo cái dáng người rắn rỏi trong bộ quân phục màu xanh lá hòa vào giữa dòng người an yên nhưng cũng ẩn chứa nhiều bất trắc.

Trác Diễm
.
.
.