Bản lĩnh trên mặt trận chống tội phạm ma túy

Thứ Năm, 14/09/2017, 07:17
Ðảm nhận trọng trách Ðội trưởng Ðội trinh sát số 2 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47 Thái Bình) khi tuổi đời còn khá trẻ, Trung úy Nguyễn Văn Hùng là lãnh đạo trẻ nhất của Công an tỉnh cho đến thời điểm này. Tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm, anh được coi là một nhân tài của Phòng PC47.


Trung úy Nguyễn Văn Hùng thoạt nhìn già hơn nhiều so với tuổi 28. Có lẽ những năm tháng lăn lộn, xông pha với nghề Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khiến chàng trai trẻ trưởng thành, chín chắn hơn. 

Nguyễn Văn Hùng đến với nghề như một cái duyên. Sau khi ra trường, anh được phân công về Phòng PC47 Công an tỉnh Thái Bình công tác. Những ngày đầu làm quen với công việc mới, Hùng bỡ ngỡ nhiều lắm. Thế nhưng, nhiệt huyết tuổi trẻ luôn muốn chinh phục những công việc khó khăn, nguy hiểm nhất, thể hiện bản lĩnh của một chiến sĩ Công an nên Hùng rất ham học hỏi, nhiệt tình, việc gì cũng xông xáo, xung phong xin làm. 

Ngày ấy, thấy Hùng theo nghề Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, bố mẹ cũng khuyên nhủ nhiều lắm. Nhà có cậu con trai duy nhất lại đi theo nghề nguy hiểm, đi đêm về hôm, thường xuyên đối mặt với tội phạm trang bị vũ khí nóng, không nói ra nhưng nhiều đêm ông bà lo không ngủ được. Hùng lúc nào cũng luôn là người chủ động làm công tác tư tưởng cho bố mẹ yên tâm.

“Đến khi yêu rồi cưới vợ, nhà ngoại còn phản đối ghê hơn. Vợ thì luôn thông cảm, chia sẻ, nhưng ông bà ngoại lo con gái sẽ gặp khổ, yêu phải anh Công an ma túy đi suốt ngày, lại làm cái nghề quá nguy hiểm, sợ con rể làm sao thì con gái mình lại khổ. Cũng phải làm tư tưởng rõ lâu đấy”, Trung úy Hùng cười tươi chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Văn Hùng đang chăm chú nghiên cứu hồ sơ.

Kể về lần đầu tiên đi bắt tội phạm, Hùng hài hước: “Lần đầu tiên mình cũng hồi hộp lắm, đi bắt phạm mà còn run hơn đi hỏi vợ, sợ không hoàn thành nhiệm vụ, sợ để xảy ra sơ xuất. Đến khi bắt giữ được đối tượng, xong xuôi mới dám thở phào nhẹ nhõm”. 

Nhiều lần đối mặt với tội phạm nguy hiểm đã rèn luyện cho chàng trai trẻ bản lĩnh, kinh nghiệm để rồi khi mới 27 tuổi, Hùng được lãnh đạo tin tưởng giao cho vị trí Đội trưởng Đội trinh sát số 2. 

9 năm lăn lộn với nghề, Hùng bảo mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, cả về tính cách, về trình độ, chuyên môn. Không ít lần Hùng phải đối mặt với nguy hiểm, có lúc tưởng chừng cận kề cái chết. 

Hùng nhớ có lần đuổi bắt một đối tượng buôn bán ma túy, anh em không hề được trang bị vũ khí tự vệ. Đối tượng có lận dao trong người, phóng xe máy bạt mạng hòng tìm cách trốn chạy. Biết đối tượng có vũ khí nóng nhưng các trinh sát kiên quyết bám đuổi đến cùng. Một xe phóng trước chặn đầu, một xe tìm cách ép đối tượng vào vệ đường. Bị chốt chặn hai đầu, đối tượng điên cuồng lao xe trực diện vào xe của Hùng và đồng đội chặn phía trước. Choáng váng vì bị ngã, nhưng nhanh như cắt Hùng bật dậy lao vào đối tượng. Hắn rút dao chống trả quyết liệt, dù bị đâm trúng tay, máu chảy đầm đìa, nhưng anh và đồng đội đã khống chế, bắt giữ được đối tượng. 

“Các đối tượng buôn bán ma túy thường rất khôn ngoan, xảo quyệt, luôn thủ sẵn vũ khí nóng trong người và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Có lần theo dõi mật phục một đối tượng chuyên đánh ôtô đi bán lẻ ma túy, biết hắn thủ súng trong xe, nhưng hắn khôn ngoan không bao giờ xuống xe giao dịch, mà chỉ ngồi bên trong kéo cửa kính xuống để trao đổi. Khi anh em yêu cầu xuống xe kiểm tra, đối tượng manh động không chấp hành, còn lao xe vào tổ công tác đang chốt chặn xe máy phía trước. Rất may anh em lường trước được tình huống nên kịp thời nhảy ra hai bên, chứ nếu không thì không biết hậu quả gì xảy ra”, Trung úy Hùng cho biết.

Không ít lần, anh cùng đồng đội phải uống thuốc phơi nhiễm HIV, nhưng máu nghề vẫn không bao giờ hạ nhiệt ở chàng trai quê lúa. Hùng nhớ có lần truy bắt đối tượng buôn bán ma túy nhưng nhiễm HIV, bị bao vây, biết không còn đường chạy thoát, đối tượng đã dùng dao tự rạch khắp tay khiến máu chảy đầm đìa, hòng dọa sẽ lây nhiễm cho anh em trinh sát. Thế nhưng, dù không có bảo hộ, không có vũ khí, anh em vẫn quyết khống chế đối tượng bằng được. 

Cũng trong lần đó, Hùng bị thương và phải uống thuốc phơi nhiễm. Giấu gia đình, giấu vợ con vì sợ mọi người lo lắng, nhưng anh bảo, chuyện ấy anh em trong nghề đều đã trải qua, nên quá bình thường với tất cả những ai làm Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

Nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến đi Mộc Châu tìm cách bắt giữ đối tượng buôn bán ma túy đang ẩn náu trên đó. Mộc Châu vốn là địa bàn trọng điểm của buôn bán ma túy, với những “thủ phủ” gần như đổ boong ke chắc chắn, người ngoài bất khả xâm phạm. Lường trước được mọi khó khăn, nguy hiểm, anh em xin ý kiến lãnh đạo địa bàn nếu vào được thì đề nghị cử người phối hợp, giúp đỡ, còn không chỉ vào khám xét sơ bộ. 

Từ trung tâm, anh em phải đi xe máy hơn chục kilômét đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề, một bên là núi còn một bên là vực sâu thăm thẳm, vừa đi vừa run vì sợ lao xe xuống vực. Có đoạn xe máy không đi được, anh em phải xuống xe dắt bộ cả cây số. Nhiệm vụ đầu tiên vẫn là bảo đảm an toàn cho các chiến sĩ tham gia, nên dù bắt được đối tượng hay không, anh em vẫn phải rút quân.

Đội trinh sát số 2 của Hùng có 11 cán bộ chiến sĩ, nên hầu như lúc nào anh em cũng phải căng như dây đàn để trực chiến, chia quân đi làm nhiệm vụ. Thái Bình tuy không phải là một địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển ma túy như các tỉnh Tây Bắc, nhưng tồn tại nhiều tụ điểm buôn bán phức tạp. Vì thế, nhiệm vụ của các anh càng thêm nặng nề. Các đối tượng thường hoạt động tinh vi, tìm mọi vỏ bọc để che lấp hành vi phạm tội của mình. 

Trong nhiều chuyên án, Hùng nhớ nhất là chuyên án triệt phá tụ điểm ma túy của Trần Thị Đàm (trú tại TP Thái Bình). Gần 70 tuổi, nhưng người đàn bà này vẫn đầy mưu mô, thủ đoạn để qua mắt Cơ quan Công an, gieo rắc “cái chết trắng” trên quê hương năm tấn. Ngôi nhà mà bà ta cùng đám con cháu sinh sống, là một boong ke ma túy khá nhức nhối, khiến cuộc sống của người dân xung quanh ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gia đình, họ hàng Trần Thị Đàm rất đông người. Điều đáng nói, hầu hết những người trong gia đình này đều có liên quan đến ma túy, từ bố mẹ, con cái cho đến cô, dì, chú, bác họ hàng xa gần. Có người vào tù ra tội nhiều lần nhưng vẫn ngựa quen đường cũ bởi lợi nhuận từ ma túy là quá lớn. 

Còn riêng Đàm, các trinh sát phải gọi là “cáo già” vì quá ranh ma, xảo quyệt, bà ta không bao giờ đứng ra “giao dịch” trực tiếp, các đối tượng giao hàng cho bà ta đều là những con nghiện ma túy trong vùng. Bọn chúng được bà ta thuê “chân chạy” và trả công cho chúng là dùng heroin miễn phí... 

Chỉ cần có động là Đàm và bọn tay chân sẵn sàng hủy mọi chứng cứ, tài liệu. Thế nên suốt một thời gian mật phục, theo dõi, các trinh sát mới tìm cách tiếp cận và bắt quả tang, triệt phá tụ điểm gây bức xúc trong dư luận suốt một thời gian dài.

Quá trình triệt phá tụ điểm ma túy của đối tượng Nguyễn Văn Bắc ở Quỳnh Phụ, Thái Bình cũng khiến các trinh sát mất không ít thời gian và công sức. Gia đình của Bắc được gọi là gia đình “toàn tòng ma túy”. Bởi gia đình này có tới 8 người con trai mà người nào cũng dính líu tới pháp luật. Bắc có một tiền án về tội cướp tài sản. Sau khi ra tù, Bắc về Quỳnh Phụ lập boong ke ma túy, bán tại nhà. Nhà Bắc nằm ở mặt phố, cửa chính anh ta thường đóng chặt, còn cửa ngách có một ô cửa nhỏ, và anh ta thường thò tay qua ô cửa này để bán ma túy cho các con nghiện. Nhà anh ta được lắp cửa điện tử, nếu cánh cửa này mở thì bên trong không có “hàng”, còn khi nào cửa đóng thì đó là thời điểm “giao dịch” của Bắc và dân nghiện. Cửa của ngôi nhà này rất chắc chắn, muốn vào bên trong phải qua 2 lớp cửa, nếu thấy động bên ngoài, lập tức Bắc sẽ cho ma túy vào toilet và giật nước xả phi tang. Do vậy, việc bắt quả tang vô cùng khó khăn. Phải mất thời gian dài nghiên cứu kỹ địa bàn, phương thức hoạt động của đối tượng và giờ giấc ra vào của dân nghiện, cuối cùng các trinh sát mới triệt phá được tụ điểm gây nhức nhối này.

Khó khăn, vất vả thì nhiều, không kể xiết, người ngoài thấy sợ, thấy nguy hiểm nhưng anh em trinh sát lại coi đó là chuyện hết sức bình thường. Có những hôm vì nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Văn Hùng vội vã lên đường, chỉ kịp nhắn một cái tin ngắn ngủn thông báo cho vợ “anh đi công tác mấy ngày”, rồi tắt điện thoại cả mấy ngày liền. Thế nhưng, may mắn cho anh khi vợ con luôn thấu hiểu, thông cảm sẻ chia để anh yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Đó là hạnh phúc không gì sánh được của những người lính chiến đấu trên trận tuyến chống ma túy như các anh.

Mai Phong
.
.
.